Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và những trăn trở về hát xẩm

Thứ Hai, 02/05/2016, 07:40
Mặc dù công việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam chiếm phần lớn thời gian trong cuộc sống song nghệ sĩ (NS) hát xẩm Mai Tuyết Hoa – học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu vẫn dành những ưu ái nhất định cho đam mê hát xẩm, nhất là khi dòng nhạc dân tộc này đang ngày càng bị “ngó lơ”.

Không xuất thân trong một gia đình có nôi nghệ thuật, nhưng NS Mai Tuyết Hoa đã sớm bén duyên với cây đàn nhị nhờ sự định hướng và động viên của người bố vốn yêu thích nhạc dân tộc.

NS Mai Tuyết Hoa chia sẻ: “Thật ra, một người bạn của bố cứ nói phải cho 2 đứa con gái (tôi và chị gái) đi học nhạc vì nhẹ nhàng và nữ tính. Bố nghe theo và thế là chị gái học sáo, còn tôi học đàn nhị. Năm đó mới 7, 8 tuổi có biết đàn nhị như thế nào đâu nên khi bố bắt đi học, thì vẫn học với sự tò mò của trẻ nhỏ. Đến khi biết đàn nhị bị mọi người miệt thị, bạn bè trêu chọc vì thường nghĩ nó gắn với đám hiếu chứ không được lung linh như: đàn chanh, đàn tì bà, sáo, … hay thậm chí là piano, violon,…”.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa trong một tiết mục biểu diễn.

“Năm đó, khi gần tốt nghiệp nhạc viện tôi nhận được lời mời sang Viện Nghiên cứu âm nhạc cộng tác: nhận các băng đĩa về tách lời, ký âm, ghi âm các tư liệu âm nhạc có sẵn. Với một sinh viên mà được vào môi trường làm việc như các cô các chú lại có thêm thu nhập nói thật cũng oách lắm (cười). Và cũng trong môi trường làm việc đó, tôi tình cờ bắt gặp đĩa hát của cụ Hà Thị Cầu - như một chìa khóa mở ra chặng đường mới. Bà vừa đàn vừa hát rất hay và tôi như bị thôi miên sững sờ trước tài năng của nghệ nhân.

Tôi tốt nghiệp đúng thời điểm viện thành lập phòng trưng bày nhạc cụ do các đoàn đi công tác về sưu tầm âm thanh, những bản ký âm và cả nhạc cụ,… Tôi được nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, năm đó đang là Viện phó - nhận về làm việc cho phòng nhạc cụ. Đó là một thuận lợi cho tôi khi chọn nghiên cứu hát xẩm làm đề tài tốt nghiệp lấy bằng lý luận phê bình âm nhạc. Vừa nghiên cứu, vừa thực hành vừa biểu diễn nên nghệ thuật hát xẩm đã ngấm vào tôi lúc nào không hay. Đến lúc này, tôi mới thực sự yêu thích, đam mê đàn nhị và xẩm”.

Kể từ đây, NS Mai Tuyết Hoa đã gắn bó với hát xẩm bằng tất cả niềm say mê, nhiệt huyết: “Tôi không chọn xẩm mà nghệ thuật này tự tìm đến tôi - tình cờ. Tôi cảm nhận và tiếp nhận hết sức tự nhiên. Khi quyết định nghiên cứu về xẩm, tôi tìm về Ninh Bình gặp nghệ nhân Hà Thị Cầu để học hỏi. Nhưng thật sự ngạc nhiên khi thấy một tài năng như bà mà cuộc sống quá vất vả, nghèo khó.

Tự nhiên trong lòng nghĩ cần phải làm gì đó cho bà và cho nghệ thuật hát xẩm. Vì thế, năm 2005 tôi cùng cố GS Phạm Minh Khang, nhạc sĩ Thao Giang, nhạc sĩ Quang Long, NSƯT Thanh Ngoan,… thành lập Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam”.

NS Mai Tuyết Hoa bồi hồi nhớ lại cách đây chục năm, khi đi xin chính quyền địa điểm để biểu diễn, nhiều người chưa hiểu, họ tưởng hát xẩm là đi ăn xin. Trải chiếu trước cửa chợ, hát rồi người ta thả tiền lẻ vào khay, chẳng phải hát ăn xin thì là gì? NS Mai Tuyết Hoa lại phải giải thích, rồi xem chừng ra khó quá, cô cầm cây đàn nhị của mình vừa kéo đàn vừa hát cho người ta nghe.

Lại còn có NS tên tuổi khác trong dòng nhạc dân tộc ra biểu diễn, người ta đóng dấu đỏ đồng ý. Ban đầu chỉ xin địa điểm để cả nhóm ra hát nhằm mục đích quảng bá, đưa nghệ thuật hát xẩm đến gần công chúng chứ tuyệt nhiên không dám lấy tiền. Thậm chí xăng xe, ăn tối cả nhóm đều phải bỏ tiền túi trang trải.

Đã 20 năm theo đuổi nghệ thuật truyền thống, gắn bó với bao thăng trầm của nghệ thuật xẩm nhưng NS Tuyết Hoa chưa bao giờ hối hận về con đường đã chọn: “Đến giờ, nếu nói vì một công việc tốt hơn hay vì một đam mê khác mà tôi từ bỏ xẩm thì không bao giờ. Xẩm là một phần cuộc sống của tôi. Tôi theo đuổi vì yêu thích, vì đam mê chứ không vì bất cứ điều gì khác”.

Điều luôn khiến NS Tuyết Hoa trăn trở là khi cuộc sống hiện đại phát triển thì hát xẩm càng có nguy cơ bị mai một, những lớp trẻ sau không còn mấy ai mặn mà với xẩm. Những nghệ nhân đam mê với xẩm như Tuyết Hoa cũng không còn mấy ai có đất diễn xẩm.

NS Mai Tuyết Hoa thực sự trăn trở: “Giới trẻ bây giờ ít quan tâm đến nhạc dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta không nên đổ lỗi cho giới trẻ. Bởi ngoài các trào lưu âm nhạc, văn hóa ngoại nhập thì ngay bản thân các bạn trẻ cũng ít có cơ hội được tiếp xúc với nhạc dân tộc. Đây cũng là lỗi một phần của các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay khi hầu như các chương trình âm nhạc, văn hóa đều là ca nhạc nước ngoài hay trào lưu âm nhạc mới chứ ít có “đất” cho nghệ thuật truyền thống như xẩm. Và chính nghệ thuật hát xẩm cũng đang chịu sự thiệt thòi không đáng có.

Xẩm không phải bộ môn chính thống trong các trường đại học, học viện. Trường Sân khấu Điện ảnh, người ta cũng chỉ dạy tuồng, chèo, cải lương,… ; trường Quan họ Bắc Ninh, đoàn quan họ Bắc Ninh,… mà không hề có một đoàn thể, tổ chức hay giáo trình nào chính thức dành cho xẩm. Bản thân tôi dạy học sinh cũng chỉ là những kế thừa từ người đi trước và bổ sung phương pháp nghiên cứu, kiến thức thực tế để dạy”.

Với mong muốn giữ gìn và và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ đến với các loại hình nghệ thuật truyền thống, hiện nay trung tâm của Mai Tuyết Hoa đang cố gắng đào tạo những tài năng mới cho nghệ thuật dân tộc. Nhưng với Mai Tuyết Hoa để xẩm tồn tại lâu dài, để sống được với xẩm cần sự đam mê thực sự: “Chúng tôi – những người yêu xẩm thực sự - thành lập nhóm Xẩm Hà thành, không vì mục đích kinh tế mà vì tình yêu dành cho nghệ thuật này. Ai cũng có công việc riêng, người biên tập viên, người diễn viên, người nhạc sĩ,… đều lấy nghề chính nuôi nghề phụ, nuôi dưỡng đam mê” - NS Tuyết Hoa chia sẻ.

Mai Tuyết
.
.
.