Chương trình “Âm vang chiến công” sẽ rất hoành tráng và giàu cảm xúc
Là giọng nam trầm hàng đầu Việt Nam và Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nghệ sĩ ưu tú Quốc Hưng cũng là một trong những gương mặt được ban tổ chức các chương trình nghệ thuật truyền thống tin cậy, mời tham gia biểu diễn. Nhưng, anh đã gác lại nhiều công việc khác để tập trung cho chương trình nghệ thuật “Âm vang chiến công” của Báo CAND.
- 20h ngày 18-8: Truyền hình trực tiếp Chương trình nghệ thuật “Âm vang chiến công”
- Chương trình "Âm vang chiến công": Chia sẻ yêu thương, ấm tình đồng đội
- Tiếp tục vinh danh người chiến sĩ công an bằng âm nhạc
Đây là chương trình anh đảm nhận vai trò đạo diễn. Trao đổi với chúng tôi, nam nghệ sĩ cũng đã chia sẻ khá nhiều thông tin quanh sự kiện này.
Phóng viên: Đây là năm thứ 2 báo CAND tổ chức chương trình nghệ thuật “Âm vang chiến công” và cũng là lần thứ 2 anh làm đạo diễn của chương trình. Anh dự định mang đến cho khán giả những điều gì mới mẻ, đặc sắc hơn trong đêm nhạc này?
Nghệ sĩ ưu tú Quốc Hưng: Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt tôn vinh người chiến sĩ công an trong dịp kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống của lực lượng CAND và cũng là dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám thành công. Vì vậy, chương trình “Âm vang chiến công” sẽ phải chuyển tải được cả hai nội dung. Nội dung các tiết mục vừa tôn vinh người CAND, vừa nhắc nhớ về sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước.
Nghệ sĩ ưu tú Quốc Hưng |
Phóng viên: Anh đã có sự tính toán, sắp xếp các “kịch mục” như thế nào để vừa đảm bảo nội dung theo đúng yêu cầu, vừa hấp dẫn khán giả?
Nghệ sĩ ưu tú Quốc Hưng: Tôi chia các tiết mục thành 2 phần chính là “Ký ức một thời hoa lửa” và “Bài ca chiến thắng”. Sau tiết mục múa hát mở màn của các cháu thiếu nhi, các nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Công an nhân dân sẽ đưa khán giả trỏ lại với khí thế hừng hực của Cách mạng Tháng Tám với ca khúc “Mười chín tháng Tám”. Đây là một sáng tác của nhạc sĩ Xuân Oanh, rất nổi tiếng, nhưng không phải bạn trẻ nào hiện nay cũng thuộc nằm lòng như thế hệ chúng tôi.
Trong chương trình lần này, Đoàn Ca múa nhạc CAND tham gia đến 3 tiết mục. 2 tiết mục khác là ca khúc “Từ một ngã tư đường phố” của nhạc sĩ Phạm Tuyên và “giữ cho cuộc sống bình yên” của Mai Công Thắng. Tôi muốn mời các nghệ sĩ trong lực lượng CAND tham gia nhiều tiết mục như thế vì họ có sự chuẩn chỉ hơn, phù hợp hơn với các tiết mục về người công an, ít nhất là về mặt phục trang biểu diễn. Đoàn Ca múa nhạc CAND cũng từng là nơi tôi từng công tác gần chục năm, từng được bố trí cho ăn học, quen cách làm việc của người trong đoàn nên cũng dễ phối hợp…
Đặc biệt hơn nữa là các ca sĩ tham gia biểu diễn trong chương trình năm nay đều là những nghệ sĩ đã rất nổi tiếng của dòng nhạc truyền thống, cách mạng, thính phòng như Trọng Tấn, Tân Nhàn, Phương Thảo, Lan Anh… 2 gương mặt trẻ hơn là Tạ Quang Thắng và Sai Mai 2017 Thu Thủy sẽ mang đến sự tươi mới hơn cho chương trình.
Phóng viên: Đạo diễn liên tiếp nhiều chương trình tôn vinh người chiến sĩ công an, anh có ngại sẽ bị lặp lại chính mình?
Nghệ sĩ ưu tú Quốc Hưng: Có một thực tế là số lượng ca khúc nổi tiếng về lực lượng công an không nhiều nên đạo diễn sẽ ít có sự lựa chọn. Nhưng tôi may mắn có một thời gian tương đối dài gắn bó với lực lượng Công an nhân dân, từng biểu diễn nhiều ca khúc về lực lượng này và có mối quan hệ thân tình với nhiều nhạc sĩ. Khi làm chương trình, tôi phải rà soát lại các ca khúc.
Nếu ca khúc đã quen thuộc thì nhờ phối khí lại, dàn dựng mới hơn, đầu tư thêm phần múa công phu hơn. Nếu vẫn thiếu thì tôi tìm đến hỏi thăm các nhạc sĩ quen biết. Khi làm chương trình này, tôi đã gọi điện hỏi tất cả các nhạc sĩ trong lực lượng lẫn các nhạc sĩ nổi tiếng khác để tìm ca khúc mới. Chủ ý của tôi là nếu thấy ca khúc nào hay sẽ xin phép chọn biểu diễn trong chương trình.
Tôi cũng xác định, “Âm vang chiến công” là chương trình ca ngợi, tôn vinh người chiến sĩ công an. Xét về một mặt nào đó, đây là lực lượng mà tôi từng gắn bó, mang ơn nên cố gắng hết sức trong phạm vi có thể. Khi nhận được đề nghị tham gia dàn dựng chương trình, tôi chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau, chọn lựa lại. Vì ca khúc hay về công an không nhiều và nếu chương trình chỉ có các ca khúc về công an sẽ đơn điệu nên tôi chọn cách làm mềm mại hóa đi.
Nghệ sĩ ưu tú Quốc Hưng và các nghệ sĩ khác trong chương trình "Âm vang chiến công" năm 2017 |
Phóng viên: Cụ thể là sẽ “mềm mại” đến mức như thế nào, thưa đạo diễn?
Nghệ sĩ ưu tú Quốc Hưng: Tôi chọn các ca khúc ca ngợi quê hương đất nước. Trong tiết mục “Mười chín tháng Tám”, nghệ sĩ biểu diễn trong rất nhiều trang phục, đại diện cho nhiều lực lượng, bao gồm cả công, nông, binh. Trang phục đa dạng, có áo dài trắng tinh khôi, có áo bà ba… Các tiết mục không phải về lực lượng công an thì tôi để ca sĩ mặc quân phục của công an biểu diễn. Cách làm này đã rất thành công trong chương trình “Âm vang chiến công” năm 2017. Khi biểu diễn ca khúc về vùng Tây Bắc, tôi đã để nam nghệ sĩ múa minh họa mặc quân phục múa cùng nữ nghệ sĩ trong trang phục dân tộc. Giữa khói sương bảng lảng núi rừng Tây Bắc, hình ảnh này vô cùng lãng mạn, nên thơ. Chương trình năm nay cũng tương tự như thế.
Tôi còn chọn ca sĩ trẻ Thu Thủy để hát kết chương trình. Thu Thủy vừa giành giải cao tại cuộc thi Sao Mai 2017, là một giọng ca trẻ nhiều nội lực, có “chất” giọng riêng, phong cách riêng. Ca khúc “Việt Nam ơi” do Thu Thủy biểu diễn cùng dàn múa minh họa, sau đó là các ca sĩ trong chương trình cùng hòa ca ở phần cuối cùng này.
Cả chương trình có gần 20 ca sĩ nổi tiếng và hơn 30 diễn viên múa phụ họa. Sự xuất hiện của họ cùng lúc trên sân khấu sẽ mang đến một kết thúc viên mãn, hoành tráng, để lại nhiều ấn tượng đẹp cho người xem.
Phóng viên: Xin cảm ơn đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Quốc Hưng!