Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống lực lượng Tham mưu CAND (18-4-1946 – 18-4-2016)

Hồi ức của một cán bộ tham mưu Công an tiền bối

Chủ Nhật, 17/04/2016, 08:01
Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi tìm đến nhà bác Bùi Phụng Dư, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp Bộ Công an. Bước sang tuổi 90 nhưng ông vẫn mạnh khỏe, tự lên xuống cầu thang nghe điện thoại, đón khách đến nhà.

Bên chén trà xanh, qua lời kể của bác Dư, ký ức trong công tác, gắn bó với lực lượng  tham mưu như thước phim quay chậm, hiện hữu mà ở đó “thành tích cá nhân được gắn trong thành tích tập thể”. Ông chia sẻ rằng: Trong 70 năm công tác tham mưu, có thể tạm chia thành hai giai đoạn, đó là thời từ chiến khu về tiếp quản Thủ đô sau khi thắng lợi  Điện Biên Phủ và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm 1975, thống nhất đất nước…

Vụ Nghiên cứu tổng hợp là cơ quan tham mưu chung của Bộ Công an phục vụ sự lãnh đạo của Đảng Đoàn và lãnh đạo Bộ Công an. Giai đoạn quan trọng thứ hai, là giai đoạn từ năm 1986 đến nay, đây là giai đoạn đổi mới và phát triển do Văn phòng Bộ phục vụ sự lãnh đạo Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ.

Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, đồng chí Nguyễn Văn Đăng, Vụ trưởng Vụ Cán bộ (bên phải) và ông Bùi Phụng Dư.

Bác Dư sau khi tham gia Cách mạng Tháng Tám làm công tác phụ trách Đoàn Thanh niên rồi vào Đảng. Từ năm 1948 đến 1953, bác làm công tác tham mưu từ Chánh Văn phòng Huyện ủy Vụ Bản đến Văn phòng Tỉnh ủy Nam Định, Văn phòng Tỉnh ủy Ninh Bình và thư ký cho một số đồng chí  Khu ủy viên Khu 3.

Sau khi Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn được Trung ương phân công phụ trách Tổng Nha đến Thứ Bộ Công an rồi Bộ Công an; Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đề nghị Trung ương tăng cường cán bộ cho lực lượng Công an và  bác Dư là một trong số cán bộ đó. Khi mới bước chân vào lực lượng Công an, bác Dư đã được các đồng chí trong Đảng Đoàn và lãnh đạo Bộ Công an là những đồng chí có có trình độ lý luận và kinh nghiệm nghiệp vụ bồi dưỡng, đồng thời cử đi học nên bác đã từng bước nắm bắt và làm tốt công tác tham mưu.

Lúc bấy giờ, Phòng Bí thư của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn ở chiến khu (bí danh là phòng 6A), bác Dư được điều về Phòng Bí thư do đồng chí Viễn Chi phụ trách; sau đó, được đề bạt làm Phó phòng và Trưởng phòng Bí thư. Giai đoạn về Hà Nội, sau khi học ở Liên Xô về, bác Dư được chuyển sang làm Trưởng phòng 4, thuộc Văn phòng Bộ, đồng thời làm thư ký của Đảng Đoàn Bộ Công an cho đến những năm 80.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, công tác Công an thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ là phải luôn dựa vào dân, được lòng tin yêu của nhân dân. Năm 1968,  bác Dư được đề bạt Vụ phó Vụ Nghiên cứu tổng hợp.

Bác Dư luôn nhớ đến lời dặn dò, tâm huyết của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn; ghi nhớ và cố gắng thực hiện tốt lời căn dặn, giữ gìn phẩm chất và cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Những bài học về công tác lãnh đạo, bác Dư luôn thấm thía về những lời tâm huyết, càng thấy tầm nhìn xa trông rộng và những tư tưởng lãnh đạo có tầm chiến lược của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn như trước tình hình mới cán bộ lãnh đạo phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, thường xuyên tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng để xứng đáng là người lãnh đạo tốt, luôn luôn vững vàng trước mọi thử thách. 

Bác Dư cho biết, khi ấy Vụ Nghiên cứu tổng hợp đã đề xuất những vấn đề quan trọng trong công tác Công an để Đảng Đoàn Bộ và lãnh đạo Bộ để xuất lên Trung ương ra những Nghị quyết như: Nghị quyết 39, 40 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 37 của Hội đồng Chính phủ về quản lý trật tự xã hội và tiến hành tổng kết công tác đấu tranh của toàn lực lượng Công an; dự kiến những vấn đề về chính sách khi tiếp quản vùng giải phóng miền Nam…

Tất cả các đơn vị của Vụ Nghiên cứu tổng hợp đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác tham mưu, trong đó Đội Giao liên được phong tặng danh hiệu Anh hùng do những thành tích công tác của đơn vị. Thời kỳ ấy, chưa có điện tử và Internet như bây giờ nên Đội Giao liên phải làm cả nhiệm vụ chuyển công văn của Đảng, Chính phủ và lực lượng Công an.

Một trong những phương tiện gắn bó với công tác tham mưu của bác Dư phải kể đến là chiếc valy bảo mật và bác coi nó như là “bộ óc” thứ hai; các tài liệu quan trọng đều được đựng trong chiếc valy này, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Công an nhân dân.

Trong quá trình công tác, bác Dư được phong cấp hàm Thiếu tướng và đã kinh qua các chức vụ Chánh Văn phòng tổng hợp, Cục trưởng Cục Tham mưu tổng hợp. Với những thành tích đạt được, bác Dư được khen thưởng nhiều huân, huy chương trong và ngoài nước.

Minh Hiền
.
.