“CAND khắc ghi lời Bác”: Dấu ấn từ những hiện vật

Thứ Sáu, 16/08/2019, 18:51
Nằm ở góc phố Trần Bình Trọng (Hà Nội) xanh mướt bóng cây, Bảo tàng CAND là nơi lưu giữ và bảo quản gần 20.000 hiện vật về lịch sử chiến đấu, xây dựng và phát triển của CAND Việt Nam. Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đây đã diễn ra triển lãm “CAND khắc ghi lời Bác”.

Những hiện vật liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi dấu tình cảm sâu sắc của Người dành cho lực lượng CAND và những thành tựu nổi bật của Lực lượng Công an trong 50 năm qua đã được tái hiện một cách sinh động, phong phú...

Những kỷ vật “biết nói”

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Trần Văn Nghị, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền, giáo dục và Bảo tàng CAND, Cục Công tác Ðảng và công tác chính trị (Bộ Công an) cho biết, diễn ra trong vòng 1 tháng rưỡi (từ 17-5 đến 29-6-2019), triển lãm đã đón gần 5.000 lượt khách tham quan, trong đó có hàng trăm lượt khách quốc tế, hàng trăm em nhỏ từ các trường mẫu giáo, tiểu học...

Ðược kết cấu thành 3 phần: Bác Hồ với CAND; 50 năm CAND thực hiện Di chúc của Người; Mãi mãi sáng ngời đạo đức, chân lý Hồ Chí Minh, triển lãm gồm hơn 500 tài liệu, hình ảnh, hiện vật và gần 1.000 ấn phẩm sách được trưng bày, giới thiệu. Qua đó đã phản ánh một cách khái quát về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập và rèn luyện Lực lượng CAND.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Lực lượng CAND di sản vô giá về tư tưởng, đạo đức, định hướng về đường lối, gây dựng nền tảng căn bản trong xây dựng lực lượng. Người chăm lo, rèn luyện cho cán bộ chiến sỹ (CBCS) lập trường chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng chuẩn mực, hun đúc bản lĩnh chiến đấu kiên cường, tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân. Cùng với đó là sự quan tâm, dìu dắt ân cần và những phần thưởng cao quý của Người dành cho Lực lượng CAND Anh hùng.

Qua 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lực lượng CAND đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng là “thanh bảo kiếm” của Ðảng, Nhà nước và nhân dân, là lực lượng xung kích, nòng cốt trên mặt trận bảo vệ an ninh trật tự (ANTT). Triển lãm đã nêu bật những đóng góp của Lực lượng CAND góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; dấu ấn những chiến công thầm lặng trên lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội...

Triển lãm “CAND khắc ghi lời Bác dạy” thu hút đông đảo CBCS lực lượng CAND tham quan.

Ðến với triển lãm, du khách có thể trở về không gian xưa với áo lụa Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Công an xung phong Xuân Trường (Nam Ðịnh) năm 1950; Huy hiệu Người tặng đồng chí Lê Quốc Thân, Giám đốc Công an Hà Nội năm 1955; hay Cờ thi đua giải thưởng luân lưu Người tặng các đơn vị Công an có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ Tổ quốc.

Ðiểm nhấn của triển lãm là tác phẩm “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; Chỉ thị về tổ chức đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; lời quyết tâm của toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên và chiến sỹ An ninh khu Trị - Thiên – Huế trong buổi lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969; các lá thư thời chiến của CBCS CAND chi viện chiến trường miền Nam...

“Qua tham quan Bảo tàng và triển lãm “CAND khắc ghi lời Bác”, chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn về sự quan tâm chỉ đạo và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho lực lượng Công an... Lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ sẽ nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để tiếp nối truyền thống vẻ vang của Lực lượng CAND, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Ðảng, Nhà nước, Ngành và nhân dân giao phó”, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Trung, Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ - Bộ Công an đã để lại những dòng lưu bút cảm tưởng khi đến tham quan triển lãm.

Thiêng liêng những lá thư thời chiến

Bộ sưu tập những lá thư thời chiến là những kỷ vật của CBCS Công an với trái tim nhiệt huyết, sẵn sàng quên đi tình cảm riêng tư để xung phong ra trận vì mục tiêu chung. “Vì nhiệm vụ thiêng liêng của đất nước, vì độc lập tự do của dân tộc, vì miền Nam ruột thịt, chúng ta, gia đình ta phải gác tình riêng” – Trích thư của liệt sỹ Nguyễn Văn Xứng gửi gia đình ngày 3-11-1967.

Ra đi mà không hẹn ngày về, họ đối mặt với cuộc kháng chiến đầy can trường, gửi về cho người thân những dòng thư xúc động đến nghẹn ngào: “Sống trong đất, sống trong nước, không được gặp dân, bốn bề vây quét, phải tránh giặc, lượm thức ăn của giặc để đánh giặc” (đồng chí Lê Trung Hào viết gửi gia đình ngày 15-3-1973).

Những “chiến sỹ” nhí từ “Học kỳ CAND” thích thú tham quan các hiện vật.

Còn trong thư gửi anh trai ngày 26-3-1965, liệt sỹ Hoàng Ngọc Bản kể về mối quan hệ quân-dân thắm thiết nơi chiến trường: “Không riêng gì lực lượng vũ trang mới đánh Mỹ mà nhân dân từ ông bà già, trẻ em, phụ nữ đều tham gia rất dũng cảm. Giữa lúc máy bay đang oanh tạc thì có những cụ già băng mình dưới làn bom đạn mang lá câyđến cho đơn vị em làm ngụy trang. Các cháu thiếu nhi mang đến cho các chú bộ đội lá cây ngụy trang mà trong đó có cả cành cam, cành mít… Các chị phụ nữ lội qua đồng lúa mang nước đến cho bọn em uống đủ lại còn thừa đổ vào nòng súng. Có cô mậu dịch viên đi mang hàng hóa phục vụ bộ đội gặp lúc vào trận chiến đấu, cô không hề chạy mà tiếp đạn cho bọn em. Không may cô bị thương nhưng nhất định không chịu rời trận địa…”.

Không chỉ kể chuyện chiến trường, những sợi dây tình cảm nối tiền tuyến – hậu phương còn là phút trải lòng xa nhớ của CBCS Công an đối với người thân, gia đình. “Các con chắc chúng lớn lắm rồi nhỉ, có dịp về gặp ngoài đường có lẽ chẳng nhận ra đâu, nhất là Thắng lúc anh đi nhỏ quá... Trong những lúc công tác bận rộn thì chỉ lo suy nghĩ, bóp trán để đối phó với kẻ địch, nhưng cũng có những lúc rảnh rang, những lúc ấy sao mà nhớ nhà thế, nhớ em, nhớ các con và họ hàng cô bác đến thế. Giá như có cánh thì anh bay về thăm một lúc” – Thư của Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phan Văn Lai gửi gia đình năm 1972.

CBCS Công an luôn lạc quan, tin tưởng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc: “Còn cha mẹ hỏi ngày về của con, mong cha mẹ bớt trông. Ngày về của con phải là ngày đất nước được thanh bình, mọi gia đình được đoàn tụ ...” (trích thư đồng chí Châu Văn Ðẹp gửi về cho gia đình từ nhà tù Côn Sơn, Côn Ðảo ngày 1-5-1972). Hay thư của đồng chí Phương Hãn gửi về cho gia đình năm 1965 thể hiện rõ niềm tin: “Tất cả các chuyện cần nói chúng ta sẽ hẹn ngày nào khi cờ Tổ quốc hồng sáng khắp Bắc - Nam”.

Triển lãm “CAND khắc ghi lời Bác” tại Hà Nội đã kết thúc, song việc khắc ghi lời Bác dạy thì còn mãi trong tâm tưởng mỗi CBCS và du khách đến thăm Bảo tàng CAND. Không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ vật “biết nói”, những câu chuyện lịch sử vượt thời gian, triển lãm còn giúp CBCS CAND ôn lại truyền thống hào hùng của Lực lượng để thêm yêu nghề và vinh dự, tự hào, tự nguyện học tập và chiến đấu.

Ðồng thời giúp người dân thêm hiểu, thêm yêu và thêm chia sẻ với lực lượng CAND, cung cấp cho thế hệ trẻ bức tranh sinh động về một thời “hoa lửa” của những CBCS CAND anh hùng. Ðể rồi ươm mầm, gieo những hạt giống đẹp về hình ảnh người CBCS Công an, qua đó giúp tạo dựng một thế hệ CBCS Công an tương lai hiểu về Lực lượng, nuôi ước mơ, hoài bão cống hiến...

Ngoài trưng bày tại Hà Nội, triển lãm “CAND khắc ghi lời Bác” sẽ được tổ chức và đón khách tham quan tại hai khu vực: Miền Trung – Tây Nguyên (Nhà Văn hoá lao động tỉnh Gia Lai, số 1 Lê Lai, TP. Pleiku, Gia Lai) từ ngày 9 đến 28-8 và tại miền Nam (Trụ sở Thư viện tỉnh Đồng Tháp, số 5 Phạm Hữu Lầu, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp) từ ngày 29-8 đến ngày 19-9.
Bảo Quân
.
.