Người cận vệ của Bác Hồ trong những ngày đầu cách mạng

Thứ Sáu, 02/09/2005, 06:04

12 năm làm công tác bảo vệ và phục vụ Bác Hồ từ những ngày đầu cách mạng, ông là một trong 8 người vinh dự được Bác Hồ đặt tên: "Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi". Sau này, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng như Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT. Ông là Tạ Quang Chiến.

Ông Tạ Quang Chiến (tên thật là Nguyễn Hữu Văn) sinh năm 1925 tại Thanh Hóa. Năm 10 tuổi, cậu bé Văn theo gia đình ra Hà Nội sinh sống. Lớn lên, Nguyễn Hữu Văn đi theo cách mạng, tình nguyện tham gia tổ chức Thanh niên Cứu quốc. Cách mạng Tháng Tám thành công cũng là lúc Nguyễn Hữu Văn vừa tròn 20 tuổi. Với thành tích và nhiệt huyết cách mạng, Nguyễn Hữu Văn được tuyển vào Đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu, đơn vị vũ trang đặc biệt trực thuộc Thành ủy Hà Nội.

Những ngày đầu cách mạng, công tác bảo vệ Bác Hồ gặp rất nhiều khó khăn. Tháng 10/1945, Trung ương Đảng quyết định tăng cường lực lượng bảo vệ Bác Hồ. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chọn Nguyễn Hữu Văn vào tổ giúp việc cho Bác Hồ. Và ông trở thành cận vệ của Bác Hồ từ thời khắc lịch sử đó.

Thời điểm đó các thế lực thù trong giặc ngoài liên tục chống phá cách mạng nước ta. 20 vạn quân Tưởng và hàng trăm tên tay sai phản động mang danh “cách mạng hải ngoại”; “cách mạng quốc gia” do Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Nguyễn Tường Tam... cầm đầu. Dựa vào quân Tưởng và có sự chỉ đạo của bọn đặc vụ, chúng ngang ngược lập chính quyền phân liệt ở một số nơi, tổ chức bắt cóc, ám sát cán bộ. Nhưng với tinh thần cách mạng, niềm vinh dự tự hào được bảo vệ Bác, đặc biệt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và được Bác Hồ hướng dẫn về công tác bảo vệ nên Tổ Cận vệ đã bảo vệ tuyệt đối an toàn Bác Hồ trong những ngày đầy khó khăn thách thức.

Đồng chí Tạ Quang Chiến, người cầm mũ cát đi sau Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hỏi về những kỷ niệm bảo vệ Bác Hồ trong những ngày đầu cách mạng, ông như sống lại trong những ngày hào hùng của dân tộc. Ông kể: Chúng tôi đi bảo vệ Bác, nhưng thực tế Người đã tự bảo vệ mình và dạy chúng tôi rất cặn kẽ nghiệp vụ cảnh vệ. Trong những tình huống vô cùng nguy hiểm, nhưng với kinh nghiệm hoạt động cách mạng ở nước ngoài và tài ứng xử, Bác đã linh hoạt giải quyết giúp chúng tôi bảo vệ Người thành công. Lần ấy, vào cuối tháng 11/1945 trước cửa Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) xảy ra vụ một Pháp kiều tên là Acnu, giáo viên Trường Kỹ nghệ Đông Dương, bị bắn chết. Kẻ ám sát đi một chiếc xe ôtô màu xanh đen giống xe của Bác Hồ thường đi. Nguyên nhân của sự việc chưa rõ, nhưng Lư Hán - Tổng Tư lệnh quân Tưởng ở Việt Nam - đã biết. Hắn tỏ vẻ bất bình và nhân cơ hội này đã gửi thư mời Bác đến trụ sở của hắn ở Trần Hưng Đạo để giải quyết hậu quả. Bác đã nhận định rõ ý đồ của tên tướng quân đội Tưởng cáo già này, nhưng Người vẫn bố trí đến gặp. Trước khi đi, Người gọi điện thoại đến đại diện Mỹ ở Hà Nội yêu cầu bố trí để Người đến làm việc vào buổi trưa hôm đó ngay sau khi gặp Lư Hán.

Khi đến trụ sở của Lư Hán, hắn viện lý do không tiếp, yêu cầu Bác gặp cấp dưới của hắn và cho xe chở đầy lính áp tải xe của Bác về Quân đoàn Bộ (Quân đoàn 3) trụ sở làm việc của Chu Phúc Thành tại phố Phạm Ngũ Lão (nay là trụ sở của Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô). Trước thái độ xấc xược của quân Tưởng, Tổ Cận vệ chúng tôi rất lo lắng và sẵn sàng đối phó. Khi Bác đến, Chu Phúc Thành cố tình kéo dài thời gian tìm mọi cách đổ lỗi vụ ám sát người Pháp kiều cho ta nhưng không thành. Vào lúc căng thẳng đó là đến giờ hẹn gặp đại diện Mỹ, nên bọn Tưởng buộc phải để Bác về.

Đầu năm 1947, để bảo toàn lực lượng, các cơ quan Trung ương Đảng được lệnh trở về vùng căn cứ Việt Bắc. Đi với Bác là bộ phận rất gọn nhẹ gồm 8 anh em cận vệ chúng tôi, đó là: Võ Chương, Vũ Long Chuẩn, Nguyễn Văn Lý, Văn Lâm, Ngọc Hà, Nguyễn Quang Chí, Trần Đình và tôi. Nói là bảo vệ Bác nhưng thực tế chúng tôi làm tất cả các công việc Bác giao như cảnh vệ, công tác văn phòng, thư ký, liên lạc và hậu cần với tinh thần một người thạo nhiều việc. Song dù làm việc gì, bảo vệ Bác vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Bác, khoảng 2 đến 3 tuần, Tổ Cận vệ chúng tôi lại chuyển chỗ ở. Dù căng thẳng, bận rộn  đến mấy nhưng cứ ổn định chỗ ở mới, Bác lại nhắc chúng tôi đảm bảo chương trình học tập chính trị, văn hóa. Bác rất quan tâm phổ biến tình hình thời  sự để mọi người nắm được.

Sáng ngày 4/3/1947, trời lạnh như cắt da cắt thịt nhưng theo kế hoạch chúng tôi vẫn di chuyển đến chỗ ở mới, đó là nhà ông Nguyễn Văn Nguyên (bố vợ đồng chí Đỗ Văn Mô - Phó Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Sáng ngày 6/3/1947, trước lúc mọi người bắt tay vào công việc. 8 anh em chúng tôi ngồi quây quần bên Bác quanh đống lửa như ngồi bên một người cha. Bác nhìn mọi người rồi nói với giọng trầm ấm: “Chiến sự đang ngày một lan rộng, các chú phải quân sự hóa mọi sinh hoạt. Đi ôtô không tiện nữa, ai có xe đạp thì sử dụng, các chú may cho mỗi người một chiếc balô để đựng đồ dùng, may cho Bác một chiếc để Bác đeo máy chữ”.

Mọi người chăm chú, nhìn Bác, nghe Bác nói như nuốt từng lời. Bác thân mật nói tiếp: “Hôm nay Bác đặt tên lại cho các chú tính theo vòng tròn các chú đang ngồi: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi”. Đặt xong tên, Bác trìu mến hỏi: “Các chú có biết tại sao  Bác đặt tên cho các chú như vậy không?”. Anh em chúng tôi chưa hiểu ý Bác, ngồi yên lặng. Bác nói: “Nhiệm vụ của Bác cháu ta hiện nay và sau này là cùng toàn Đảng, toàn quân đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Vì vậy, Bác đặt tên lại cho các chú để các chú trở thành khẩu hiệu sống bên Bác, nhắc nhở mọi người hàng ngày phải hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

Thế là cái tên Tạ Quang Chiến thay cho Nguyễn Hữu Văn có từ ngày đó.  

Kể đến đây, ông dừng lại nhìn thăm thẳm vào không gian mà nước mắt nhòa đi. Ông xúc động nói: “Thế mà thấm thoắt đã 58 năm trôi qua, 8 anh em nay chỉ còn mình tôi, các anh ấy đã ra đi cả rồi”.

Sau 12 năm được vinh dự trực tiếp bảo vệ và phục vụ Bác Hồ, năm 1957, ông Tạ Quang Chiến được cử đi học chương trình lý luận cao cấp tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương và sau đó đi nghiên cứu sinh về khoa học xã hội tại Trường Đảng cao cấp ở Liên Xô. Về nước, ông được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng như Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Lịch sử Đảng; Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT. Ở bất cứ cương vị công tác nào, ông đều giữ được phong cách làm việc, sinh hoạt của người cận vệ trung thành phục vụ Bác Hồ năm xưa

Nguyễn Đức Quý
.
.
.