Chuyện về người cận vệ anh hùng được Bác Hồ đặt tên

Thứ Ba, 08/03/2016, 08:28
Mùa xuân Bính Thân 2016 này, niềm vui của cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ như được nhân đôi bởi họ vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn và thành công Đại hội XII của Đảng, vừa đón nhận tin vui đồng chí Hoàng Hữu Kháng, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

Đồng chí Hoàng Hữu Kháng là bậc tiền bối của lực lượng Cảnh vệ, là cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 5 năm 1945 cho đến khi Người qua đời. Suốt 36 năm tham gia lực lượng Cảnh vệ, trong đó có 28 năm là lãnh đạo Cục, đồng chí là một trong 8 người vinh dự được Bác Hồ đặt tên như một khẩu hiệu vang vọng một thời: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi.

Đồng chí Hoàng Hữu Kháng tên khai sinh là Nguyễn Cao, sinh ra lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Nguyệt Giám, xã Minh Tân (Kiến Xương, Thái Bình). Được thừa hưởng truyền thống cách mạng của gia đình và quê hương, Nguyễn Cao sớm giác ngộ cách mạng, tham gia nhiều phong trào ở địa phương như: “Nông dân cứu quốc”, “Tự vệ cứu quốc”…, chống Pháp bắt phu, bắt lính.

Bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác từ Đèo Khế, Thái Nguyên sang Tuyên Quang năm 1947 (đồng chí Hoàng Hữu Kháng ngồi thứ 4 từ trái sang).

Cuối năm 1940, trong một cuộc mít tinh kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga của nhân dân Thái Bình ở chợ Cao Mại, thực dân Pháp đã phát hiện diễn giả. Để đánh tháo và bảo vệ diễn giả, đồng chí Nguyễn Cao đã chống trả quyết liệt sự đàn áp của địch; bị thực dân Pháp bắt và kết án 5 năm tù. Dù bị đày đọa tại các nhà tù hà khắc, nơi rừng thiêng nước độc ở Sơn La, Hòa Bình, Chợ Chu (Thái Nguyên)… ông vẫn tuyệt đối trung thành với tổ chức; cùng với những chiến sĩ cách mạng thành lập tổ chức cộng sản, do đồng chí Nguyyễn Văn Khương (tức Song Hào, sau này là Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) làm Bí thư; biến nhà tù thành trường học cách mạng.

Cuối năm 1944, Xứ ủy chỉ thị Đảng bộ nhà tù Chợ Chu tổ chức vượt ngục; ông Nguyễn Cao cùng 11 đảng viên, do đồng chí Song Hào chỉ huy đã trốn thoát trở về hoạt động. Ông được tổ chức phân công tham gia trong đội Cứu quốc quân số 3 tại chiến khu Nguyễn Huệ (Chiến khu Nguyễn Huệ gồm một phần Thái Nguyên, một phần Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Đoan Hùng - Phú Thọ, Yên Bình - Yên Bái)… Đầu năm 1945, đồng chí được cấp trên giao nhiệm vụ quản lý trường Quân chính kháng Nhật ở Tân Trào và đổi tên thành Nguyễn Văn Lý.

Nhận định tình hình chiến sự trong nước và thế giới đang chuyển biến có nhiều thuận lợi cho cách mạng nước ta, ngày 25 tháng 5 năm 1945, Lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) để tiếp tục lãnh đạo cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa. Để bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Đăng Ninh và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã bổ sung Nguyễn Văn Lý vào tổ cận vệ và ông đã vinh dự trở thành người cận vệ của Bác Hồ từ thời điểm lịch sử đó.

Những ngày đầu cách mạng, vận mệnh đất nước ta như “ngàn cân treo sợi tóc”, chính quyền non trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Bảo vệ tuyệt đối an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Nguyễn Văn Lý và các đồng chí trong tổ cận vệ đã bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh an toàn trong những tình huống hết sức nguy hiểm và gay cấn. Như bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đàm phán với quân Tưởng ở hang ổ của chúng, với viên đại diện Cộng hòa Pháp Xanhtơni, đặc biệt là chuyến bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Vịnh Hạ Long đàm phán trực tiếp với Ủy viên Cộng hoà Pháp Đắcgiangliơ trên tuần dương hạm Êmênbutanh.

Đồng chí Hoàng Hữu Kháng.

Những ngày đầu kháng chiến, theo chỉ thị của Trung ương, tổ cận vệ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh hành quân trở lại chiến khu Việt Bắc. Đi với Bác là bộ phận gọn nhẹ có 8 cận vệ gồm các đồng chí: Võ Chương, Vũ Long Chuẩn, Nguyễn Văn Lý, Văn Lâm, Ngọc Hà, Nguyễn Quang Chí, Trần Đình và Nguyễn Hữu Văn. Nói là cận vệ của Bác nhưng thực tế tổ cận vệ làm tất cả các công việc Bác giao như cảnh vệ, công tác văn phòng, liên lạc, hậu cần… Phương châm đặt ra là một người thạo nhiều việc, song bảo vệ Bác vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Ngày đó công tác bảo mật được đặt lên hàng đầu, khoảng 2 đến 3 tuần lại chuyển chỗ ở của Bác. Vào buổi sáng ngày 4-3-1947, cái rét ở vùng trung du dữ dội như cắt vào da thịt. Anh em cận vệ ngồi quây quần bên Bác như quanh người Cha kính yêu. Bác nhìn mọi người rồi nói với giọng trầm ấm: “Hôm nay Bác đặt tên cho các chú theo vòng tròn các chú đang ngồi: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi”. Nói xong, Bác trìu mến hỏi: “Các chú có biết tại sao Bác đặt tên cho các chú như vậy không?”. Anh em cảnh vệ chưa hiểu ý Bác, ngồi yên lặng. Bác giải thích: “Nhiệm vụ của Bác cháu ta hiện nay vừa là trước mắt, vừa lâu dài là cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đưa cuộc kháng chiến này đến thắng lợi. Vì vậy, Bác đặt tên cho các chú để các chú trở thành một khẩu hiệu sống bên Bác, nhắc nhở mọi người hằng ngày phải hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

Anh em trong tổ cận vệ rất xúc động và tự hào được mang tên như một khẩu hiệu sống bên cạnh Bác. Đồng chí Lý được Bác đặt lại tên là Kháng. Còn họ và tên đệm đồng chí lấy họ và tên đệm của đồng chí Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Và cái tên Hoàng Hữu Kháng thay cho Nguyễn Văn Lý của đồng chí là từ thời điểm đó.

Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới của cuộc kháng chiến, ngày 16-2-1953. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng được bổ nhiệm là Phó Cục trưởng phụ trách Cục (ngày đó chưa có Cục trưởng). Đến năm 1957, đồng chí được bổ nhiệm là Cục trưởng. Là người có may mắn sống và làm việc, gần gũi với Bác Hồ, đồng chí luôn được Bác động viên, góp ý, chỉ bảo cụ thể, nhất là trong công tác bảo vệ. Mỗi lần Bác góp ý là một bài học để đồng chí trưởng thành và lấy bài học đó bồi dưỡng đào tạo cho lớp lớp Cảnh vệ sau này.

Với lòng đam mê và tâm huyết, đồng chí Hoàng Hữu Kháng luôn luôn trăn trở cùng lãnh đạo Cục Cảnh vệ tham mưu với Bộ Công an, với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều quy định về công tác cảnh vệ, xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ thường xuyên cũng như đột xuất nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo và cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước…. Bên cạnh công tác nghiệp vụ, đồng chí luôn luôn quan tâm đào tạo cán bộ, xây dựng đơn vị ngày một phát triển.

Trong 36 năm làm công tác cảnh vệ, đồng chí Hoàng Hữu Kháng luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng chiến đấu dũng cảm mưu trí để bảo vệ tuyệt đối an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước…

Với thành tích và công lao to lớn, đồng chí đã được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người; được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt mới đây, đồng chí Hoàng Hữu Kháng đã được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nguyễn Đức Quý
.
.