Họa sĩ Nguyễn Minh: Có một Phố - Làng đan xen, trữ tình và hiện đại
- Triễn lãm hình ảnh, tư liệu “Linh vật Nghê Việt” tại Đà Nẵng
- Lê Thiết Cương: Có những ngón dài, đôi khi, buông, hẫng…
- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều và họa sĩ Lê Thiết Cương với "Người”
Triển lãm trưng bày 35 tác phẩm, trong đó có 29 tác phẩm là tranh vẽ với chất liệu là Acrylic và sơn dầu, 6 tác phẩm điêu khắc với chất liệu sắt hàn và compsite. Đây là những tác phẩm được Nguyễn Minh ấp ủ và bắt tay thực hiện từ năm 2013. Khi ấy, anh đang là học viên năm cuối của lớp cao học trường Mĩ thuật Việt Nam, được họa sĩ Trần Huy Oánh hướng dẫn bài tốt nghiệp.
Họa sĩ Nguyễn Minh |
Một buổi sáng trên đường đi ký họa để tìm tài liệu, anh ngồi uống nước bên đường và nhận ra “sự thoi thóp” của những ngôi nhà đang bị phá dỡ, đền bù để thay thế vào đó là cây cầu mới – con đường mới. Anh thoáng nghĩ, một ngày nào đó chắc làng quê mình cũng “chung số phận”, sẽ mất đi “hồn quê”, mất đi những tiếng hát đồng dao, mất đi những tiếng mời nhau ăn cơm - uống nước và mất đi cả màu đen quánh của đêm khuya trộn lẫn tiếng dế kêu…
Một cảm giác chơi vơi đến tiếc nuối ập đến. Nhưng ngay lập tức anh cũng nhận ra “vẻ đẹp” của các mảng miếng giữa các má cầu, chân cầu. Anh hận ra sự thú vị bởi sự nhấp nhô của mái ngói đang chuẩn bị mất đi và khoảng sáng bầu trời phía trên những mái nhà đó. Một vẻ đẹp lãng mạn trong quy luật thay đổi tất yếu có tính thời sự nhưng lại trữ tình…
Tác phẩm "Mưa qua phố" |
Vì vậy, anh đã khái quát những câu chuyện về Phố về Làng, về cây, về những hình tượng trong tranh của mình. Minh khái quát cả trong cách tạo hình, pha trộn giữa đồ họa và hội họa, đôi khi kiệm màu, đôi khi lại điểm sắc với sự tung tẩy…tùy theo cảm xúc, tùy theo từng câu chuyện của Phố, của Làng, của tuổi thơ.
Anh lồng ghép trong tranh những sự đối lập và đan xen lẫn nhau trong cuộc sống như " văn hóa hiện đại - văn hóa truyền thống, cái cũ - cái mới, cái thực - cái ảo, tính thời gian như quá khứ - hiện tại, trước - sau...
"Không gian đỏ" - một góc lạ hơn về phố của Nguyễn Minh |
Chia sẻ về các tác phẩm của Nguyễn Minh, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Muôn thuở, làng vẫn lành sạch trong phố, để phố vẫn nguyên vẹn nét đẹp xưa cùng ký ức. Bỏ mặc những cơn lốc nghiệt ngã, chóng mặt và dửng dưng của thời kỳ đô thị hóa, những lý giải khẽ khàng, khúc chiết trong cấu trúc giữa đôi bờ ý niệm và khát thực của Nguyễn Minh trong từng tác phẩm cứ vô hạn, vô hồi mà không làm cho ta khó nghĩ trước không gian đẹp đẽ đã hóa thạch tự bao giờ của quá khứ…
Tác phẩm "Đông về" |
Nhà Thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì nhận định: “Thế giới đang mở ra trong sự sáng tạo của họa sỹ Nguyễn Minh là phố. Đó là một thế giới quá khó, theo tôi hiểu. Bởi trước đó đã có những họa sỹ ở các thế hệ khác vẽ phố và đã trở thành danh tiếng. Cái mà các họa sỹ đó mang đến cho những họa sỹ trẻ vẽ phố như Nguyễn Minh lại là những thách thức chứ không phải là những bài học kinh nghiệm được truyền trao. Và họ, những họa sỹ trẻ chọn đề tài ấy chỉ còn một cách là phải dựng lên được thế giới phố của riêng mình để đến lúc nào đó tên anh ta được đặt tên cho những “khu phố” trong thế giới hội họa vô tận và khó khăn.
Nhưng, những bức tranh vẽ phố của Nguyễn Minh cho tôi nhìn thấy con đường của anh vừa mở ra. Đó là một con đường khác biệt. Phố của Nguyễn Minh là phố của một thời đại mới với những nét thẳng căng, rành mạch, đầy tính qui hoạch của kiến trúc.
"Ký ức II" - 1 trong 35 tác phẩm được chọn trưng bày tại triển lãm |
Nếu chỉ thế thôi thì Nguyễn Minh nên làm kiến trúc sư. Nhưng Nguyễn Minh đã tạo ra một tinh thần phố của những giấc mơ về phố. Đó là sự thanh bình và sự hòa đồng giữa kiến trúc, thiên nhiên và tinh thần con người. Những mảng màu trong, sáng, nhẹ và nhiều mơ hồ đã phá đi kết cấu cứng của bê tông và tính “ logic toán học” của kiến trúc đô thị cùng với những vòm cây nhiều cảm xúc.
Nền tảng của sáng tạo này bắt nguồn từ ý thức và cảm quan của Nguyễn Minh về phố. Trong ý thức và cảm quan đó của anh là sự ám ảnh của thiên nhiên và đời sống làng quê Việt truyền thống. Anh là một họa sỹ trẻ sinh ra và lớn nên trong thời đại công nghiệp và đô thị hóa nhưng “giọng nói” và “hơi thở” của làng quê Việt luôn dội vào tâm hồn anh.
Và với ý thức, tinh thần và khát vọng sáng tạo khởi nguồn từ những điều đẹp đẽ và thiêng liêng ấy, anh tìm ra con đường riêng của mình. Và phần còn lại về sau của anh là bước đi không được phép dừng lại trong sự khám phá không được do dự”…
Các tác phẩm trong triển lãm “Nguyễn Minh và Phố” được giới thiệu đến công chúng từ ngày 21-9 đến hết ngày 25-9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.