Độc đáo lễ hội Mù Là trên đỉnh đèo Lủng Phặc

Chủ Nhật, 12/02/2017, 18:15
Từ ngày 12 đến 14 tháng giêng (tức mùng 8 đến 10-2) tại Kéo Ngạm Váng, đỉnh đèo thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã diễn ra lễ hội Mù Là - lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc hai xã giáp ranh Cổ Linh, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) và Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang).

Ngay từ sáng sớm hàng nghìn người dân đã ùn ùn kéo đến khu vực tổ chức lễ hội, vượt qua những cung đường ngoằn nghoèo, đèo dốc và những khúc cua liên tiếp. 

Đó là những đồi đất cao và trống, nơi giáp ranh giữa xã Cổ Linh và Hồng Thái. Cách khu vực diễn ra lễ hội hơn 1km là hàng dài ô tô, xe máy nối tiếp nhau khiến đường dẫn lên đỉnh đèo có lúc tắc nghẽn. 

Buổi lễ khai mạc được tổ chức dưới chân một ngọn đồi nhỏ, xung quanh rải rác các lán trại

Càng gần đến trung tâm nơi diễn ra hội chính hiện ra các lán trại màu sắc xanh đỏ sặc sỡ vui mắt. Hai bên đường bà con bày bán đủ thứ từ thực phẩm, nước giải khát đến nông sản, quần áo… 

Nếu thung lũng bé nhỏ vuông vắn, bằng phẳng được chọn làm sân thi đấu bóng chuyền thì sân khấu chính của lễ hội tổ chức dưới chân một ngọn đồi nhỏ, xung quanh rải rác các lán trại.

Bí thư Huyện ủy Pác Nặm Lê Văn Hội đánh trống khai mạc lễ hội

Theo Bí thư Huyện uỷ Pác Nặm Lê Văn Hội, đồng hành với chiều dài lịch sử đất nước, lớp lớp thế hệ cộng đồng các dân tộc khu vực Mù Là, xã Cổ Linh luôn phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn, cùng chung chí hướng, một lòng theo Đảng, theo cách mạng và giúp nhau cùng phát triển. 

Đây là lễ hội đặc trưng của đồng bào, đồng thời cũng giúp khơi dậy và bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần của các dân tộc thiểu số vùng cao, nhất là dân tộc Mông, Dao. 

Du khách đến với lễ hội có thể thưởng thức những điệu khèn làm đắm say lòng người

Mở đầu phần lễ, nghệ nhân Hoàng Minh Tân, trú tại bản Nghè, xã Cổ Linh đã tiến hành nghi lễ cúng cầu mùa để mong một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no. 

Các tiết mục văn nghệ dù là ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước hay những điệu múa khèn khéo léo của địa phương, màn hát páo dung đối đáp, những câu sli, câu lượn ngọt ngào và những màn múa xòe uyển chuyển… đều mang đậm bản sắc đồng bào. 

Hay gặp gỡ, chụp ảnh cùng những thiếu nữ người Mông xinh xắn, xúng xính váy áo

“Chúng tôi muốn giáo dục cho thế hệ trẻ về giá trị văn hoá tinh thần của cha ông, từ đó càng thêm yêu những phong tục tập quán độc đáo của dân tộc mình. Thông qua lễ hội cũng là dịp để tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tôn vinh và quảng bá về văn hoá lễ hội, thu hút khách du lịch thập phương đến và chia sẻ với Pác Nặm; đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc giữa các vùng miền” – ông Lê Văn Hội khẳng định.

Mù Là theo tiếng Mông nghĩa là đồi gió mát, mùa hè dù ở đâu nóng thì nơi đây vẫn mát rượi, người dân thường lên chăn bò, thả dê và là địa điểm hò hẹn lý tưởng của những đôi uyên ương. Sáng sớm đầu xuân Mù Là lạnh buốt, gió thổi vi vu nhưng không khí trong lành. Dòng người nhộn nhịp niềm hân hoan trẩy hội, cảm giác tay bắt mặt mừng khi gặp lại người quen sau một năm hò hẹn, những ánh mắt đắm đuối tìm nhau đã phần nào xua tan lạnh giá. Từ một lễ hội tự phát, do cộng đồng người Mông nơi đây tự tổ chức thì Mù Là đã chính thức trở thành hội xuân cấp huyện, được UBND huyện Pác Nặm tổ chức thường niên, kể từ tháng giêng năm 2015.

Du khách đến với Mù Là sẽ được thưởng thức những tiếng khèn đằm thắm, trữ tình; những tô thắng cố, bầu rượu ngô men lá hoà quyện với hương vị ngọt bùi của bát mèn mén – thức ăn đặc trưng của người Mông, được làm từ ngô xay nhuyễn. 

Các trò chơi dân gian truyền thống như chọi chim, chọi bò, chọi gà; thi bóng chuyền hơi, giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại… ghi dấu ấn tốt đẹp tại không gian lễ hội. 

Những sản vật của vùng cao được bày bán ở lễ hội

Đặc biệt, nét mới của lễ hội năm nay là đồi hoa tam giác mạch trồng thử nghiệm, khoảng 7000m2. “Chúng tôi đã mua hạt giống tam giác mạch ở Hà Giang về gieo, bắt đầu từ tháng 12, căn thời gian để cây nở hoa đẹp và hiện hoa đã nở được khoảng 10 ngày” – ông Đặng Văn Hữu, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Pác Nặm cho biết. 

Do gieo trái vụ và thổ nhưỡng khác nên hoa tam giác mạch ở đây cây bé và ngắn hơn so với ở xứ sở cao nguyên đá, tuy nhiên những nụ hoa hồng, trắng chúm chím bé xinh cũng đã làm rực rỡ một góc đồi và là điểm nhấn của lễ hội, thu hút nhiều du khách tham quan, chụp ảnh…

Biển người nô nức trẩy hội Mù Là
Xem các trò chơi dân gian, thi đấu bóng chuyền

 Chính quyền thôn Lủng Phặc cũng đã đặt những thùng quyên góp ở lối vào cánh đồng hoa để tuỳ tâm du khách chia sẻ, ủng hộ; số tiền thu được sẽ sung vào quỹ xây dựng thôn.

Cô Hà Thị Hoa, trú xã Lăng Can, huyện Na Hang, Tuyên Quang cho biết, năm nào cô cũng cùng họ hàng ở xã Hồng Thái về chơi hội Mù Là, vừa là để gặp gỡ, quây quần bên anh em bạn bè chúc mừng xuân mới. 

Nét mới của lễ hội năm nay là đồi hoa tam giác mạch hơn 7.000m2
Loài hoa được trồng thử nghiệm trái vụ mà lâu này chỉ thường được biết đến ở Hà Giang

Dòng người trẩy hội còn có những thiếu nữ Mông, Dao, Tày má ửng hồng, xúng xính, uyển chuyển trong những bộ váy xanh đỏ sặc sỡ hay những bà mẹ địu con nhỏ trên vai. Những câu chúc tụng thắm đượm tính nhân văn của phong tục tập quán đôi khi chẳng cần hiểu nghĩa, bởi gặp nhau đã là vui và nụ cười có thể xoá tan khoảng cách. 

“Không biết tự bao giờ nhưng từ lúc còn thanh niên tôi đã biết đến Mù Là. So với vẻ hoang sơ ngày xưa, bà con đến trao đổi mua bán thông thường thì hiện nay lễ hội đã đông vui, tấp nập với nhiều nét đổi mới. Chỉ có hồn cốt và yếu tố giao lưu, giao duyên thì vẫn không đổi” – Ông Nông Văn Đạo (78 tuổi) ở xã Công Bằng, huyện Pác Nặm cho hay.

Dòng người trẩy hội có những em bé được địu trên lưng mẹ

Là một trong những xã xa xôi và khó khăn nhất của Bắc Kạn, lại là xã biên giới, giáp ranh với tỉnh khác nên việc đảm bảo an ninh trật tự, an ninh tôn giáo dân tộc tại Cổ Linh càng quan trọng hơn bao giờ hết. Để lễ hội Mù Là được diễn ra suôn sẻ, bà con đồng bào được giao lưu gặp gỡ, mua bán, hẹn hò trong an ninh, an toàn thì lực lượng Công an huyện Pác Nặm đã xây dựng kế hoạch chi tiết bảo vệ lễ hội, phân làn giao thông chống ùn tắc. 

“Công an huyện đã huy động lực lượng tham gia cắm trại và tổ chức đảm bảo an ninh, trật tự, thường trực 24/24h tại lễ hội. Phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện tuần tra luân phiên, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; đồng thời nắm chắc tình hình, không để các đối tượng xấu lợi dụng lễ hội gây mất an ninh, trật tự” – Trung tá Thăng Quang Huy, Trưởng Công an huyện Pác Nặm chia sẻ.

Dù mới được công nhận lễ hội cấp huyện và tổ chức lần thứ 3 nhưng lễ hội tổ chức trên núi cao, mộc mạc như Mù Là thật thú vị và cuốn hút, khiến du khách không muốn rời xa. 

Lực lượng Công an phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự tại lễ hội

Bắc Kạn vừa kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh, đánh dấu bước khởi sắc mới, bởi vậy hơn ai hết đồng bào nơi đây luôn mong muốn được du khách thập phương biết đến nhiều hơn, dành nhiều tình cảm hơn. Nói như ông Đào Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND Huyện Pác Nặm, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội thì lễ hội Mù Là khép lại nhưng những tâm tưởng, ước vọng nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số thì không ngừng vươn xa...

Lễ hội Mù Là khép lại nhưng ước vọng của người dân nơi đây muốn được nâng cao đời sống vật chất, tinh thần thì không ngừng vươn xa...

Chính quyền địa phương cũng mong rằng lễ hội là địa chỉ văn hoá tin cậy để đồng bào có thể giao lưu, trao đổi phát triển kinh tế xã hội giữa các vùng miền, nơi các đôi trai gái gặp gỡ, kết duyên; là nền móng, là khởi nguồn của các mối quan hệ tốt đẹp, đồng thời là nơi hội tụ tình yêu quê hương đất nước, tình người, tình quân dân thắm thiết…

Quỳnh Vinh - Xuân Trường
.
.
.