Chương trình "Âm vang chiến công": Chia sẻ yêu thương, ấm tình đồng đội

Thứ Ba, 15/08/2017, 17:55
Trong chương trình nghệ thuật chủ đề “Âm vang chiến công” do Báo Công an nhân dân chủ trì thực hiện, Ban tổ chức sẽ dành tặng 15 suất quà đặc biệt cho các cán bộ chiến sĩ, cựu cán bộ chiến sĩ khó khăn, có nhiều thành tích tiêu biểu trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc. 

Vượt qua nhiều đoạn ngoằn nghèo trong con ngõ sâu hun hút của Hà Nội dưới sự hướng dẫn của ông Nguyễn Ích Trung, Phó trưởng Ban liên lạc cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được căn nhà nhỏ của ông Trần Quang Dật, một trong số các thành viên lâu năm của Ban. Nhìn người đàn ông gầy gò, mệt nhọc nằm thở trên chiếc giường đôi trong căn phòng cấp 4 nhỏ thuộc tập thể của Bộ Công an cũ, chúng tôi không thể nghĩ ông lại chính là người còn miệt mài chạy xe máy cả ngày xuyên qua các tỉnh thành của vài năm trước để kiếm tìm tung tích đồng đội từng cùng ông vào chi viện chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là những người đã không may mắn được trở về. 

Người nhà ông cho biết, ông mới bị đột quỵ nhẹ cách đây khoảng 2 năm. Sau vài tháng chữa trị, sức khỏe tưởng chừng đã ổn định thì ông đột quỵ lần 2. Từ đó đến nay, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ cả vào con cháu. Thế nhưng, gặp chúng tôi, ông vẫn nhận ra và ngọng nghịu nhắc tên từng đồng đội trong Ban liên lạc.

Dù sức khỏe yếu, ông Trần Quang Dật vẫn nhắc rất chính xác tên của nhiều đồng đội đã cùng ông "vào sinh ra tử"

Theo lời kể của ông Nguyễn Ích Trung và các đồng đội thì ông Trần Quang Dật lên đường vào chi viện chiến trường miền Nam từ năm 1967. Thực hiện chủ trương cùng “chia lửa” với đồng bào, chiến sĩ trên chiến trường, ngày ấy, hàng vạn cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân đã lên trường vào miền Nam chiến đấu. Các đoàn chia thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng trên chục người. Khi vào đến khu vực A Sầu, A Lưới thì nhóm tiếp tục tách ra. Một số người đi tiếp về các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Một số người “cắm chốt” tại khu vực Thừa Thiên Huế. 

Sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, địch khủng bố ráo riết, nhiều người bị bắt, bị hy sinh. Số còn lại vẫn kiên cường bám trụ hoạt động. Ông Trần Quang Dật là một trong những người may mắn ấy. Năm 1975 đất nước hoàn toàn thống nhất, vì yêu cầu nhiệm vụ, ông vẫn tiếp tục ở lại địa phương công tác. Năm 1978, ông mới có điều kiện trở về miền Bắc. 

Công việc liên miên nhưng ông vẫn luôn ấp ủ ý định đi khắp Bắc, Nam để kiếm tìm lại những người đồng đội cũ. Tuy nhiên, phải đến sau năm 1995, khi đã chính thức nghỉ hưu, ý định này của ông mới bắt đầu được triển khai. Điều thuận lợi hơn là khi có Ban liên lạc cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông nhận được sự ủng hộ, chung sức của khá nhiều đồng đội cũ. Công việc này chỉ dang dở kể từ khi ông bị đột qụy.

Trong chương trình "Âm vang chiến công", Báo Công an nhân dân sẽ trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa cho cán bộ công an khó khăn, có nhiều thành tích  

Theo Ban liên lạc cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hiện tại, Ban liên lạc có khoảng hơn 300 thành viên. Phần lớn trong số này ở Hà Nội và một số địa bàn lân cận. Rất nhiều người từng vào miền Nam trong thời kỳ này vẫn đang sinh sống rải rác tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Một số hội viên có nhiều thành tích trong kháng chiến và trong cả thời bình nhưng đến nay cuộc sống rất khó khăn. Riêng tại Hà Nội còn có một trường hợp rất đặc biệt khác là gia đình ông Lã Văn Cộng. 

Ông Cộng là người gốc Gia Lâm, Hà Nội. Thực hiện chủ trương chung của đất nước, năm 1965, ông cùng nhiều đồng đội vượt Trường Sơn vào miền Nam và được phân công về công tác trong bộ phận an ninh của tỉnh Gia Lai. Cuộc sống gian khổ, bị nhiễm chất độc hóa học do địch thả xuống, năm 1971, ông buộc phải chuyển trở lại miền Bắc. Từ người thanh niên cường tráng năm nào, ngày trở về, ông chỉ còn trên 40kg. 

Được phân công công tác tại Cục Cảnh sát bảo vệ nhưng sức khỏe không đảm bảo nên năm 1988 ông về hưu sớm. Tuy nhiên, đến nay, di chứng chiến tranh để lại cho ông và gia đình rất nặng nề. 3 người con trai của ông đều không bình thường. Ông chỉ có duy nhất người con gái khỏe mạnh. Chị đã lấy chồng nhưng cũng có 1 người con chịu ảnh hưởng di chứng chất độc da cam từ ông ngoại. Vì vậy, khi biết thông tin Báo Công an nhân dân sẽ động viên, tặng quà hỗ trợ các trường hợp cán bộ chiến sĩ công an khó khăn, có nhiều thành tích trong chương trình “Âm vang chiến công” kỷ niệm 72 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân, Ban liên lạc đã đề nghị ban tổ chức hỗ trợ cho gia đình ông Cộng.

Dự kiến, trong chương trình “Âm vang chiến công”, ban tổ chức còn thăm hỏi, động viên khá nhiều cán bộ chiến sĩ, cựu cán bộ chiến sĩ công an khó khăn có thành tích tiêu biểu trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc. Ngoài 2 trường hợp nói trên, ban tổ chức sẽ động viên, hỗ trợ một số trường hợp khác cũng từng là cán bộ công an chi viện cho chiến trường miền Nam đang sinh sống tại Hà Nội và một số tỉnh phía Nam. Số trường hợp còn lại là các cán bộ chiến sĩ công an khó khăn, có nhiều thành tích, đang công tác tại nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa.

Các phần quà này là nghĩa cử thể hiện tấm lòng, tình cảm của ban tổ chức chương trình, cán bộ chiến sĩ công an nhân dân với đồng chí, đồng đội, thế hệ cha anh đi trước. Nhưng, thông qua chương trình, ban tổ chức cũng mong muốn, khán giả cả nước sẽ hiểu hơn, đồng cảm hơn, từ đó có sự phối hợp tích cực hơn với người công an nhân dân trên các mặt trận bảo vệ an ninh tổ quốc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đồng thời khơi gợi, khích lệ tinh thần đoàn kết, sẻ chia, tương thân tương ái giữa các đồng chí, đồng đội trong lực lượng Công an nhân dân.

N.Nguyễn
.
.
.