Nhớ về “Giải phóng” – Tờ báo trên tuyến lửa

Thứ Sáu, 18/12/2020, 17:58
Những trang tư liệu đã ố màu thời gian, những ký ức về một thời vừa cầm bút vừa cầm súng chiến đấu của những nhà báo lão thành, bộ phim tư liệu và trưng bày đã “kể” với công chúng nhiều câu chuyện thú vị về hậu trường làm báo thời kháng chiến, về sự khốc liệt và cả những hy sinh mất mát ở chiến trường xưa.

Ngày 18/12, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, Thư viện Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Báo Sài Gòn Giải phóng, Báo Đại Đoàn kết tổ chức trưng bày và ra mắt bộ phim tư liệu “Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa”, do Bảo tàng Báo chí Việt Nam sản xuất. 

Những trang tư liệu đã ố màu thời gian, những ký ức về một thời vừa cầm bút vừa cầm súng chiến đấu của những nhà báo lão thành, bộ phim tư liệu và trưng bày đã “kể” với công chúng nhiều câu chuyện thú vị về hậu trường làm báo thời kháng chiến, về sự khốc liệt và cả những hy sinh mất mát ở chiến trường xưa.

Những trang tư liệu ố màu thời gian về báo Giải phóng

Theo Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Báo Giải phóng trực thuộc cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ra đời để cổ vũ tinh thần chiến đấu của đồng bào miền Nam và cả nước trong kháng chiến chống Mỹ. Số đầu tiên ra đời vào ngày 20-12-1964, dưới tán rừng Tân Biên – Tây Ninh.

Một số cựu phóng viên của báo Giải phóng bên các hiện vật trưng bày

Tổng biên tập (TBT) đầu tiên của báo Giải phóng là nhà báo Trần Phong (Kỳ Phương), nguyên TBT báo Cứu Quốc, một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, được điều trở lại chiến trường bằng đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Hai nhà báo của báo Cứu Quốc là Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí) và Thái Duy (Trần Đình Vân) hành quân theo đường Trường Sơn vào tới vùng căn cứ Tây Ninh để tham gia làm báo Giải phóng. 

Sau đó, nhiều nhà báo từ mọi miền đất nước đến với báo báo Giải phóng. Cùng với họ, nhiều “thủ lĩnh” của báo Giải phóng như Thép Mới, Bùi Kinh Lăng, Nguyễn Huy Khánh, qua các giai đoạn khác nhau của cách mạng miền Nam đã làm nên lịch sử đặc biệt của một tờ báo trong kháng chiến. 

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tặng kỷ niệm chương cho các nhà báo lão thành của báo Giải phóng

Bởi lẽ, trong cuộc đối đầu với công nghệ thông tin hiện đại của phương Tây và Sài Gòn thời ấy, báo Giải phóng cùng với Thông tấn xã và Đài phát thanh Giải phóng, báo Quân Giải phóng đã kiên cường trụ vững để cất lên tiếng nói về cuộc chiến đấu chính nghĩa, chống giặc ngoại xâm của nhân dân miền Nam. 

12 năm cầm bút và cầm súng, những người làm báo Giải phóng đã cho ra đời 375 số báo trong 10 năm kháng chiến và 412 số nhật báo Giải phóng tại Sài Gòn cho đến ngày hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình năm 1977 – thời điểm báo Giải phóng và báo Cứu Quốc hợp nhất thành báo Đại Đoàn Kết ngày nay.

Một số hiện vật làm báo Giải phóng được trao tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Cũng theo Ban tổ chức, ngay từ những năm kháng chiến chống Mỹ, báo Giải phóng không chỉ vượt vĩ tuyến 17 mà còn xuất bản ra nước ngoài, đến được với những người anh em cùng chiến tuyến dù cách xa hàng vạn dặm. Một sự kiện không thể không nhắc tới là ngay sau ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước 30/4/1975,  những người làm báo Giải phóng từ chiến khu trở về đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ra 15 số báo Sài Gòn Giải Phóng đầu tiên. 

Chỉ riêng tờ báo số 1 ra ngày 5/5/1975 đã phát hành nửa triệu bản trên toàn quốc với giá bán 50 đồng/tờ (tiền miền Nam). Báo đã lập một kỷ lục về phát hành trong lịch sử báo chí Việt Nam trong thời điểm đặc biệt đó. Tuy nhiên, để có những thành tựu ấy là những cống hiến vô bờ bến và cả những hy sinh, mất mát khó có thể bù đắp của những người làm báo Giải phóng. Người làm báo và công chúng hôm nay sẽ ít nhiều hiểu, cảm nhận được phần nào qua trưng bày và phim tư liệu “Giải phóng – Tờ báo trên tuyến lửa”.

Ban tổ chức và các nhà báo lão thành báo Giải phóng

Có thời lượng 26 phút, phim tư liệu “Giải phóng – Tờ báo trên tuyến lửa” do chính nhà báo Nguyễn Hồ, người trực tiếp làm báo Giải phóng chủ biên. Phim được hoàn thành đúng dịp chào mừng Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, 56 năm báo Giải phóng ra số đầu tiên (20/12/1964 – 20/12/2020). Phim có nhiều tư liệu và sự kiện được công bố lần đầu như: Những mốc lịch sử ra đời của tờ báo Giải phóng và hoạt động của tờ báo trên khắp các chiến trường, qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng miền Nam và cả nước.

Hoa Nguyễn
.
.
.