Hàng vạn du khách về dự lễ hội khai ấn đền Trần

Thứ Bảy, 11/02/2017, 08:14
Vào đêm 14 tháng Giêng (tức đêm 10-2), hàng vạn du khách thập phương đã về thành phố Nam Định để tham dự lễ hội khai ấn đền Trần. Từ nhiều năm nay, lễ hội này đã vượt qua qui mô một lễ hội cấp tỉnh, trở thành một trong những lễ hội có sức hút lớn nhất cả nước.

Năm nay, lễ hội khai ấn đền Trần diễn ra vào đúng dịp cuối tuần nên ước tính, lượng người về tham dự lên đến hơn 20 vạn người. Vì vậy, ngay từ cuối giờ chiều 14 tháng Giêng (tức ngày 10-2), quốc lộ 10 (từ Nam Định đi Thái Bình), con đường chạy qua khu vực đền Trần đã dày đặc xe cộ.

Có đoạn, các phương tiện phải nhúc nhích từng tấc đường. Người dân chờ đến giờ khai ấn, cùng những lời nguyện cầu tốt lành trong một năm mới.

Lễ hội khai ấn đền Trần từ bao năm qua đã luôn dành được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân. Du khách ở những tỉnh lân cận thường cố gắng có mặt tận nơi để thắp hương xin ấn. Đó là cái tâm, là tín ngưỡng mà nhiều người dân đã tin ở đền Trần.

Đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội khai ấn đền Trần.

Về dự lễ khai ấn đền Trần, nhiều người cầu mong gia đình một năm mới sức khỏe, trên dưới thuận hòa, làm ăn phát đạt. “Nhà tôi ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm nay cháu nhà tôi đến tuổi vào đại học nên hôm nay hai bố con tôi về đây thắp hương, xin cho cháu được học giỏi và đỗ đạt, thỏa ước nguyện bấy lâu của gia đình tôi và cháu”, bác Phạm Văn Trường chia sẻ.

18h ngày 14 tháng Giêng, mọi cung đường xung quanh khu vực đền Trần dường như đã chật ních. Trong dòng người đi bộ, khuôn mặt của ai nấy đều rạng rỡ, vui vẻ.

Rút kinh nghiệm trong nhiều năm trước, năm nay, Ban Tổ chức đã thực hiện nhiều phương án, cách làm mới để nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực có thể xảy ra, đảm bảo cho nhân dân và du khách về dự lễ khai ấn đền Trần an toàn, hài lòng về công tác tổ chức lễ hội của thành phố Nam Định nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung.

Về công tác đảm bảo an ninh trật tự, UBND tỉnh Nam Định đã huy động hơn 2.000 cán bộ chiến sĩ, bao gồm cả lực lượng dân quân, tự vệ, lập 5 vòng bảo vệ với 23 chốt, mỗi chốt có từ 5 đến 10 cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ. Từ cuối giờ chiều 14 tháng Giêng, phương án phân luồng phương tiện từ xa được tiến hành.

Theo đó phương tiện từ Hà Nội và Ninh Bình đi Thái Bình, Hải Phòng và chiều ngược lại đều phải vòng qua thành phố Nam Định theo đường Trần Nhân Tông để tránh ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 10, đoạn qua khu vực đền Trần - chùa Tháp.

Màn đêm dần buông xuống trên mảnh đất Thành Nam giàu truyền thống văn hóa. Đúng 22h15 phút, sau nghi lễ dâng hương trước ban thờ Trung Thiên đền Thiên Trường, nghi lễ rước kiệu ấn được tổ chức với sự tham gia của hơn 200 người đại diện Hội Người cao tuổi, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân phường Lộc Vượng. Lễ rước kiệu bắt đầu từ sân đền Cố Trạch qua cổng chính rẽ trái, đi vòng quanh bờ hồ, vào cổng chính đền Thiên Trường và đặt kiệu trước ban thờ Trung Thiên.

Đúng 23h15, lễ khai ấn được thực hiện trang nghiêm trong nội cung đền Thiên Trường theo đúng nghi thức truyền thống. Sau khi nhà đền dâng sớ khai ấn, 14 cụ cao niên phường Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành được mời vào nội cung chứng kiến nghi lễ và đóng dấu khai ấn 10 cánh ấn bằng giấy màu vàng.

Trưởng từ đền Trần chịu trách nhiệm cất giữ những lá ấn này để dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng (đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa, chùa Tháp, Văn chỉ Hiền Đàn, đình Tức Mặc, đình Kênh, đình Bái, đình Vĩnh Trường) và lưu tại hòm đựng ấn nhà đền.

5h sáng 15 tháng Giêng (ngày 11-2), đền Trần đã mở cửa cho nhân dân và du khách thập phương vào để dâng hương, xin ấn (sớm hơn 30 phút so với năm 2016). Do làm tốt công tác tổ chức nên năm nay, người đến xin ấn cơ bản xếp hàng nghiêm ngắn, trật tự để chờ đến lượt của mình.

Năm trước, khi người của Ban tổ chức đang thu dọn đồ lễ thì có tình trạng người dân ùa vào chen lấn, cướp lộc. Để hạn chế tình trạng này, năm nay, khi khai ấn xong, Ban tổ chức đã thu dọn hết đồ lễ trên tất cả các ban thờ, dùng loa tay để thông báo tới người đi lễ không chen lấn, cướp lộc.

Bên cạnh đó, các hiện tượng tiêu cực như bán ấn giả, ăn xin, ăn mày hay cờ bạc trong khu vực lễ hội được các  lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt.

Trong các ngày lễ hội, tại quần thể di tích đền Trần sẽ diễn ra nhiều hoạt động hội truyền thống như múa lân, múa rồng, múa sư tử, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật, biểu diễn võ thuật bên ngoài cổng Ngũ Môn để phục vụ nhân dân và đông đảo du khách thập phương.

Như mọi năm, đền Trần cũng sẽ phát ấn cho du khách thập phương đến hết tháng Giêng, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tâm linh cho nhân dân khi về với mảnh đất Nam Định.

Cảnh Vũ
.
.
.