Xây dựng nghệ thuật sơn mài thành thương hiệu quốc gia

Thứ Tư, 11/09/2019, 15:59
Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” nhằm giới thiệu các sản phẩm, tác phẩm sơn mài Việt Nam góp phần xây dựng công nghiệp văn hoá, tạo điều kiện, thúc đẩy sự phát triển các tác phẩm, sản phẩm sơn mài trở thành những sản phẩm hàng hóa độc đáo, mang dấu ấn truyền thống văn hóa Việt Nam, tiêu thụ ở trong nước và quốc tế, dự kiến được triển khai từ năm 2020 đến năm 2030.

Theo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, hiện tại, đề án xây dựng, quảng bá thương thiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” đã, đang được tích cực triển khai và chuẩn bị được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý tại Đà Nẵng. 

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, nghề sơn đã có một lịch sử lâu đời ở Việt Nam. Sơn ta thường được dùng chủ yếu để sơn gắn các đồ dùng, sơn thuyền, sơn vũ khí, làm các đồ thờ cúng, trang trí đình chùa… Sau này, sơn ta được dùng vào các công việc trang trí trong các cung điện, đền đài, chùa tháp… 

Tác phẩm tranh sơn mài "Thác Bờ" của họa sĩ Nguyễn Huyến

Sản phẩm sơn mài sử dụng chất liệu sơn ta kết hợp với kỹ thuật mài độc đáo có khả năng vô cùng đặc biệt tạo nên chất mịn màng, óng chuốt, độ bóng, chiều sâu, hay huyền bí, lộng lẫy sang trọng. Không chỉ được thế giới biết đến với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ và tác phẩm hội họa nổi tiếng, sơn mài mang một sức truyền cảm mạnh mẽ của một truyền thống văn hóa cổ xưa in đậm nét trong tâm thức của người Việt.  

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài và hội họa sơn mài là những sản phẩm, tác phẩm độc đáo bởi chất liệu sơn ta và quy trình chế tác, nghệ thuật sáng tạo, cần được xây dựng trở thành sản phẩm văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam có nhiều điều kiện và tính độc đáo trở thành một sản phẩm, tác phẩm khác biệt của Việt Nam phát triển công nghiệp văn hóa góp phần phát triển du lịch, kinh tế, xã hội của đất nước.

 Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” sẽ xây dựng logo, bộ nhận diện thương hiệu, tiêu chuẩn về nguyên liệu... Theo đó,  sơn phải được chiết xuất từ cây sơn ta trồng ở Phú Thọ. Cốt (vóc) phải sử dụng gỗ, vải màn, mùn cưa, đất phù sa, sơn sống chế từ nhựa cây sơn Phú Thọ. 

Sản phẩm, tác phẩm được vẽ hoặc gia công bằng sơn cánh gián hoặc sơn then chế từ nhựa cây sơn Phú Thọ, được vẽ nhiều lớp ủ và mài với nước, bề mặt phải tương đối phẳng và bóng. Vật liệu dùng để vẽ, tạo chất có màu son, vàng thếp, vàng son, bạc thếp, vỏ ốc, vỏ trứng, vỏ trai, bột điệp…  

Cũng theo đề án,  từ năm 2020 đến năm 2030 sẽ có rất nhiều hoạt động quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về Nghệ thuật sơn mài Việt Nam trong nước và nước ngoài: Triển lãm, work shop, hội thảo, toạ đàm, trình diễn, tour du lịch khám phá, trải nghiệm, thực hành sáng tạo nghề sơn mài truyền thống Việt Nam, các hội chợ tranh và sản phẩm sơn mài Việt Nam.  

Ngoài ra còn có xuất bản sách, dựng phim tài liệu, làm video clip, thiết kế, sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm quà tặng lưu niệm từ sơn mài Việt Nam, tổ chức liên hoan nghệ thuật Sơn mài quốc tế tại Việt Nam 2 năm/lần…


N.H
.
.
.