Đón Tết trong trại giam nơi cuối trời Tổ quốc

Thứ Ba, 05/02/2019, 10:36
Ngoài những phạm nhân đang chấp hành án phải ăn Tết trong trại giam, còn có những người cũng phải gác niềm vui đoàn tụ cùng gia đình trong giờ khắc thiêng liêng nhất để làm nhiệm vụ. Đó là những cán bộ quản giáo trong trại giam...

Có mặt ở Trại giam Cái Tàu, huyện U Minh, Cà Mau - tỉnh cực Nam của Tổ quốc vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, tôi không chỉ chứng kiến sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) nơi đây, mà còn được sẻ chia về cái Tết đầy ắp tình người.

1. Trại giam Cái Tàu là một trong những đơn vị có quy mô lớn nhất cụm các trại giam (thuộc Cục Cảnh sát Quản lí trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng vùng ĐBSCL với hàng trăm CBCS quản lý 3 phân trại, với trên 2.000 phạm nhân. Trong khi đó, các phân trại lại nằm cách xa nhau, điều kiện đi lại rất khó khăn.

Thượng tá Phan Văn Hái - Giám thị Trại giam Cái Tàu, cho biết Phân trại K1 nằm cạnh Trung tâm chỉ huy nhưng cũng là vùng xa của huyện U Minh. Phân trại K2 nằm ở xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời), cách Phân trại K1 hơn 40 cây số và Phân trại K3 nằm ở xã Khánh An (cùng huyện U Minh), cách Phân trại K1 trên 20 cây số, đi lại cũng nhiều cách trở.

Thượng tá Phan Văn Hải, Giám thị Trại giam Cái Tàu, tặng quà cho phạm nhân cải tạo tốt nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Để lo cho cuộc sống tinh thần, vật chất của các phạm nhân trong trại, đặc biệt là những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, CBCS Trại giam Cái Tàu không quản ngại khó khăn, quên đi hạnh phúc của mình và gia đình. Với CBCS Trại giam Cái Tàu, việc đem lại niềm vui cho phạm nhân trong những ngày “Tết đến, Xuân về” cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của bản thân.

Theo Thiếu tá Huỳnh Hoàng Linh, Đội trưởng Đội Giáo dục và Hồ sơ, khác với những ngày thường, lượng công việc của CBCS Trại Cái Tàu vào những ngày Tết tăng lên nhiều lần.

“Để động viên tinh thần các phạm nhân trong những ngày Tết, ngoài chế độ của Nhà nước thì CBCS trại giam luôn quan tâm, tạo điều kiện để mọi người được đón Tết vui vẻ. Năm nào cũng vậy, công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán cho phạm nhân được chuẩn bị từ đầu tháng chạp. Vào thời gian này, ở các phân trại đều thành lập các đội văn nghệ, thể thao, như: biểu diễn nghệ thuật theo hình thức sân khấu hóa, ca cổ, dân ca, múa lân; kéo co, bóng đá mini, bóng chuyền, nhảy bao bố...”, Thiếu tá Linh chia sẻ.

Khi được hỏi, chị đón bao nhiêu cái Tết trong này rồi, phạm nhân Nguyễn Thị Liên (49 tuổi, quê Kiên Giang), nghẹn ngào: “Năm đầu tiên đón Tết trong trại giam tôi khóc suốt. Lúc đó cảm giác tội lỗi và nuối tiếc trào dâng lên cổ. Cứ nghĩ nếu mình không phạm tội thì giờ này đang cùng chồng, con quây quần bên nhau đón năm mới. Thấy tôi khóc nhiều, chị em cùng buồng giam xúm vào an ủi, động viên nên tôi đỡ buồn hơn. Năm nay là hơn 10 năm tôi đón Tết trong Trại giam nên cũng quen. Nhất lại là có thời gian gắn bó với các phạm nhân khác nên chúng tôi coi nhau như chị em, làm cho không khí Tết đầm ấm hơn rất nhiều”…

Trong những gương mặt không ngần ngại che giấu niềm phấn chấn, háo hức trang trí, chuẩn bị đón Tết, tôi thấy một người đàn ông đậm người đang cắt tỉa mấy cành cây trước sân. Hỏi ra mới biết tên Nguyễn Thanh An (43 tuổi, quê ở Bạc Liêu), từng là Hiệu trưởng một trường tiểu học. Đôi mắt bối rối, thấp thỏm, hay nhìn xuống của anh An đã ám ảnh tôi.

Còn nhớ, hơn 7 năm trước, An gây ra vụ án mạng xôn xao dư luận Bạc Liêu. Sự việc xảy ra vào chiều 24-6-2011, tại thư viện Trường Tiểu học C xã Phước Long (huyện Phước Long), khi thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thanh An, thầy Chủ tịch Công đoàn Bùi Thanh Đẳng và thầy giáo Trần Việt Triều gọi bia về nhậu. Uống được vài chai, thầy Đẳng say trước nên lên võng nằm nghỉ còn hai đồng nghiệp trẻ tiếp tục nhậu.

Trong lúc nhậu, thầy Triều đưa ra đề toán cấp 3 nhưng thầy An không giải nổi nên bị chê: “Làm lãnh đạo, quản lý mọi mặt mà bài toán cấp 3 giải không ra”. Cả hai lời qua tiếng lại nhưng vẫn vui cười với nhau. Nghĩ lại thấy ức, An cầm dao phay cứa mạnh vào cổ Triều. Thầy Đẳng giật mình nhìn thấy, can ngăn cũng bị An gây trọng thương…

Các phạm nhân đang cắt tỉa lại cây chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Với bản án chung thân về tội “Giết người” An đã phí hoài sự nghiệp của mình trong trại giam. Trải lòng về lỗi lầm của mình, An cho biết, lỗi lầm lớn nhất của tôi không chỉ cướp đi mạng sống của một đồng nghiệp trẻ, mà còn hủy hoại tương lai của chính mình.

“Mỗi khi Tết đến, tôi lại nhớ vợ con khủng khiếp. Không biết các cháu lớn thế nào, nhưng vì không muốn con mang ký ức về người cha tù tội nên tôi phải nuốt nỗi nhớ vào sâu lòng mình và cầu mong vợ, con khỏe mạnh, ăn Tết vui vẻ bên gia đình nội, ngoại. Bản thân tôi luôn phấn đấu cải tạo tốt để mong một ngày nào đó có cơ hội trở về đón Tết bên gia đình”, An nghẹn ngào.

Khi được hỏi về những cái Tết trong trại giam, An phấn chấn hẳn lên: “Ở trong này chúng tôi được Ban Giám thị và cán bộ tạo mọi điều kiện để đón Tết vui vẻ. Có thịt kho hột vịt, bánh tét, mứt món… ăn không hết. Lúc giao thừa, Ban Giám thị và cán bộ quản giáo vào từng buồng giam chúc Tết. Sau đó chúng tôi cùng bày mâm ngũ quả liên hoan trong phòng, ai có đồ gì được gia đình gửi cho đều bỏ xuống đóng góp cùng mọi người, vừa ăn vừa hát, có khi hát đến sáng luôn”.

Còn nữ phạm nhân Nguyễn Cẩm Mừng (34 tuổi, quê ở huyện Đông Hải, Bạc Liêu), thụ án 7 năm tù về tội “Tổ chức đánh bạc” tâm sự: “Tết đầu tiên xa nhà, xa cha mẹ em nhớ lắm. Nhớ cảnh chiều 30 Tết mẹ làm mâm cơm cúng tổ tiên, rồi cả nhà quây quần bóc bánh tét ăn bữa tất niên. Em cũng nhớ như in cả hình ảnh ngày Tết mọi người lì-xì đầu năm huyên náo cả nhà… Trước đây, em không biết quý trọng những giây phút đó. Giờ vào trong trại mới thấm thía làm sao. Em ân hận lắm...”. Mừng nhìn xuống, đôi tay đan chặt vào nhau.

Mừng nói nhỏ: “Em đếm từng cái Tết xa nhà. Năm nay là năm thứ 4 rồi. Dù ở trong này không thể bằng ở nhà nhưng dẫu sao em vẫn mong đến Tết”.

Cán bộ quản giáo Trại giam Cái Tàu, trao đổi với các phạm nhân cải tạo tốt, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, thể thao chào mừng Xuân mới.

2. Thượng tá Phan Văn Hái, cho biết các phạm nhân trong Trại được đón Tết đầy đủ vật chất như bao người khác. Khẩu phần ăn trong 4 ngày Tết của phạm nhân tăng lên gấp 5 lần so với ngày thường.

Không chỉ vậy, CBCS Trại giam tự tay gói bánh tét để trao tận tay cho mỗi phạm nhân vào chiều 30 Tết. Tất cả các thực phẩm, như: Thịt heo, gạo nếp, chả lụa, bánh kẹo, mứt món… phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi cấp phát cho các phạm nhân. Ngoài ra, phạm nhân còn được tặng thưởng vật chất tùy theo kết quả phấn đấu thi đua cải tạo trong năm đó.

Chia sẻ về công tác tổ chức cho phạm nhân đón giao thừa, Trung tá Tạ Đức Hoan - Trưởng Phân trại K1, cho biết vào tối đón giao thừa, các phân trại đều tổ chức cho phạm nhân xem ti vi, ca nhạc, nghe Chủ tịch nước chúc Tết qua truyền hình. Không những thế, Giám thị và cán bộ quản giáo còn đi đến từng buồng để chúc Tết, động viên phạm nhân.

“Tết đến, Xuân về”, không chỉ phạm nhân mà cán bộ quản giáo cũng khắc khoải, mong giây phút đoàn tụ bên người thân, gia đình. Thiếu tá Huỳnh Hoàng Linh kể, anh đã có gần 22 năm công tác ở Trại giam và cũng từng ấy năm anh cùng đồng đội, phạm nhân đón giao thừa trong Trại. Dù rất muốn đón giao thừa bên gia đình, nhưng vì nhiệm vụ chung nên vợ, con anh cũng thông cảm.

“Tất cả anh em công tác trong đơn vị đều phải ở lại trực Tết, kể cả Ban Giám thị. Ngày Tết, thèm được sum họp bên gia đình, ăn bữa cơm tất niên, đón giao thừa… nhưng vì nhiệm vụ chung nên đành tạm gác lại hạnh phúc riêng” - Thiếu tá Linh tâm sự.

Là người hầu hết “được” đón Tết trong trại giam, Thượng tá Phan Văn Hái cho biết, từ ngày nhận nhiệm vụ công tác tại Trại giam đến nay (34 năm), số lần anh đón Tết bên gia đình đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay.

Thậm chí, nhiều năm anh xin trực giao thừa, mùng 1 Tết để sau đó xin về làm đám giỗ cho cha vào ngày mùng 3 Tết. Cũng chính nhờ có “thâm niên” ăn Tết trong trại mà anh nắm bắt, thấu hiểu được tâm tư, tình cảm của các phạm nhân đang chấp hành án trong trại.

“Ngày Tết là thời gian các phạm nhân dễ xúc động, xao xuyến nhất. Tâm trạng ai cũng day dứt, nhớ nhà nên dễ xảy ra mâu thuẫn. Năm nào cũng thế, để ổn định tâm lý cho các phạm nhân, Ban Giám thị trại giam chia nhau đi từng phân trại để chúc Tết phạm nhân, động viên họ yên tâm cải tạo, giúp họ xóa đi mặc cảm tội lỗi và không suy nghĩ những điều tiêu cực”, Giám thị Phan Văn Hái bộc bạch.

Văn Đức
.
.