Hơn trăm đô vật tranh tài tại lễ hội 5 năm một lần

Thứ Hai, 13/02/2017, 18:06

Ngày 13-2, thôn Lập Ái, xã Song Giang, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức lễ hội kỷ niệm 1505 năm ngày sinh Thượng Quốc Tuy Ông (17 tháng Giêng năm 512 – 17 tháng Giêng năm 2017), một người con của làng Lập Ái đã có công đánh giặc, giữ làng giữ nước từ thời Lý Nam Đế.

Lễ hội kỷ niệm 1505 năm ngày sinh Thượng Quốc Tuy Ông được chia thành hai phần, gồm phần lễ và phần hội. 

“Sáng ngày 13-2, dân làng tổ chức lễ rước thành hoàng Tuy Ông từ đền sang chùa để lễ, lấy dấu nhà phật và sau đó tổ chức rước ngược về đền làm lễ tế, đánh trống khai hội. Buổi chiều cùng ngày, dân làng tổ chức lễ tế tạ tại sân đền Tuy Ông” – Cụ Nguyễn Bá Lệ (75 tuổi), Thủ từ đền Tuy Ông cho biết.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Phạm Văn Miên nổi trống khai hội.

Phần hội của lễ hội kỷ niệm 1505 năm ngày sinh Thượng Quốc Tuy Ông được tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn như chơi cờ người, kéo co… trong đó trọng tâm là hội vật bởi Thượng Quốc Tuy Ông vốn là một vị tướng, sinh thời ông thường tuyển chọn thanh niên trai tráng của làng, rèn luyện võ thuật để tập hợp quân sĩ ra trận đánh giặc. 

Được sự tín nhiệm của dân làng và chính quyền địa phương, Thiếu tướng, Tiến sĩ Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo Công an nhân đã nổi 3 hồi trống khai hội.

Thôn Lập Ái nói riêng và xã Song Giang nói chung là một cái tên nổi tiếng trong môn vật cổ truyền với thương hiệu võ vật Chi Nhị (làng Chi Nhị, xã Song Giang). Từ nhiều năm nay, xã Song Giang vẫn duy trì được một lò luyện võ vật để chuyên đào tạo các vận động viên cung cấp cho huyện Gia Bình và tỉnh Bắc Ninh. Trong đó có những cái tên nổi tiếng như tuyển thủ vật quốc gia: Bùi Công Diễm; Hoàng Sỹ Còn; Phạm Sỹ Thu (Huy chương Vàng Seagame...

Tại hội vật, sau khi Thiếu tướng, Tiến sĩ Phạm Văn Miên nổi trống khai hội là phần “vật thờ” của hai cụ cao niên (cụ Nguyễn Văn Tài 78 tuổi và cụ Trịnh Đình Chưng, 75 tuổi) trong làng, có kinh nghiệm và bề dày thành tích trong môn võ vật. 

“Vật thờ” là phần vật mang tính nghi thức, trình diễn cách vật và các miếng vật cho dân làng và các trai tráng chiêm ngưỡng, để khơi lên tinh thần của môn võ vật.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Phạm Văn Miên trao giải cho các lão đô trong keo “vật thờ” khai hội.

Lễ hội đền Tuy Ông được tổ chức 5 năm một lần. Riêng phần hội vật năm nay có sự tham gia của hơn 100 đô vật với khoảng hơn 50 trận ở các thể loại vật tự do và vật cổ truyền với cả hai nội dung nam và nữ. 

Hội vật đền Tuy Ông năm nay cũng có sự tham gia của nhiều đoàn vật nổi tiếng như đoàn vật trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh; đoàn Quân Đội; đoàn tỉnh Bắc Giang…

Cụ Trịnh Đình Chưng (75 tuổi), là một trong hai lão đô tham dự keo “vật thờ” khai hội cho biết, cụ bắt đầu tham gia môn vật trong làng từ năm 16 tuổi. Nhìn chung, về kỹ thuật, võ vật làng Lập Ái tập trung vào 3 miếng cơ bản là: miếng ngói, miếng sườn và miếng lộn. Người tham gia môn vật phải trải qua quá trình luyện tập từ nhỏ, rèn thể lực cũng như kỹ chiến thuật thật bài bản thì mới có thể đem về vinh quang trên sàn đấu.

“Chúng tôi tổ chức lễ hội đền Tuy Ông định kỳ 5 năm một lần để tưởng nhớ công đức của ngài với dân với nước trong sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc. Bên cạnh đó, lễ hội cũng sẽ khơi dậy niềm tự hào trong lòng nhân dân sở tại, để động viên, khích lệ tinh thần rèn luyện sức khỏe cho thế hệ trẻ ngày nay” - Ông Trần Đăng Công, chủ tịch xã Song Giang, trưởng Ban tổ chức lễ hội kỷ niệm 1505 năm ngày sinh Thượng Quốc Tuy Ông cho biết.


Năm 545, khi Tuy Ông vừa mãn tang mẹ thì nước ta có giặc Lương là Trần Bá Tiện kéo sang xâm lược. Vua Triều Lý (Lý Nam Đế) quyết tâm đánh giặc, phát lời kêu gọi nhân dân bốn phương chống giặc. Nghe lời kêu gọi của vua, Tuy Ông tập hợp nhân dân Lập Ái và các nơi khác được 3.000 người kéo về nhập vào đại nghĩa quân nhà Lý. 

Tuy Ông làm Thượng tướng quân giữ chức Đô úy cầm quân giao chiến với Trần Bá Tiện. Quân Trần Bá Tiện thua to phải rút về. Sau chiến công này, Tuy Ông được nhà vua phong thưởng rất hậu. Ông trở về củng cố doanh lũy ở Lập Ái.

Năm 550, ông lại cùng quân đội Vạn Xuân tổ chức kháng chiến chống quân Lương và đã anh dũng hy sinh vào ngày 15 tháng 8 năm Đinh Tỵ (550). Nhân dân xây đền, dựng tượng ông. Triều đình phong là Uy linh đại vương - Thượng Quốc Tuy Ông. Từ đó ông đã trở thành vị Thành hoàng của làng Lập Ái. Năm 1994 đền Lập Ái thờ Tuy Ông được Bộ Văn hóa công nhận xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia.

Đền Tuy Ông nằm ở giữa thôn Lập Ái. Hiện nay, ở khu vực cửa đền còn lưu giữ được ba tấm bia đá ghi sự tích của vị Thành hoàng làng Tuy Ông. Bên cạnh đó, đền cũng vẫn giữ được bản sắc cổ kính với nét hoa văn của các thời đại đã trải qua thời gian. Đền làm theo kiểu chữ tam mỗi nếp nhà đều có ba gian hai chái và hậu cung. Các hiện vật lưu giữ trong đền vẫn được bảo quản khá nguyên vẹn, những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và một số văn bản Hán Nôm quý hiếm có giá trị lịch sử cao.
Cảnh Vũ
.
.
.