Nghệ thuật hát Xẩm - Từ hè đường lên sân khấu
Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt cho biết, sự kiện có rất nhiều hội, nhóm, câu lạc bộ đang thực hành truyền dạy hoặc biểu diễn hát Xẩm nổi tiếng: Chiếu Xẩm Hải Thành (Hải Phòng), Chiếu Xẩm Hà Thị Cầu (Ninh Bình), Trung tâm âm nhạc truyền thống Thăng Long (Hà Nội), CLB Ca nhạc Truyền thống UNESCO Hà Nội, Đoàn nghệ thuật Đông Đô (Hà Nội), CLB Còn duyên (Vĩnh Phúc), CLB Liên Hoa, CLB Sen Tây Hồ...
Sự kiện hội tụ đông đảo các hội, nhóm, câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống trên cả nước |
Các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu sẽ giúp công chúng hiểu bộ môn nghệ thuật hát Xẩm với những đặc trưng cơ bản nhất, từ môi trường diễn xướng, các nhạc cụ và một số làn điệu điển hình...
Cùng với hoạt động tọa đàm, biểu diễn minh họa, người tham dự có dịp khám phá từng chặng đường phát triển của Xẩm, kể từ một hình thức đàn hát dân gian dành riêng cho những người khiếm thị để mưu sinh nơi đầu đường góc chợ, bến nước, mom sông cho đến hiện nay, khi hát Xẩm đã trở thành một loại hình nghệ thuật được biểu diễn trên sân khấu, thực sự là một di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được rất nhiều người yêu thích.
NSND Xuân Hoạch, người được xem là "trưởng lão" của làng Xẩm Việt Nam đương đại và là người có công phục chế các nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn nhị, đàn đáy, đàn nguyệt... sử dụng dây tơ theo lối cổ, thay vì dùng dây kim loại như hiện nay sẽ trực tiếp trao đổi và trình diễn phục vụ công chúng.
Lịch sử nghệ thuật hát Xẩm sẽ được các nghệ nhân, nhà nghiên cứu cùng phân tích, chuyển tải trong sự kiện |
Nghệ nhân Dân gian Lê Minh Sen đến từ Thanh Hóa hay một số nghệ nhân "ẩn mình" ở các làng quê, chưa được phong tặng danh hiệu như bà Nguyễn Thị Mận (con gái của Nghệ nhân Hát Xẩm huyền thoại Hà Thị Cầu), ông Lê Văn Vượng đến từ chiếu Xẩm mang tên cố Nghệ nhân Hà Thị Cầu tại Yên Mô, Ninh Bình và nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ triển vọng đến từ nhiều nhóm, hội, địa phương khác nhau hứa hẹn tạo thêm một điểm đến hấp dẫn cuối tuần trên phố cổ Hà thành.
Sự hiện diện của cụ Nguyễn Thị Lạt đến từ Tứ Kỳ, Hải Dương với vai trò khách mời đặc biệt là một nỗ lực đặc biệt của các thành viên tổ chức sự kiện. Bởi lẽ, cụ Lạt dù còn minh mẫn, vẫn có thể vừa hát vừa đánh trống và sênh, sở hữu vốn lời ca về Xẩm phong phú nhưng năm nay đã 96 tuổi, sức khỏe yếu.
Được biết, khoảng 75 năm về trước cụ đã dắt người anh trai khiếm thị đi hát Xẩm và từng tiếp xúc với rất nhiều “huyền thoại của làng xẩm” như các trùm Xẩm Nguyễn Văn Nguyên (Hà Nội), Nguyễn Văn Mậu (Ninh Bình - chồng cố Nghệ nhân Hà Thị Cầu), Nguyễn Văn Tự và Lý Văn An (Hải Phòng)... “Kho tư liệu sống về hát Xẩm” này cùng nhiều nghệ nhân Xẩm lão làng được kỳ vọng sẽ mang đến những thú vị, bất ngờ, tạo sức lan tỏa rộng rãi hơn trong cộng đồng về Xẩm…