Báo CAND 70 năm xây dựng và trưởng thành (1-11-1946 - 1-11-2016)

Chống “diễn biến hòa bình” – nóng bỏng trên từng trang viết

Thứ Sáu, 21/10/2016, 07:58
Đấu tranh, tuyên truyền phản bác luận điệu, hành vi của các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân, chống phá lợi ích quốc gia, dân tộc là nội dung quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam.


Trải qua các giai đoạn cách mạng, Báo CAND luôn chú trọng, triển khai công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái hòng vu cáo, bôi nhọ, xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch, phản động, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ vai trò, hình ảnh của lực lượng CAND.

Trong thời kỳ kháng chiến, kiến quốc, Báo CAND căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đã đăng tải các bài viết phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, của lực lượng CAND, về công tác chiến đấu diệt giặc, trừ gian, vạch trần âm mưu, hành động phá hoại của kẻ địch, bảo vệ Đảng, chính quyền cách mạng.

Đặc biệt, từ khi Báo CAND phát hành công khai (1988), với yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền trong giai đoạn mới, được sự quan tâm của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, của Tổng cục XDLL CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND), Báo đã tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, vạch trần âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá đất nước của các thế lực thù địch, tăng cường các bài viết đấu tranh phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái, giúp cho cán bộ, nhân dân, các tầng lớp xã hội nắm chắc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hiểu rõ bản chất của các thế lực thù địch, không bị kích động, xúi giục, lôi kéo, góp phần xây dựng vững chắc sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chuyên mục “Phòng, chống diễn biến hòa bình” trên Báo CAND online thu hút lượng truy cập cao mỗi ngày.

Các bài viết được duy trì và tăng cường trên Báo CAND và các ấn phẩm Văn nghệ Công an, An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu, CAND online.

Nhiều bài viết chuyên luận về lĩnh vực này có chất lượng tốt, đã đạt Giải báo chí quốc gia và Giải báo chí về an ninh, trật tự như: tác phẩm “Mặt thật của một vài người mượn danh hiền sĩ khoác chiêu bài dân chủ” của tác giả Nguyễn Như Phong đạt giải A Giải báo chí toàn quốc năm 2001; tác phẩm “Vạch trần bộ mặt thật của ông Lê Quang Liêm” của tác giả Lưu Vinh, Hồng Thái đạt giải B Giải báo chí toàn quốc năm 2001; loạt bài “Về sự kiện Tây Nguyên” của tác giả Lưu Vinh, Hồng Thái đạt giải C Giải báo chí toàn quốc năm 2004; tác phẩm “Đấu tranh chống luận điệu, hành vi sai trái của các thế lực thù địch, phản động” của tác giả Phạm Miên, Hồng Thái, Đăng Trường đạt giải A Giải báo chí về an ninh, trật tự 2006-2008; tác phẩm “Vạch trần những kẻ chống Nhà nước và nhân dân” của nhóm tác giả Phạm Miên, Hồng Thái, Công Gôn, Đăng Trường đạt giải A Giải báo chí về an ninh, trật tự 2009-2010; tác phẩm “Cù Huy Hà Vũ và chiêu bài nhân cách” của tác giả Quý Thanh đạt giải C Giải báo chí quốc gia năm 2011; tác phẩm “Vạch trần thủ đoạn của các thế lực thù địch phá hoại Hiến pháp” của tác giả Hồng Thái, Sông Lam, Hồ Tuyên đạt giải B Giải báo chí quốc gia năm 2013; tác phẩm “Đạo lý Việt Nam trong di chúc Bác Hồ” của tác giả Phạm Khải đạt giải C Giải báo chí quốc gia năm 2014; tác phẩm “Hòa hợp dân tộc - một góc nhìn thực chất” của tác giả Đăng Trường đạt giải B Giải báo chí quốc gia năm 2015...

Những năm gần đây, chuyên mục “Phòng, chống diễn biến hòa bình” của Báo CAND duy trì các bài viết vào thứ hai hằng tuần, thu hút sự quan tâm, cộng tác của nhiều tác giả trong và ngoài CAND, trong đó có các bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ Công an, các Tổng cục, Vụ, Cục trong CAND.

Báo cũng nhận được sự tham gia tích cực của các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, nghiên cứu như: nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan; nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Hồng Vinh, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng, PGS, TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học Công an; TS Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người; PGS, TS Nguyễn Mạnh Hưởng, Viện Khoa học xã hội nhân văn, quân sự - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng...

Ngoài ra, chuyên mục cũng nhận được sự cộng tác của cán bộ, chiến sĩ tại một số đơn vị nghiệp vụ, giảng viên, học viên trường CAND.

Đặc biệt, cách viết trên Báo CAND theo hướng mới, đó là đi thẳng vào những vấn đề mà kẻ địch đang tuyên truyền, xuyên tạc sự thật, đảm bảo tính thời sự, dung lượng bài viết ngắn gọn (chỉ 1.000 – 1.500 chữ), các bài chuyên sâu có thể chia nhiều kỳ.

Các bài viết chú trọng những luận cứ, luận điểm chắc chắn, sắc sảo để phê phán ý đồ xấu của kẻ địch, không sa vào liệt kê, nhắc lại những luận thuyết, dẫn chứng có tính sách vở truyền thống, giáo điều bởi hình thức này không phù hợp với văn phong và xu hướng báo chí thời đại internet hiện nay.

Việc đổi mới đề cập ngay từ cách giật tít bài, đảm bảo tính sáng tạo, thu hút người đọc, có điểm nhấn. Chẳng hạn, “Sự ngụy biện của cáo cụt đuôi” phê phán việc một số ý kiến đòi gỡ bỏ điều luật 258 – Bộ luật Hình sự về “tội lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Thực chất, đây là sự ngụy biện của những đối tượng vi phạm pháp luật, bị xử lý theo điều luật trên, cũng như con cáo vì bị cụt đuôi mới khuyên bầy cáo hãy chặt bỏ đuôi với lý do “khỏi vướng” (ngụ côn Edop).

“Kẻ dũng cảm ngồi trên mái nhà”: Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, những đối tượng xấu lợi dụng kích động, đánh vào “lòng yêu nước”, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình. Từ đó xuất hiện trào lưu nổi lên từ các “anh hùng bàn phím”, hô hào, kích động “nổi dậy”.

Kỳ thực, đây chỉ là những kẻ a dua, chém gió, chọc gậy bánh xe, giống như kẻ tự cho mình dũng cảm ngồi trên mái nhà, nếu có điều gì nguy hại thì kẻ đó lẩn tránh để người dưới mái nhà chịu hậu quả.

Các bài chống “Diễn biến hòa bình” trên Báo CAND tuyên truyền theo chủ điểm (như bám vào các sự kiện chính trị, đối ngoại lớn của đất nước: ngày thành lập Đảng; ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; ngày sinh nhật Bác; dịp bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp…) để có các bài viết đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Chẳng hạn, bảo vệ cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV, Báo CAND đã có nhiều bài viết đấu tranh những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch như việc chúng cố tình hạ thấp vị trí, vai trò của Quốc hội; cho rằng bầu cử chỉ là hình thức; quan điểm lệch lạc khi đánh giá người Việt Nam không quan tâm đến bầu cử…

Một số bài viết khác dựa vào sự kiện xã hội diễn ra để có bài kịp thời (như việc các đối tượng lợi dụng chuyện cá chết hàng loạt tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế để kích động người dân tụ tập, biểu tình chống Nhà nước vào dịp 30-4 và 1-5-2016 vừa qua. Báo CAND đã có các bài viết đề nghị người dân cảnh giác, không nghe, không làm theo kẻ xấu kích động gây rối).

Thời gian tới, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá, đặc biệt trong điều kiện mạng internet bùng nổ với hơn một nửa dân số sử dụng.

Thời gian qua, giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã có sự phối hợp chặt chẽ trong trao đổi, cung cấp và xử lý thông tin về lĩnh vực này. Ngày 9-6-2014, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Tổng cục XDLL CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND) đã ký chương trình phối hợp hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 70 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác phối hợp là thông qua các hoạt động, tiếp tục tăng cường sự đoàn kết, thống nhất giữa QĐND, CAND, phối hợp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong QĐND và CAND; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, ngăn chặn và làm thất bại âm mưu phi chính trị hóa, chia rẽ giữa hai lực lượng QĐND và CAND.

Cùng hệ thống báo chí thì lượng người lập và tham gia các diễn đàn, mạng xã hội phát triển chóng mặt, đặt ra những thách thức lớn trong việc định hướng thông tin và xử lý thông tin sai trái, thất thiệt.

Ngoài các ấn phẩm báo in, Báo CAND online phát huy tính tương tác trên internet để có các bài viết phản bác, đấu tranh kịp thời, kể cả việc tương tác thông qua mạng xã hội nhằm tạo tính cộng hưởng tích cực.

Đ.Trường
.
.