Tái hiện ngàn năm văn hiến nước Việt qua “Văn hiến Kinh kỳ”

Chủ Nhật, 29/04/2018, 10:54
Tối 28-4, “Văn hiến Kinh kỳ”, một trong những chương trình nghệ thuật đặc sắc nhất tại Festival Huế 2018 đã được Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế dàn dựng, thực hiện tại sân điện Cần Chánh, Đại Nội Huế.

“Văn hiến Kinh kỳ” là chuỗi sự kiện có gần 400 diễn viên, nghệ sĩ tham gia biểu diễn với 3 chương, gồm: Thống nhất giang sơn, Đất nước thái bình và Ngàn năm văn hiến. Chương trình được dàn dựng công phú, thực hiện chuyên nghiệp, diễn xướng hùng tráng, kết hợp với hệ thống ánh sáng, sân khấu lộng lẫy đã cuốn hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước đến từng màn biểu diễn.

Chương trình nghệ thuật giàu chất sử thi với nhiều chương, hồi do hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn. 
“Văn hiến Kinh kỳ” tái hiện ngàn năm văn hiến nước Việt được trình diễn trên sân khấu hoành tráng tại lễ hội Festival Huế 2018.

Đặc biệt, chất sử thi của vở diễn được khái quát một cách thi vị qua kết cấu từng chương hồi. Các tiết mục theo các hồi trong 3 chương được kết nối với nhau bằng thủ pháp đồng hiện, làm bật lên chủ đề di sản được khai mở, phát triển theo lịch sử. 

Theo đó, chương 1 “Thống nhất giang sơn” có nội dung kể về quá trình thống nhất giang sơn, mở mang bờ cõi của triều đình và nhân dân dưới thời các hoàng đế triều Nguyễn khi vào năm 1802 khi hoàng đế Gia Long chọn Phú Xuân định đô, hình thành nên triều đại nhà Nguyễn. Có nhiều chỉ dụ của triều đình cho thuỷ quân và Hải đội Hoàng Sa thăm dò và đo đạc đường thủy tại Hoàng Sa, xác lập chủ quyền về hải đảo.

Chương trình tôn vinh các Di sản của Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Hình ảnh mộc bản, châu bản triều Nguyễn được tái hiện.

Chương 2 “Đất nước thái bình”, kể về đất nước với sự ổn định chính trị, kinh tế, cảnh thái bình với các hồi vận mới, điềm lành mở lối, mùa vụ bội thu và xuân nghinh khánh hỷ. 

Chương 3 “Ngàn năm văn hiến” kể về sự mở mang nền giáo dục quốc dân, đào tạo nhân tài của triều Nguyễn. Hằng trăm quyết sách quan trọng về chấn hưng giáo dục (thể hiện qua Châu bản) đã được thực thi. 

Tái hiện cảnh vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh tượng trưng cho hưng thịnh và trường tồn của đất nước.
Cảnh thái bình với các hồi vận mới, điềm lành mở lối.

Hàng vạn tấm mộc bản được chế tác, khắc chữ nhằm in ấn, san định in ấn sách vở, phục vụ công cuộc giáo dục. Các khoa thi tiến sĩ được mở trở lại. Theo thời gian, bao nhiêu thịnh suy, hưng phế cũng đều tan hoà quá vãng, nhưng vẫn đọng lại trong cõi đất trời một nền Văn hiến rực rỡ đến ngàn năm.

Và màn trình diễn Lục cúng hoa đăng.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, ngoài tôn vinh giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc, “Văn hiến Kinh kỳ” còn quảng bá, tôn vinh 5 di sản của Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới gồm Quần thế di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.


Anh Khoa
.
.
.