Đặt bia kỷ niệm tri ân những người làm báo Giải phóng

Chủ Nhật, 25/06/2017, 18:28
Ngày 25-6, tại ấp Tân Nam, xã Tân Bình, Tân Biên (Tây Ninh), Báo Đại Đoàn kết đã phối hợp và Ban liên lạc cựu cán bộ, nhân viên Báo Giải phóng tổ chức Lễ đặt Bia kỷ niệm Báo Giải Phóng – Cơ quan trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. 

Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo buổi lễ.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ

Đồng chí Hồng Thanh Quang, Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết, cho biết: Trong lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, Giải phóng là tờ báo đặc biệt, đóng góp quan trọng vào một giai đoạn lịch sử cụ thể của sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước. 

Do vậy, Báo Đại đoàn kết khánh thành Bia kỷ niệm, nơi ra đời Báo Giải phóng mang ý nghĩa hết sức sâu sắc, là sự tri ân của những thế hệ người làm Báo Đại đoàn kết với những người làm báo đi trước, nhắc nhở chúng ta không được quên quá khứ. 

Đồng chí Hồng Thanh Quang phát biểu tại buổi lễ

Sau khi đất nước thống nhất, đầu năm 1977, Báo Giải phóng hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Báo Cứu quốc hợp nhất với Báo Giải phóng lấy tên là Đại đoàn kết. Tuần báo Đại đoàn kết, cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xuất bản số đầu tiên vào ngày 6/2/1977. 

Những năm qua, Báo Đại đoàn kết đã nỗ lực không ngừng, là tờ báo gắn bó sâu sắc với người dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và đồng chí Nguyễn Văn Nên trao tặng tiền cho Ban liên lạc Báo Giải phóng

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, nhấn mạnh: Nối tiếp truyền thống Báo Cứu quốc và báo chí cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Báo Giải phóng là một kỳ tích của báo chí cách mạng thời chống Mỹ. 

Vượt qua đói rét, bệnh tật trong rừng sâu, nước độc, vượt lên bom đạn, chất độc hóa học và những trận càn ác liệt nhất của địch vào chiến khu. Cán bộ nhân viên Báo Giải phóng chẳng những đã giữ vững được tiếng nói của cách mạng trên trang giấy và làn sóng điện, mà còn tham gia chiến đấu đánh địch tại chiến khu trong trận càn Gian-xơn Xi-ty năm 1967, và tại lòng địch năm 1968. 

Một số đồng chí đã hy sinh trên chiến trường khi đi thực tế, viết bài; một số hy sinh trong chiến đấu chống càn; một số bị địch bắt cầm tù, tra tấn. 

Hòa bình lập lại, những người còn sống lại tiếp tục vượt qua khó khăn, tham gia xây dựng đất nước ở nhiều cương vị khác nhau; giữ vững truyền thống của Báo Giải phóng thân yêu cho đến ngày nay. Hôm nay, chúng ta họp mặt tại đây để tưởng nhớ những người làm nên tờ báo Giải phóng bằng ý chí và tình cảm cách mạng, bằng trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu. 

Tấm bia này không phải là một tác phẩm nghệ thuật, mà là tấm lòng của tất cả chúng ta đối với những con người đầy nhiệt huyết và giàu lòng yêu nước…

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương đã trao tặng 100 triệu đồng cho Ban liên lạc Báo Giải phóng.

Đức Mừng
.
.
.