Nghệ sĩ xiếc: Mồ hôi và nước mắt sau ánh hào quang

Chủ Nhật, 23/07/2017, 09:37
Từ kỳ vọng đến hiện thực là một chặng đường dài với vô số những khó khăn khiến những người gắn bó với nghệ thuật xiếc không khỏi lo âu, trăn trở.

Sau kỷ lục thế giới của 2 “hoàng tử” xiếc Việt - Giang Quốc Cơ, Giang Quốc Nghiệp, mới đây, 2 gương mặt trẻ của Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam là Hồ Nguyễn Thu Thùy và Nguyễn Ngọc Ánh vừa vinh dự giành giải vàng tại Liên hoan xiếc quốc tế Cuba.

Thành công này đã mở ra nhiều cơ hội cho nghệ sĩ và được kỳ vọng sẽ góp phần nâng vị thế của xiếc Việt trên thế giới. Tuy nhiên, từ kỳ vọng đến hiện thực lại là một chặng đường dài với vô số những khó khăn khiến những người gắn bó với nghệ thuật xiếc không khỏi lo âu, trăn trở.

Sàn tập –  mồ hôi và nước mắt

Đã gần 1 tháng kể từ ngày được vinh danh tại Liên hoan xiếc quốc tế Cuba nhưng Hồ Nguyễn Thu Thùy vẫn chưa hết xúc động khi nhớ lại chặng đường chinh phục giải thưởng.

Thùy cho biết, thời điểm đoàn lên đường đi thi cũng là những ngày cô phải dốc sức cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên hết sức căng thẳng. Ban ngày cùng thầy hướng dẫn tập luyện, đêm về Thùy lại cặm cụi với đèn sách.

Sáng ngày 24-6, khi cả đoàn đã có mặt tại Cuba thì cô vẫn ngồi trong lớp để hoàn thành nốt môn thi cuối cùng. Đồ đạc đã chuẩn bị sẵn trước đó nên vừa rời khỏi phòng thi là Thùy cùng thầy hướng dẫn lên xe ra thẳng sân bay.

Ngày 2 thầy trò đặt chân đến Cuba cũng là lúc Liên hoan đã khai mạc được 1 ngày. Không kịp nghỉ ngơi, ngay tối hôm đó, Thùy và bạn diễn Ngọc Ánh đã phải lên sân khấu. Diễn xong, về nghỉ nhưng cảm giác hồi hộp, đợi chờ khiến cô không thể ngủ được.

Mãi đến khi nhận giải thưởng rồi, căng thẳng qua đi, Thùy mới biết sức lực bản thân đã vắt kiệt cùng đến thế nào. Sau đêm nhận giải, cảm giác của buổi sáng đầu tiên tỉnh dậy ở khách sạn xứ người là sự rã rời. Vì vậy, các thành viên trong đoàn vui vẻ tham quan mua sắm còn Thùy vùi mình ngủ bù…

Với Ngọc Ánh, áp lực không nằm ở phút cuối. Nữ nghệ sĩ trẻ cho biết, để “Cánh chim Việt” (tiết mục xiếc Việt Nam đoạt giải vàng tại Liên hoan xiếc quốc tế Cuba 2017 - PV) hoàn thiện, ra mắt bạn bè thế giới, Ánh, Thùy và 2 thầy hướng dẫn phải mất gần 1 năm ròng rã trên sàn tập.

Khi tập luyện, Ánh phải khắc phục rất nhiều khó khăn vì  ban đầu “Cánh chim Việt” được dựng cho Ánh và người chị song sinh – Ngọc Anh. Vì lý do cá nhân, sau một nửa chặng đường, Ngọc Anh phải bỏ ngang.

Với diễn viên xiếc, thay bạn diễn là gần như phải làm lại từ đầu. Thu Thùy được chọn thay thế Ngọc Anh nhưng Thùy nhỏ người, không thể làm trụ phía dưới. Ngọc Ánh phải đổi vai.

Làm trụ, Ánh phải có đôi chân đủ cứng, cơ thể đủ dẻo dai và sức khỏe đủ để nâng đỡ bạn diễn. Ánh tập nhiều đến mức bàn chân bật máu. Phải băng bó, cô cũng không nghỉ. Cứ như thế, khoảng 2 tuần thì cơ thể thích ứng, Ánh đi lại mới thôi tập tễnh.

Cô Đỗ Thị Chung, một giáo viên lâu năm tại khoa Xiếc tâm sự rằng, để có một Ngọc Ánh và một Thu Thùy cho tiết mục “Cánh chim Việt”, thầy và trò đã phải trải qua 5 năm dài miệt mài nỗ lực học tập.

So với nhiều nghệ sĩ của các bộ môn nghệ thuật khác, nghệ sĩ xiếc phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khắt khe.

Học sinh được tuyển vào trường từ lúc mới 11 - 12 tuổi; ăn ở, học tập như học sinh  trường dân tộc nội trú nên trường như là nhà, thầy cô như cha mẹ.

Hai năm đầu, học sinh phải học hết 4 môn cơ bản; nếu yếu 1 môn sẽ không hoàn thành chương trình; 3 năm chuyên ngành, học sinh có điều kiện chọn, tập trung cho môn học phù hợp với thế mạnh của bản thân nhưng lại gặp nhiều khó khăn khác.

Một buổi tập luyện của học sinh Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.

Khát vọng nâng tầm xiếc Việt

Tiến sĩ Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, cho biết, mỗi năm nhà trường chỉ tuyển 35 học sinh trong khi số hồ sơ đăng ký rất lớn.

Nếu năm 2016, nhà trường nhận hơn 7.000 hồ sơ thì năm 2017, có đến hơn 8.300 hồ sơ dự tuyển. Học sinh được tuyển chọn phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí về hình thể lẫn năng khiếu. Thế nhưng, cuối khóa học, bình quân, số học sinh tốt nghiệp chỉ còn 2/3 so với tuyển đầu vào. 1/3 đã bị đào thải ngay trong quá trình đào tạo vì nhiều lý do.

Có học sinh lúc tuyển vào trường cơ thể rất chuẩn nhưng sau 2- 3 năm học, cơ thể phát triển nhanh, có em chân dài, rất đẹp nhưng gân lưng, gân bụng không… dài kịp nên không thể tiếp tục theo học xiếc. Học sinh học văn hóa giỏi cũng xin bỏ xiếc để thi đại học.

Chưa kể, trường có nhiều học sinh ngoại tỉnh, phần lớn gia cảnh khó khăn. Học phí của trường là 50.000 đồng/tháng nhưng nếu tổng chi phí cho một học sinh, tiết kiệm lắm cũng cần 500.000 - 700.000 đồng/ tháng. Với gia đình nông thôn, vùng sâu, vùng xa, số tiền này là không nhỏ nên bố mẹ các em cũng đến trường xin cho con nghỉ học.

Tuy nhiên, với những học sinh trụ lại được đến khi tốt nghiệp thì không phải lo việc làm. Vài năm gần đây, số lượng học sinh tốt nghiệp của trường không đủ đáp ứng nhu cầu của các đoàn, các đơn vị nghệ thuật. Một số quốc gia đã, đang gửi học sinh đến học.

Riêng năm 2017, nước bạn Lào gửi 15 học sinh. Đặc biệt, sau khi 2 học sinh của trường đoạt giải vàng tại Liên hoan xiếc quốc tế Cuba, một số đơn vị đào tạo, tổ chức biểu diễn nghệ thuật lớn, có uy tín lâu năm tại Anh và Mêhicô đã đặt vấn đề liên kết đào tạo hoặc đặt hàng tiết mục biểu diễn.

Đây là hướng đi hứa hẹn nhiều tiềm năng, vừa góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp đào tạo, vừa tạo cơ hội cho nghệ sĩ, diễn viên cọ xát, học hỏi vừa tạo thu nhập cao.

Theo Tiến sĩ Hoàng Minh Khánh, trong chuyến đi Cuba mới đây, trường có tham khảo kinh nghiệm từ nước bạn thì được biết, hiện nay, mỗi nghệ sĩ Cuba có hợp đồng biểu diễn tại Anh nhận thù lao khoảng 1.500EUR/tháng.

Vì vậy, trường xác định, liên kết đào tạo trong tương lai sẽ là nguồn thu lớn, có thể góp phần đáng kể trong nâng tầm và khẳng định vị trí của xiếc Việt Nam với bạn bè thế giới. Hiện nay, trường chuẩn bị đưa 1 khu huấn luyện xiếc mới vào hoạt động. Đây là tòa nhà 8 tầng, gồm 1 nhà hát và 4 sàn tập với hơn 10.000m². Khu huấn luyện này có thể đáp ứng đào tạo khoảng 400 học sinh/ khóa.

“Với điều kiện nhân lực và vật lực của nhà trường hiện nay thì mới chỉ khai thác được 40% công suất khu huấn luyện, nhà trường cần phải có thêm rất nhiều yếu tố khác, kể cả về cơ chế hoạt động, chính sách cho đội ngũ giáo viên, trang thiết bị huấn luyện cơ bản…”- Tiến sĩ Hoàng Minh Khanh nói.

Ngọc Nguyễn
.
.
.