Các anh ngã xuống vì bình yên cuộc sống
- Hy sinh vì nhân dân trong lũ dữ
- Đưa được thi thể Đại úy Trương Văn Thắng hy sinh trong lúc chống lũ về BV tỉnh Quảng Trị
- Đưa tiễn 22 liệt sĩ bộ đội Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 hy sinh tại Hướng Phùng, Hướng Hóa
- Truy tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho 2 chiến sĩ trẻ hy sinh tại Trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67
- Tìm thấy thi thể 13 cán bộ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn
- Tiếc thương chiến sỹ Cảnh sát Cơ động hy sinh khi làm nhiệm vụ
Nhiều năm công tác tại Báo CAND, do yêu cầu công việc nên tôi từng tiếp xúc với những người vợ trẻ, những đứa con thơ và cả đấng sinh thành khi các anh vừa ngã xuống. Mỗi lần như vậy, tôi càng thấm thía sự hy sinh của những người chiến sĩ quên mình vì cuộc sống bình yên.
Quên mình vì nhiệm vụ
Chỉ trong 2 ngày của tháng 9 năm 2020, hai người lính đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Đó là Thượng sĩ Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 1997) công tác tại Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ), Công an tỉnh Bắc Giang và đồng chí Quàng Văn Xôm (sinh năm 1992) công an viên xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Sơn, tỉnh Sơn La. Các anh hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Người thì đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy, người đang thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Nơi các anh hy sinh cách nhau hàng trăm km, địa hình cũng khác biệt nhưng có một điểm chung là họ đã không khoan nhượng với kẻ phạm pháp. Máu của các anh đổ xuống, nỗi tiếc thương của đồng đội, của người thân cũng như người dân lương thiện không thể nào tả xiết khi nhìn những vòng hoa trắng trong lễ tiễn biệt.
Đại tá Phạm Khải, Tổng biên tập Báo CAND đến thăm và trao quà cho thân nhân Thượng sĩ Nguyễn Văn Mạnh (tháng 9/2020). |
Thượng sĩ Nguyễn Văn Mạnh trước khi mặc sắc phục CAND từng có 2 năm theo học Đại học Công nghiệp. Ước mơ trở thành chiến sĩ công an khiến chàng sinh viên quê vải Lục Ngạn rời giảng đường, gia nhập công an nghĩa vụ. Sau 4 tháng huấn luyện, anh được điều động về công tác tại Công an huyện Lục Nam và sau đó về Phòng CSCĐ, Công an tỉnh Bắc Giang.
Những ngày tháng được rèn luyện, công tác trong môi trường công an khiến anh càng nung nấu quyết tâm gắn bó lâu dài trong lực lượng nên đã ôn luyện và tham gia kỳ thi năm 2020 của Học viện Cảnh sát nhân dân. Trong khi chờ kết quả thi tuyển thì anh đã mãi mãi ra đi. Nỗi mong ngóng kết quả thi đã mãi trở thành sự tiếc thương.
Bố mẹ anh, ông Nguyễn Văn Nghĩa và bà Dương Thị Thức vốn là những người nông dân tần tảo luôn vun trồng ước mơ cho con đã vô cùng đau đớn khi nhận được tin anh hy sinh. Những mái đầu bạc tiễn đầu xanh, thật xót xa.
Tôi báo cáo trường hợp hy sinh của anh Mạnh với đồng chí Tổng Biên tập Phạm Khải. “Đồng chí ấy trẻ quá. Anh sẽ thu xếp lên Bắc Giang ngay để thắp hương và thăm hỏi gia đình”, Tổng Biên tập nhắn lại. Thế rồi ngày hôm sau, tôi lại đọc được thông tin từ đồng nghiệp Công an tỉnh Sơn La về sự hy sinh của đồng chí Quàng Văn Xôm, Công an viên xã Chiềng Pấc. Cũng như hôm trước, tôi lại báo cáo Tổng Biên tập. Anh ngồi lặng đi rồi yêu cầu tôi tổ chức việc thăm hỏi, trao quà cho thân nhân anh Xôm.
Đó là 2 ngày 14 và 15/9, hai đồng chí công an đều rất trẻ, chưa có gia đình đã ra đi mãi mãi. Đồng chí Mạnh hy sinh khi tham gia tổ công tác của Công an tỉnh Bắc Giang làm nhiệm vụ trên đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang ngày 14-9. Tài xế xe BKS 29B-501.64 đã bất ngờ lao thẳng, hất anh lên nắp capo, rồi rơi xuống đường...
Dù được đồng đội đưa đi cấp cứu nhưng anh đã không qua khỏi. Sau đó 1 ngày (15-9), tại bản Dân Chủ, xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, Sơn La, đồng chí Quàng Văn Xôm, công an viên trong lúc cùng đồng đội truy bắt Lò Văn Ương (đối tượng có biểu hiện sử dụng, tàng trữ ma túy trái phép) đã bị đối tượng dùng hung khí chống trả quyết liệt.
Do vết thương quá nặng, đồng chí Xôm đã hy sinh. Là người dân tộc Thái, gắn bó với bản làng nên sau khi học xong trường Trung cấp Luật Sơn La, đồng chí về làm công an viên kiêm Phó trưởng bản Lĩnh Luông. Chưa kịp xây dựng cho mình gia đình riêng, đồng chí Xôm đã ra đi...
Màu hoa trắng trong các lễ tang, trên bàn thờ những chiến sĩ trẻ luôn ám ảnh tôi. Nhớ ngày 24 tháng Chạp tết Canh Tý 2020, tôi cùng đoàn công tác của Báo CAND đến thăm hỏi, tặng quà thân nhân 3 liệt sỹ hy sinh trong vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Bên ngoài không khí tết tràn ngập nhưng bước qua cánh cửa ngôi nhà nhỏ là di ảnh Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân trẻ măng, khôi ngô và người mẹ già nặng trĩu nỗi đau.
Quân mồ côi cha từ năm 2 tuổi, mẹ đã thay cha nuôi Quân khôn lớn và anh được rèn luyện, trưởng thành trong lực lượng CAND. Do đặc thù công việc của CSCĐ, anh ít về nhà. Song, tết vẫn là dịp anh tranh thủ ngoài ca trực về thăm mẹ. Thế mà tết Canh Tý, trong ngôi nhà này, chỉ còn người mẹ lặng lẽ. Bao ước mơ, bao mong ngóng, giờ chỉ là hoài niệm... Tôi rời ngôi nhà nhỏ, trong ngõ nhỏ trên phố Hoàng Hoa Thám của gia đình Quân nhưng tâm trí cứ vấn vương hình ảnh người mẹ lặng lẽ bên bàn thờ đầy hoa trắng...
Cho cuộc sống bình yên
Nhiều năm liền, Báo CAND tổ chức chương trình “Âm vang chiến công” nhân kỷ niệm Ngày Truyền thống lực lượng CAND (19-8). Chương trình nghệ thuật nhằm ôn lại truyền thống, tôn vinh, chào mừng ngày thành lập luôn có phần tri ân những chiến sĩ đổ máu, hy sinh khi làm nhiệm vụ. Thế nên, tại đây tôi được tiếp xúc với những chiến sĩ công an là thương binh, đặc biệt là với những người vợ liệt sĩ, những cháu bé con những người chiến sĩ đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ.
Bên ấm trà hay bữa cơm khi đón tiếp các chị, các cháu về Hà Nội, chúng tôi lại có dịp tâm tình. Cùng là phụ nữ nên các chị dễ chia sẻ về sự hy sinh của chồng, nỗi nhớ thương cũng như những vất vả trong cuộc sống khi các anh không còn. Và, thường sau những câu chuyện ấy, chúng tôi đều cùng rơi nước mắt...
Chị Thào Thị Dợ, vợ đồng chí Thào Văn Súa, Trưởng Công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) lần đầu đến Hà Nội nên rất nhiều bỡ ngỡ. Chị không biết nói tiếng Kinh nên nhờ đồng chí Công an huyện đi cùng phiên dịch.
Qua câu chuyện của chị, càng thấy tinh thần trách nhiệm của đồng chí Súa. Tối 3/8/2019, sau những trận mưa lớn, đồng chí Súa rời nhà ở bản Pá Hộc đi kiểm tra các hộ có nguy cơ sạt lở. Mưa mỗi ngày một to, nước thượng nguồn đổ về ngày một lớn... 6h sáng hôm sau, người dân tìm thấy thi thể đồng chí Súa bị vùi lấp ở khu vực gần Trường Tiểu học Nhi Sơn.
Bàng hoàng trước tin chồng hy sinh, nhà sập hoàn toàn, chị Súa đã gắng gượng lo di chuyển con đến nhà người thân ở nhờ, cùng chính quyền, bà con dân bản làm đám tang cho chồng. Hành động quên mình của đồng chí Súa được đông đảo người dân cảm phục và rất nhanh sau đó anh được công nhận liệt sĩ, được Tổ quốc ghi công.
Đại tá Trần Thanh Phong, Phó Tổng Biên tập Báo CAND đến thăm, trao quà cho thân nhân đồng chí Thào A Súa, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát (tháng 8/2019). |
Cháu Mào Gia Linh, con gái đồng chí Mào Văn Long, Công an tỉnh Điện Biên hy sinh khi làm nhiệm vụ tại huyện Mường Nhé năm 2018 nép vào mẹ, cô giáo mầm non Phạm Thị Phúc, khi chúng tôi trò chuyện. Chồng hy sinh, một mình nuôi hai con thơ nên cô giáo Phúc rất vất vả. Anh hy sinh đúng ngày mùng 3 tết khi đi làm nhiệm vụ, phần nào cho thấy đặc thù công việc của chiến sĩ công an.
Yêu và hiểu công việc của chồng nhưng cô giáo Phúc chưa bao giờ nghĩ đến việc anh lên đường làm nhiệm vụ giữa ngày xuân rồi mãi mãi không về... Ngồi với tôi, Phúc không nói nhiều. Vừa vỗ về đứa con gái nhỏ, cô vừa bảo rằng, sẽ cố gắng nuôi các con ăn học. Dẫu biết rằng hành trình phía trước còn nhiều gian nan nhưng mong ước nguyện sẽ thành...
Hy sinh, được Tổ quốc ghi công, đó là chính sách hợp đạo lí. Nhưng, có những trường hợp, quá trình làm các thủ tục đề nghị công nhận liệt sĩ cho các anh rất khó khăn do những bất cập trong các quy định về chính sách người có công. Trường hợp hy sinh của liệt sĩ Trần Mạnh Tùng, Phó Trưởng Công an xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa là một ví dụ.
Ông Trần Văn Quân, bố đồng chí Tùng cho chúng tôi biết, thủ tục đề nghị công nhận liệt sĩ cho con trai đã gửi lên cơ quan thực thi chính sách người có công từ lâu nhưng chưa nhận được kết quả, khiến gia đình rất lo lắng. Từ thông tin của ông, chúng tôi về làm việc với UBND huyện Thọ Xuân, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa và có bài phản ánh về những bất cập khiến việc đề nghị Tổ quốc ghi công đối với đồng chí Tùng chậm trễ. Sau đó mọi việc vẫn không có tiến triển, khiến Báo CAND lại tiếp tục có văn bản gửi cơ quan chức năng.
Mỗi lần liên lạc với ông Quân, chúng tôi càng thấy sự mong ngóng của gia đình. Việc con trai duy nhất ra đi khi mới 25 tuổi, chưa cưới vợ là nỗi mất mát quá lớn. Tấm bằng Tổ quốc ghi công mà Nhà nước dành cho con trai chính là sự động viên lớn nhất để người vợ ốm yếu của ông gắng gượng sống tốt, để người cha già hơn 90 tuổi của ông bớt đi nỗi buồn tuổi già.
Sau rất nhiều nỗ lực, vào một buổi sáng tháng 2/2020, tôi nhận được điện thoại của ông Quân thông báo, Tùng đã được công nhận liệt sĩ. Sau 4 năm hy sinh, gia đình đồng chí Phó Trưởng Công an xã Xuân Lập mới nhận Bằng Tổ quốc ghi công trong lễ truy tặng liệt sĩ được chính quyền và người dân long trọng tổ chức.
Nhiều năm qua, Báo CAND đã có các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân những người chiến sĩ đổ máu xương trên mặt trận phòng, chống tội phạm, đây cũng chính là dịp để chúng tôi được hiểu hơn sự hy sinh của các anh và được chia sẻ phần nào sự mất mát với thân nhân các anh. Những cuộc chia xa mãi mãi để giữ cho cuộc sống này bình yên luôn là nốt trầm đối với những người cầm bút chúng tôi.