Tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức lấy ý kiến về quy hoạch du lịch sinh thái Bạch Mã
- Voọc chà vá chân nâu bị bắn chết tại Vườn Quốc gia Bạch Mã
- Công trình đường cao tốc ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái Vườn Quốc gia Bạch Mã
- Thừa Thiên - Huế: Xây dựng vườn hoa xứ lạnh ở Vườn Quốc gia Bạch Mã
Hội nghị thu hút đông đảo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng các chuyên gia đến từ Bộ Xây dựng; Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam; Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Tổng Hội Xây dựng Việt Nam; Tổng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT; Bộ VHTT&DL; Tổng Cục Môi trường, Bộ TN&MT…
VQG Bạch Mã được thành lập từ năm 1991 với tổng diện tích 22.031ha. Năm 2008, diện tích VQG Bạch Mã được mở rộng lên 37.487ha với sự tồn tại của 2.373 loài thực vật; động vật có 2.151 loài. Theo Sách đỏ Việt Nam, VQG Bạch Mã có 69 loài động vật, 73 loài thực vật quý hiếm cần được bảo vệ như voọc chà vá chân nâu, gà lôi lam màu trắng, sói lửa, báo hoa mai, sao la…
Hội nghị góp ý về quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Bạch Mã do tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức thu hút đông đảo sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu. |
Trên cơ sở thống nhất chủ trương lập quy hoạch của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã cho phép Công ty CPDL Vườn Bạch Mã lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) khu du lịch sinh thái Bạch Mã thuộc VQG Bạch Mã.
Theo đó, quy mô quy hoạch có tổng diện tích 387,8ha chia làm 2 khu. Khu A rộng 97,8ha bao gồm hạ tầng đường giao thông tiếp cận 23,3 ha; trạm cơ sở tại khu vực Khe Su 64,1ha; riêng khu xây dựng tuyến cáp treo có chiều dài 4km với hành lang bảo vệ 26m có diện tích 10,4 ha. Khu B là khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã có diện tích khoảng 290ha với chức năng chính là nơi đón tiếp du khách, tổ chức hội thảo, triển lãm, các dịch vụ thương mại với quy mô phục vụ khoảng 2.000 khách tham quan và 600-800 khách lưu trú/ngày.
Bản đồ quy hoạch đánh giá môi trường chiến lược khu vực 1 thuộc quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Bạch Mã. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ các vấn đề như sự cần thiết của việc triển khai thực hiện quy hoạch và hình thành các khu du lịch tại khu vực Bạch Mã; việc hình thành hệ thống cáp treo, làm rõ quy mô và giải pháp xây dựng, đánh giá tác động môi trường của việc hình thành cáp treo; so sánh công nghệ, phương pháp thi công, phương án tổ chức thực hiện và kinh nghiệm với một số tỉnh, một số nước trên thế giới; cơ sở xác định quy mô, số lượng khách phục vụ của khu vực lập quy hoạch; đánh giá sự tác động, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, khả năng đáp ứng tổng số lượng khách theo quy hoạch; đánh giá tác động của môi trường của việc triển khai thực hiện quy hoạch và giải pháp tổ chức thực hiện và các vấn đề khác có liên quan.
Một góc Vườn Quốc gia Bạch Mã, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế. |
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định: “Việc xây dựng tuyến cáp treo cần phải nghiên cứu kỹ về hướng tuyến để vừa đảm bảo việc bảo vệ thiên nhiên vừa để du khách có tầm nhìn tốt và cần lựa chọn nhà đầu tư có uy tín, kinh nghiệm thực hiện. Ngoài ra, cần xác định cụ thể khu hạt nhân trung tâm của khu du lịch sinh thái với phạm vi nghiên cứu rộng bao nhiêu héc ta, gồm những chức năng gì để từ đó tính toán diện tích quy hoạch hợp lý”.
KTS Lã Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đóng góp ý kiến tại hội nghị. |
Trong khi đó, KTS Lã Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam lại cho rằng, việc lập quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Bạch Mã có trạm cơ sở và hạ tầng giao thông chiếm đến 97,8ha là quá lớn.
Hiện có 139 căn biệt thự được xây dựng từ năm 1942 nằm ở lưng chừng núi Bạch Mã nên cần tính toán sử dụng hết số biệt thự này mới tính đến các phương án xây dựng cơ sở lưu trú phục vụ du khách.
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, tỉnh Thừa Thiên- Huế cần tận dụng các biệt thự tại VQG Bạch Mã để giảm xây dựng cơ sở lưu trú trong quy hoạch khu du lịch sinh thái. |
“Quy hoạch phân khu khu du lịch sinh thái Bạch Mã cho thấy các chức năng hoạt động phù hợp nhưng địa phương cần rà soát giảm quy mô dịch vụ lưu trú, nghĩ dưỡng, khách sạn sao cho hợp lý nhất. Mặt khác, nên tách biệt từng khu chức năng và sơ đồ hóa để thấy rõ chi tiết, qua đó kiểm soát mức đầu tư các khu chức năng. Ngoài ra, hồ sơ thuyết minh, bản vẽ quy hoạch phân khu cần được rà soát hoàn thiện theo Thông tư 12/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng”, bà Ngân nói.
Các chuyên gia đánh giá, quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Bạch Mã đã đề xuất nhiều nội dung và giải pháp phù hợp với đặc điểm phát triển của VQG Bạch Mã gồm các loại hình du lịch, hoạt động khu du lịch, tầng cao. Việc xây dựng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 sẽ là cơ sở để triển khai các quy hoạch chi tiết 1/500.