Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm
- Bị bắt cóc tống tiền vì chơi cờ bạc bịp
- Nợ nần cờ bạc, đi bắt trộm 61 con lợn
- Phá ổ cờ bạc tại chòi lá, quán nước
Thuở nhỏ, giữa lúc nhà nhà nghe băng cassette thì nhà tôi chệm chễn một bộ dàn nghe đĩa CD. Bộ dàn này xuất hiện một cách kỳ bí, một sớm tỉnh dậy tôi đã nghe thấy âm thanh mê hoặc du dương phát ra từ phòng khách, lẫn với tiếng trò chuyện của bố mẹ. Nghe đâu là của một người bạn bố tôi, trong đêm đập cửa, vì cần tiền nên gán lại bộ dàn với giá rẻ khó tin. Hình như là thua bạc.
Nhà văn An Hạ anhavn85@gmail.com. |
Sau này trưởng thành, thi thoảng lại nghe chuyện, nào là nhà hàng xóm sát vách, chị vợ trước đây mê bài bạc đến đặt cả sổ đỏ, giờ thì ly hôn đi ở chỗ khác rồi; nào là đứa bạn học cùng cấp ba, đẹp giai ngời ngời, kiếm vài nghìn đô một tháng, vẫn thi thoảng hỏi vay tiền, hỏi lý do chỉ ngượng ngập bảo, tớ đam mê mấy con số, gặng hỏi thì hoá ra cá độ bóng đá, nợ khắp nơi, nợ cả nhà bên vợ; rồi cậu em đứa bạn khác, Tây học về, công việc khá, nền tảng khá, sau một đêm tất tay, thấy đi tong cả nhà cả xe, vợ cũng bế con về bên ngoại, đứa bạn tôi mặt méo xệch vì cậu em thì trốn đi đâu mất, dân đòi nợ thuê thì tới tận nhà bố mẹ để truy nã. Những đối tượng mê đắm cờ bạc xem ra thuộc đủ mọi thành phần, bất kể vị trí xã hội, học thức hay kinh tế.
Cơ bản thì, chuyện người ta nghiện cờ bạc không lạ, cũng chẳng mới. Xã hội Việt Nam ta xưa, đánh bạc là một tệ tục thịnh hành, như Lương Đức Thiệp đã lý giải là bởi: "cờ bạc vẫn gieo những ảo tưởng giàu sang vào đám dân chúng rời rạc".
Các cụ cờ bạc cũng đủ loại hình, có thể kể đến tài bàn, tổ tôm, chắn cạ, tam cúc, xóc đĩa.. đủ cả, gây ra đủ kiểu tan cửa nát nhà, tán gia bại sản, gán vợ đợ con chỉ vì đỏ đen. Các triều đại phong kiến cũ đã từng có những hình phạt nghiêm khắc với kẻ cờ bạc, nhẹ thì phạt tiền, phạt trượng, bắt đi phu, nặng thì chặt cả ngón tay, ấy vậy mà cờ bạc vẫn tồn tại hàng nghìn năm nay.
Gia đình tan nát vì cờ bạc (ảnh minh hoạ). |
Không chỉ có dân đen mê cờ bạc, quan lại, hoàng thân quốc thích, ngay cả đến vua cũng mê cờ bạc. Câu chuyện vua Trần Dụ Tông mê cờ bạc, đánh bạc ngay trong cung điện, mặc cho pháp luật nhà Trần vốn nghiêm trị tội đánh bạc, chỉ trong ít năm, cơ nghiệp nhà Trần nhanh chóng suy thoái, đã được ghi lại như bằng cớ của ma lực đỏ đen đối với con người, bất kể địa vị.
Chẳng phải mỗi dân ta, nhân loại nói chung xem ra cũng đã dây dưa với thú đỏ đen trong suốt chiều dài lịch sử. Nhiều tài liệu cho rằng, những sòng bạc đầu tiên đã xuất hiện ở Trung Quốc từ năm 2300 trước Công Nguyên. Ngày nay, đủ loại hình cờ bạc bùng nổ, lén lút có, casino công khai hợp pháp hoá có, và đặc biệt là các loại hình cá độ, đánh bạc, chơi poker trực tuyến, có doanh thu hàng tỷ đô, lôi kéo hàng tỷ người tham gia ngày đêm trên khắp hành tinh.
Bao đời nay, người ta được răn dạy cờ bạc là mối nguy lớn đối với con người và xã hội, nhưng chẳng thời nào không có kẻ nghiện cờ bạc. Chơi cờ bạc vì mê lực của đồng tiền, ảo vọng có thể có được tiền bạc một cách dễ dàng, giàu có sau vài khoảnh khắc đã đành hiểu được. Nhưng đến như vua chúa, ngồi trên đỉnh cao muôn trượng, chẳng thiếu thứ gì, mà cũng nghiện bài bạc, thì xem ra, mãnh lực của cờ bạc quả thực không đơn giản.
Phật giáo cho rằng, tam độc tham sân si - ba trạng thái tinh thần có hại, chính là căn nguyên vòng phiền não của con người. Tham là tham lam, là ham muốn thái quá, sân là cơn giận, sự thù hận khi ý muốn, lòng tham không được đáp ứng, si là si mê ngập trong dục vọng.
Con người ta khổ, bị chi phối bởi chính tham sân si của mình, khi dục vọng bị khởi lên, tham sân si càng lớn, người ta càng trở thành tù nhân của chính dục vọng của mình. Xem ra, tham sân si trong cờ bạc, chính là cội nguồn của tình trạng nghiện đến đánh mất lý trí, mất cân bằng trong cuộc sống của con bạc, khiến con bạc sẵn sàng tung hê tất cả chỉ trong một ván đỏ đen.
Điểm đặc trưng lớn của các loại cờ bạc trên đời này là tính may rủi. Kẻ chơi không bao giờ chắc chắn được mình sẽ thắng hay thua. Cái cảm giác kích thích của tính may rủi đánh thẳng vào lòng tham của con người, không chỉ là tham tiền bạc nữa, còn là tham cảm giác kích thích trước khả năng thắng thua.
Khoa học chứng minh rằng Dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng vốn được não bộ tiết ra khi con người ta tận hưởng khoái lạc trong cuộc đời, được tiết ra nhiều đột ngột và mãnh liệt khi con bạc đứng trước canh bạc đỏ đen. Mức độ tiết Dopamine trong não kẻ chơi cờ bạc ngang ngửa với kẻ nghiện ma tuý. Dopamine cao vọt hơn bất cứ trải nghiệm thông thường nào khiến kẻ cờ bạc hay kẻ nghiện ma tuý hưng phấn cao độ và kích thích cao độ.
Đáng buồn rằng, cả cờ bạc lẫn ma tuý đều có khả năng thiết lập lại hoạt động của não bộ. Những kẻ nghiện cờ bạc hay ma tuý sẽ chỉ còn cảm thấy hưng phấn hạnh phúc, cảm thấy được "sống" khi được ngập ngụa trong cơ may thắng thua, hay khi phê thuốc. Những sinh hoạt thông thường của đời sống không còn khiến não bộ của những con nghiện tiết ra Dopamine nữa. Não bộ của họ đã được cài đặt lại, chạy bằng một hệ điều hành hoàn toàn khác người bình thường.
Chính vì thế mà ma tuý và cờ bạc đều gây nghiện. Cờ bạc bám rễ sâu hoắm vào lòng tham, niềm sân hận vì thua cuộc, gây nên sự si mê bất chấp trong đời kẻ nghiện. Khi ấy, gia đình, sự nghiệp, bạn bè hay toàn bộ cuộc sống không còn mấy ý nghĩa với con bạc. Càng chơi thua, càng hăng máu, Dopamine càng tiết ra nhiều. Mất tiền, mất nhà, mất vợ con, sự tồn tại của bố mẹ... tất cả đều chẳng quan trọng nữa. Con bạc khát nước, hay chính là khát Dopamine, trở thành những kẻ thua cuộc trong chính cuộc chơi tham - sân - si của chính mình.
Não bộ bị tái thiết lập, nên kẻ nghiện khó điều chỉnh được hành vi của bản thân. Từ cờ bạc, chuyển sang trộm cắp, mại dâm để có tiền, đã là mô hình kinh điển của tội phạm. Vì tác động thẳng vào não bộ, nên con nghiện cờ bạc càng khó cai. Nỗ lực cai nghiện phụ thuộc quá lớn vào ý chí của bản thân kẻ nghiện, nhưng kẻ nghiện ngay từ lúc bắt đầu ý chí hay lực đề kháng vốn đã kém hơn người bình thường.
Chưa kể, cho dù cai nghiện thành công, một lúc nào đó trong quãng đời còn lại, nỗi nhớ về cảm giác hưng phấn vì lượng Dopamine tiết ra dào dạt kia có thể lôi con người ta tái nghiện bất cứ lúc nào. Thế nên, chẳng bao giờ có câu chuyện chỉ chơi nốt lần này, nốt ván này, gỡ được hết số tiền đã mất, thắng được một cú to là sẽ dừng, như chính những kẻ nghiện cờ bạc tự ảo tưởng.
Xuất phát từ dục vọng, cờ bạc tồn tại song song với sự tồn tại của con người. Chừng nào còn dục vọng, còn tham sân si, thì chừng ấy cờ bạc vẫn còn tồn tại. Ở một số nơi, cờ bạc được hợp pháp hoá để dễ quản lý, âu cũng là bởi lý do này.
Tôi bất chợt nhớ đến một người bạn cũ của mình. Bạn tôi trẻ, đẹp trai lồng lộng, kinh doanh thành công, nhìn từ bên ngoài vào quả thực hoàn hảo như bước ra từ phim truyền hình Hàn Quốc. Có điều không hiểu sao cậu mãi chẳng công khai người yêu, nên mãi cũng chẳng chịu lấy vợ, cứ đi đi về về một mình.
Người ngoài thường coi đấy là nghịch lý khó tin. Chỉ người thân quen biết, bạn tôi ngày điều hành kinh doanh, tối nhiều hôm chẳng quan tâm đến ăn uống, đã sà ngay vào các sới poker khắp thành phố. Hôm thì chơi đến 3 giờ sáng, hôm thì xuyên đêm, vừa chơi vừa húp mì gói. Bao người mai mối cậu chỉ cười trừ.
Ai biết đâu cậu cũng thuộc dạng nghiện cờ bạc hàng chục năm, não bộ đã vĩnh viễn khác người, cậu chẳng đam mê hứng thú gì ngoài những giây phút hưng phấn trong sới poker. Cậu bảo tôi, em chả thích ai được quá ba tháng, sau đó chả còn cảm xúc gì, chán lắm chị ạ, chắc em không biết yêu.
Cờ bạc có khả năng huỷ hoại con người ta trên nhiều phương diện như thế đấy.