Độc đáo lễ “Nối ân thần núi” của người Pa Cô

Thứ Bảy, 14/01/2023, 16:33

Nối ân thần núi là nối lại ân huệ giữa thần núi với các gia đình người Pa Cô mang họ Kray ở làng A Liêng thuộc xã Húc Nghì, huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Theo Nghệ nhân Kray Sức, cán bộ văn hóa xã Húc Nghì, người dân tộc Pa Cô mang họ Kray ở làng A Liêng tin rằng, trước đây họ sinh sống khỏe mạnh ở làng Pa Ling là nhờ có thần núi Pa Ling che chở. Sau này, bà con chuyển về làng A Liêng, muốn có sức khỏe cũng phải nhờ một vị thần núi ở đây ban phước lành.

Thế rồi các gia đình họ Kray ở A Liêng cũng chọn được núi Plăng, là núi cao nhất ở vùng này, để thực hiện nghi lễ cúng cầu với mong muốn vị thần núi này sẽ ban phước lành cho họ.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, không chỉ các gia đình họ Kray, mà toàn thể bà con dân làng Aliêng đều luôn có được sức khỏe đánh giặc, giữ nước, rất ít người bị đau ốm, bệnh tật. Tin tưởng vào thần núi và con người luôn gắn chặt với nhau qua một sợi dây linh thiêng, các gia đình họ Kray ở đây năm nào cũng tổ chức nghi lễ cúng tạ ơn vị thần núi này.

Độc đáo lễ “Nối ân thần núi” của người Pa Cô -0
Người Pa Cô ở làng A Liêng tổ chức lễ cúng tưởng nhớ, tri ân thần núi.

Tuy nhiên, cuộc sống có nhiều thay đổi, nghi lễ càng về sau càng ít có dịp được tổ chức, rồi khoảng 30 năm nay nó trở nên mai một hẳn, ít ai còn nhớ.

Trải qua 20 năm nghiên cứu văn hóa của người Pa Cô, qua cơ sở sưu tập tư liệu và tìm hiểu qua các già làng, Nghệ nhân Kray Sức quyết định bàn bạc với dân làng tổ chức phục dựng lại nghi lễ này như một nét đẹp văn hóa của người Pa Cô. Nghi lễ được thống nhất tổ chức hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán.

Năm nay cũng là năm đầu tiên tổ chức nghi lễ độc đáo này. Buổi trưa 12/1/2023 nhằm 21/12 âm lịch, lễ cúng diễn ra dưới chân núi Plăng. Chủ lễ là già làng, cùng tất cả người dân làng A Liêng, tề tựu về chân núi này, đứng trang nghiêm trước bàn lễ.

Lễ cúng không cầu kỳ, gồm một con lợn được làm chín nguyên con khoảng 30kg, một chai rượu, một bát nước lọc, một cây kiếm dài…, chủ yếu thể hiện tấm chân tình, sự biết ơn với tinh thần “lễ bạc lòng thành” của người Pa Cô ở đây đối với vị thần núi mà họ tin rằng, trải qua hàng trăm năm, vị thần núi này đã che chở, bảo bọc cho sức khỏe và mạng sống của họ.

Độc đáo lễ “Nối ân thần núi” của người Pa Cô -0
Một nghi thức của lễ cúng.

Nghệ nhân Kray Sức chia sẻ, nghi lễ này toát lên tinh thần lành mạnh, là sợi dây xiết chặt ý thức của con người có đạo đức sống tốt đẹp. Thông qua nghi lễ gợi nhớ cho lớp hậu thế thấy được những hành động, ứng xử  của con người với thiên nhiên nơi mình đang sinh sống, gắn chặt tình đoàn kết cộng đồng, nhằm nâng cao trách nhiệm của cá nhân và tập thể trong cộng đồng làng bản.

Giáo dục cho lớp trẻ về đạo đức sống và biết ơn công lao của cha ông trong việc bảo tồn nền văn hóa ứng xử giữa người với người, giữa người với thế giới xung quanh ta.

Ngoài ra, nghi lễ còn có ý nghĩa truyền đạt những hình ảnh và bối cảnh của nó về giá trị văn hóa cho mọi người trong và ngoài địa bàn của làng Aliêng đều biết, cũng là dịp để quy tụ lại các tầng lớp cộng đồng dân cư trong làng, có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cần trao đổi làm sao cho phù hợp giữa quá khứ và hiện tại.

Thanh Bình

.
.
.