800 năm giao thoa văn hóa Việt – Hàn

Thứ Sáu, 27/05/2016, 13:54
Dự kiến, vở kịch múa lịch sử liên hợp Việt – Hàn “800 năm hẹn ước” sẽ trở lại với khán giả TP Hồ Chí Minh vào tối ngày 2-6 tại Nhà hát thành phố và khán giả Hà Nội vào tối ngày 7-6 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Tuy nhiên, đợt ra mắt này, vở diễn sẽ đậm đặc yếu tố văn hóa Việt hơn.

Dựa trên câu chuyện có thật về vị hoàng tử cuối cùng của triều Lý – hoàng tử Lý Long Tường và chuyến vượt biển lưu lạc đến bán đảo Ongjin, Triều Tiên năm 1226 lập nghiệp, rạng danh trên xứ người nhưng vẫn một lòng đau đáu về cố hương, vở kịch múa “800 năm hẹn ước” do 3 nghệ sĩ Việt Nam, Hàn Quốc và Đức đảm nhiệm gần như toàn bộ trên sân khấu: Biên đạo kiêm diễn viên múa Chun Yoo Oh, diễn viên Bùi Như Lai và nhạc sĩ, nghệ sĩ đàn piano Peter Schinler.

Kịch múa “800 năm hẹn ước” phiên bản năm 2015.

Với cách thức dàn dựng, thực hiện này, “800 năm hẹn ước” là vở diễn rất kén người xem. Không chỉ thách thức nghệ sĩ, vở diễn còn thách thức luôn cả khán giả bởi tâm lý e ngại sân khấu sẽ đơn điệu, khó níu kéo người xem đến kết thúc câu chuyện. Tuy nhiên, với người yêu kịch múa, “800 năm hẹn ước” đã vượt qua mọi nghi ngại để thành công khi ra mắt lần đầu vào năm 2015.

Sun – Goo Jung, đạo diễn của “800 năm hẹn ước” chia sẻ rằng, trong buổi công diễn đầu tiên, 3 nghệ sĩ đã đem đến sự rung động rất lớn cho khán giả. Nội dung tác phẩm là câu chuyện lịch sử, rất nặng, rất khó nhưng 3 nghệ sĩ đã tạo nên một sự hòa hợp hấp dẫn, sự thăng hoa tuyệt vời giữa niềm cô đơn, nỗi buồn và nỗi nhớ trên sân khấu.

Về mặt đề tài, “800 hẹn ước” hấp dẫn bởi vẫn ăm ắp hơi thở thời đại. Câu chuyện lưu lạc của hoàng tử Lý Long Tường, sự giao thoa văn hóa Việt – Hàn từ 800 năm trước, đến nay vẫn tiếp tục, thậm chí mạnh mẽ hơn. Đó cũng là lý do khiến ông rất muốn gặp lại hoàng tử Lý Long Tường và đưa “800 năm hẹn ước” trở lại với khán giả. Chỉ khác là, trong đợt tái diễn lần này, vở diễn được làm mới hơn, đậm đặc yếu tố văn hóa Việt Nam hơn.

Các nghệ sĩ trên sàn tập chuẩn bị cho ngày ra mắt vở diễn lần 2

Trước đây, khán giả cảm nhận âm nhạc Việt chỉ bằng qua các giai điệu của nhạc cụ phương Tây, bằng điệu múa khăn trầu… Lần này, âm nhạc Việt hiển hiện bằng chính nhạc cụ Việt Nam.

Ngoài 3 nghệ sĩ nói trên, vở diễn còn có sự tham gia của nghệ sĩ đàn bầu Lê Hoài Phương, nghệ sĩ múa ballet Trần Hoàng Yến, Sùng A Lùng, nghệ sĩ cello Như Quỳnh, Hoàng Duy. Tuy nhiên, không phải làm lại hoàn toàn âm nhạc mà chỉ có những phân đoạn nhạc Việt được chuyển tải bằng âm điệu của đàn bầu thêm thắt vào. Sân khấu sinh động hơn và có nhiều diễn viên hơn…

Nghệ sĩ Hoang Yến cũng cho biết, tham gia vở diễn lần này, Hoàng Yến và Sùng A Lùng phần lớn là múa phụ họa cho nghệ sĩ Chun Yoo Oh. Những ngày này, ê kip đang tích cực tập luyện để chuẩn bị cho ngày vở diễn ra mắt khán giả. Yến và bạn diễn vốn là nghệ sĩ ballet, nặng về múa cơ bản hơn nhưng làm việc với các nghệ sĩ lần nay, cô và đồng nghiệp có dịp cảm nhận, thẩm thấu nhiều hơn nghệ thuật múa Hàn Quốc, Việt Nam. Chính yếu tố văn hóa phương Đông góp phần tạo sự mềm mại hơn cho ballet mà vẫn vô cùng tinh tế trên sân khấu “800 năm hẹn ước”.

N.Nguyễn
.
.
.