Triệt phá đường dây lừa đảo và làm giả bằng cấp liên tỉnh
- Đường dây làm giấy tờ giả cực lớn bị bóc gỡ như thế nào?
- Các "ông chủ" đường dây làm giấy tờ giả luôn giấu mặt và dùng giấy tờ giả
- Làm giấy tờ giả bán đất dự án, chiếm đoạt hơn 26,6 tỷ đồng
- Khen thưởng thành tích bóc gỡ đường dây làm giấy tờ giả
- 9x cầm đầu đường dây làm giấy tờ giả để vay vốn ngân hàng
1.Một trong những mắt xích quan trọng của đường dây tội phạm trên là 3 cán bộ Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hoá: Lê Thị Liên, SN 1976; Đỗ Thị Giang, SN 1972 và Hoàng Thị Hường, SN 1976. Là những người được giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho các học sinh, chúng đã lấy danh nghĩa các trường đại học uy tín trong nước được đào tạo cấp các loại văn bằng, chứng chỉ để lừa người dân có nhu cầu.
Theo đó, chúng tuyên truyền Trung tâm Giáo dục Thường xuyên liên kết với các trường đại học trong diện được phép đào tạo, cấp chứng chỉ tiếng Anh các bậc B2, B3 để đào tạo tại Thanh Hoá, sau đó xây dựng hệ thống cộng tác viên tại các huyện trên địa bàn tỉnh mở các lớp chứng chỉ tiếng Anh để tuyển sinh và tổ chức các lớp thi chứng chỉ cho học viên có nhu cầu.
Cán bộ Công an kiểm tra thiết bị và quá trình sản xuất chứng chỉ giả. |
Vì thấy các đối tượng trên là cán bộ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh nên nhiều người đã tin tưởng trung tâm này được phép liên kết đào tạo nên đã nộp tiền vào để học, thi lấy chứng chỉ tiếng Anh, tin học. Với thủ đoạn này, từ tháng 3 đến tháng 6-2020, các đối tượng đã tổ chức 4 lớp cho gần 600 học viên. Trong đó, mỗi hồ sơ học viên các đối tượng thu từ 3,5 đến 7 triệu đồng.
Nhằm che giấu hành vi phạm tội, các đối tượng đã thuê địa điểm, thuê giáo viên dạy để tổ chức ôn và thi. Sau đó, chúng móc nối với các đối tượng ở Hà Nội để làm và cấp chứng chỉ tiếng Anh giả cho các học viên. Cũng chính vì chúng thực hiện bài bản, tinh vi như vậy nên gần 600 nạn nhân trên không ai biết mình bị lừa.
2.Sau khi có đủ tài liệu, chứng cứ, ngày 29-10, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Điều tra Công an tỉnh, Công an TP.Thanh Hóa đã phối hợp với các lực lượng chức năng chia thành nhiều tổ công tác đồng loạt khám xét tại nhiều địa điểm ở Hà Nội, Thanh Hoá, TP Hồ Chí Minh bắt giữ 15 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức gồm: Lê Thị Liên; Đỗ Thị Giang và Hoàng Thị Hường đều là cán bộ trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa; Đặng Văn Sáng, SN 1994, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội; Lưu Công Hòa, SN 1993, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; Đăng Duy Minh, Trần Xuân Triệu, SN 1994; Đặng Văn Giang, SN 1999; Đỗ Văn Phúc, SN 1998; Đặng Tiến Hoàng, SN 1997; Phạm Minh Tuấn, SN 1993; Đỗ Ngọc Thanh, SN 1996; Nguyễn Văn Huyên, SN 1994; Nguyễn Tuấn Anh, SN 1998; Lý Kim Sơn, SN 1996 đều ở quận 7, TP.Hồ Chí Minh.
Trong nhóm đối tượng này, Đặng Duy Minh phân công nhiệm vụ cho Nguyễn Ngọc Huyên và các thành viên trong nhóm lập các trang Facebook, Zalo ảo để chạy quảng cáo, nhận các đơn hàng và trực tiếp in ấn văn bằng, chứng chỉ giả.
Quá trình bắt giữ, khám xét, lực lượng chức năng thu giữ toàn bộ thiết bị máy móc, công cụ phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội gồm: 7 bộ máy vi tính, 1 ipad, 2 máy in thẻ nhựa, 1 máy ép plastic, 25 thẻ ngân hàng cùng hàng nghìn tài liệu văn bằng, chứng chỉ, học bạ, giấy phép lái xe và các loại phôi, mực in, con dấu giả...
Được biết, đa số các đối tượng trên đều được học hành tử tế, nhiều đối tượng giỏi về kỹ thuật, vi tính. Ổ nhóm do Đặng Duy Minh cầm đầu, "chiêu mộ" các đối tượng khác tham gia vào đường dây và phân công nhiệm vụ chặt chẽ, khép kín. Đối tượng nào giỏi về công nghệ, kỹ thuật thì được giao nhiệm vụ lập và duy trì các trang facebook, zalo, chạy quảng cáo, trả lời, thuyết phục khách hàng. Những đối tượng khác thì tham gia nhiệm vụ tìm kiếm, sưu tầm các mẫu văn bằng, chứng chỉ để thực hiện các công đoạn làm giả. Theo đó, chúng sưu tầm hàng chục loại mẫu con dấu, chữ ký khác nhau để đóng vào các văn bằng, chứng chỉ. Nhiều loại văn bằng, chứng chỉ giả chúng làm rất giống thật nên nhìn bằng mắt thường nhiều người không thể nhận ra.
Các đối tượng trong vụ án. |
Theo lời khai của 3 cán bộ Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hoá thì những người này nhận thấy có rất nhiều người cần chứng chỉ, bằng cấp để hợp lý hoá hồ sơ đã lên mạng tìm hiểu, phát hiện đường dây làm giả giấy tờ trên nên đã liên hệ với Đặng Văn Sáng để hỏi thông tin, được Sáng tư vấn cặn kẽ và gửi mẫu để thử trước. Khi thấy việc làm giả rất giống thật, Liên, Giang và Hường đã bàn nhau chiêu sinh, mở các lớp học để lừa người có nhu cầu.
Về phía Sáng, sau khi nhận "đặt hàng" của Giang, Liên và Hường, hắn liên hệ với Đặng Duy Minh để "báo số lượng", giá cả để Minh chỉ đạo các công đoạn làm giả. Sau khi in xong các văn bằng, chứng chỉ giả trên, Minh chuyển ra Hà Nội để sáng trả cho Giang, Liên và Hường. Mỗi chứng chỉ giả có giá từ 1 đến 2 triệu đồng tuỳ chất lượng và loại văn bằng.
Còn Giang, Liên và Hường thì lập các "nhánh" tại nhiều huyện của tỉnh Thanh Hoá để "chiêu sinh", thu của người học từ 5 đến 7,5 triệu đồng (tuỳ loại chứng chỉ B2 hay B3), sau đó thuê/mượn địa điểm để mở lớp, thuê giáo viên dạy tiếng Anh, hướng dẫn "mẹo" làm bài rồi tổ chức sát hạch như thật. Với gần 600 học viên, các đối tượng đã thu lời bất chính hàng tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Công an TP Thanh Hoá thì đường dây này đã bán ra hàng nghìn giấy tờ giả các loại cho nhiều đối tượng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chúng hoạt động chủ yếu trên mạng với nhiều thủ đoạn tinh vi nên việc triệt phá, đấu tranh rất khó khăn. Trong 1 thời gian dài, các trinh sát vừa thu thập tài liệu chứng cứ qua mạng, vừa phải tổ chức xác minh, làm rõ con người thật của các đối tượng để nắm được chính xác đối tượng đó là ai, nhân thân thế nào, hiện đang cư trú ở đâu mới có thể đấu tranh, bắt giữ. Khi có đầy đủ chứng cứ, tài liệu, đơn vị đã báo cáo Giám đốc Công an tỉnh tổ chức phá án, đồng loạt bắt giữ tại nhiều địa điểm tránh việc các đối tượng phát hiện ra, tiêu huỷ tài liệu, chứng cứ.
Hiện, Cơ quan điều tra Công an TP Thanh Hoá đang tạm giữ hình sự cả 15 đối tượng để điều tra, xử lý theo pháp luật. Điều đáng tiếc là, nhiều đối tượng trong đường dây là những cán bộ nhà nước và các sinh viên được học hành tử tế, có hiểu biết, có kiến thức nhưng không tự tu dưỡng bản thân mà kiếm tiền phạm pháp dẫn đến bị bắt, đánh mất tương lai.