Cuộc khủng hoảng Venezuela và sự thách thức giới hạn đỏ của Mỹ

Thứ Sáu, 04/10/2019, 10:15
Hôm 11-9, Mỹ và các nước đồng minh Mỹ Latin đã kích hoạt lại hiệp ước phòng thủ chung khu vực, nhằm ủng hộ Colombia trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Venezuela. Liệu Mỹ có sẵn sàng vượt qua “giới hạn đỏ” của mình trong vấn đề này?

Nguồn cơn lịch sử

Colombia và Venezuela từng là hai tỉnh dưới thời thực dân Tây Ban Nha vào thế kỷ 16. Sau khi giành độc lập dưới sự lãnh đạo của Simon Bolivar, vùng đất này trở thành một quốc gia với tên gọi là Đại Colombia. Đến năm 1830, Venezuela ly khai thành lập một quốc gia riêng, còn Colombia thì mất rất nhiều nỗ lực nữa mới chính thức ra đời năm 1886. Mặc dù là những láng giềng trong khu vực, từng là anh em trong quá khứ nhưng mối quan hệ giữa hai nước chưa bao giờ trở nên dễ dàng.

Đều từng bị cai trị bởi những chính quyền độc tài thân Mỹ như các quốc gia khác tại Mỹ Latin nhưng trong khi bằng nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ của mình, Venezuela vượt lên và tách ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ thì cho đến giờ Colombia vẫn chỉ được biết tới là mảnh đất của tội phạm và ma túy.

Mối quan hệ giữa Colombia và Venezuela đã xói mòn nhanh chóng sau khi người tiền nhiệm của ông Maduro - cố Tổng thống Hugo Chavez - bắt đầu cuộc “Cách mạng Bolivar” vào năm 2002.

Cuộc khủng hoảng trên chính trường Venezuela với 2 vị tổng thống.

Colombia thường xuyên cáo buộc Venezuela cung cấp nơi ẩn náu cho các phần tử nổi dậy là Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), trong khi Caracas cho rằng Bogota, với sự hậu thuẫn của Washington, luôn có những hoạt động gây tổn hại tới chính quyền cách mạng của Venezuela.

Tháng 7-2010, mối quan hệ giữa hai nước láng giềng lần đầu tiên bị đóng băng, khi cố Tổng thống Hugo Chavez tuyên bố tình trạng chiến tranh và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia. Tình hình sau đó dịu xuống với những nỗ lực hòa giải của Tổng thống Colombia Santos.

Tuy nhiên, quan hệ song phương lại xấu đi kể từ khi ông Maduro lên nắm quyền năm 2013 và cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra ở Venezuela. Tình trạng lạm phát phi mã, khan hiếm nhu yếu phẩm cùng tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt suốt những năm qua đã khiến khoảng 2 triệu người Venezuela rời bỏ đất nước, trong đó nhiều người đã tràn qua biên giới Colombia để xin tị nạn.

Ngày 1-8-2018, bất chấp cuộc bầu cử vừa mới kết thúc thắng lợi của ông Maduro ở Venezuela, Tổng thống Colombia Santos đã có những phát biểu chỉ trích chính quyền Maduro "nhắm mắt làm ngơ" trước cuộc khủng hoảng của đất nước, đồng thời dự đoán rằng thời gian nắm giữ quyền lực của Maduro "chỉ còn tính bằng ngày". Đúng lúc đó, cuộc ám sát hụt ông Maduro diễn ra ngay trong buổi lễ kỷ niệm thành lập quân đội ngày 4-8 đã khiến chính quyền Colombia trở thành nghi can lớn nhất.

Cuộc khủng hoảng Venezuela leo lên nấc thang mới vào hồi đầu năm nay, khi lãnh đạo đối lập Joan Guaido tự phong mình là tổng thống vào ngày 23-1. Colombia là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ chính quyền mới này và đến ngày 23-2, Tổng thống Maduro tuyên bố cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Colombia, đồng thời yêu cầu tất cả nhân viên ngoại giao Colombia phải rời khỏi Venezuela trong vòng 24 giờ.

Hôm 11-9 vừa qua, sau rất nhiều động thái căng thẳng, Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela thông báo về việc ông sẽ điều động 150.000 quân tới biên giới Colombia để đề phòng một cuộc xâm lược "có thể xảy ra". Ngay lập tức, Mỹ tuyên bố kích hoạt Hiệp ước Hỗ trợ đối ứng Liên Mỹ (TIAR).

Sân chơi của nước Mỹ

Dĩ nhiên, không phải đến bây giờ Mỹ mới can thiệp vào mối quan hệ giữa hai nước anh em trong khu vực này. Kể từ ngày lên nắm quyền ở Venezuela, ông Hugo Chavez đã luôn là cái gai trong mắt người Mỹ, khi thách thức vị thế của Mỹ ở sân sau của mình. Không thể nào đơn phương tấn công lật đổ một vị tổng thống được dân bầu cử hợp pháp, chính quyền ở Washington luôn tìm cách bao vây cô lập và phá hoại từ bên ngoài, trong đó tiện nhất là thông qua “cánh cửa” Colombia, nơi tiềm ẩn rất nhiều rắc rối liên quan đến các hoạt động ly khai, tội phạm và ma túy, cũng đồng thời là quốc gia bị phụ thuộc vào Mỹ lớn nhất trong khu vực.

Nước Mỹ luôn đứng đằng sau những vấn đề xảy ra ở Venezuela.

Cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội ở Venezuela dưới thời Maduro dĩ nhiên mang đến cơ hội đánh bại chính quyền cánh tả này cho Mỹ và họ phải chớp lấy thời cơ. Ngay khi tổng thống tự phong Joan Guaido lên tiếng, Mỹ đã kéo theo hơn 40 quốc gia đồng minh nhảy vào ủng hộ chính quyền này và nhiều lúc đã tuyên bố thẳng thừng là muốn loại bỏ chính quyền của ông Maduro bằng vũ lực.

Tuy nhiên, nói thì dễ, Mỹ cũng không thể ngang nhiên can thiệp quân sự vào Venezuela. Vì thế, đồng thời với sự ủng hộ về mặt chính trị, ngoại giao cũng như kinh tế cho Guaido, Mỹ cũng kéo các nước đồng minh trong khu vực vào cuộc, hòng tạo sức ép toàn diện lên chính quyền Maduro.

Dưới sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia bạn bè khác, cho đến giờ chính quyền của Tổng thống Maduro vẫn đứng vững, dần ổn định lại được tình hình trong nước. Tổng thống Maduro hồi tháng trước còn tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Mỹ để tìm ra một giải pháp toàn diện cho vấn đề hiện tại.

Nếu sự việc ở Venezuela cứ đi theo chiều hướng lắng dịu dần như vậy thì những nỗ lực trong gần một năm qua của Mỹ sẽ đổ xuống sông xuống bể. Ngay lúc đó, quyết định điều quân đội của Maduro đến biên giới với Colombia như đốm lửa mồi, để Washington có cớ thổi bùng lại ngọn lửa căng thẳng trong khu vực.

Lằn ranh đỏ của nước Mỹ?

Khó có khả năng Venezuela là nước sẽ gây chiến trước. Bị bao vây bởi Mỹ và các đồng minh xung quanh, Venezuela biết rõ hậu họa sẽ thế nào nếu đẩy tình hình lên nấc thang mới. Động thái điều quân đội đến biên giới của Maduro nhằm 2 mục đích khác. Thứ nhất là đảm bảo ổn định lại tình hình biên giới với Colombia, nơi dòng người tị nạn vẫn đang tập trung đông đúc. Thứ hai là hành động tăng cường an ninh sau khi mới đây Ivan Marquez - cựu chỉ huy cấp cao của FARC - bất ngờ tuyên bố "cầm vũ khí trở lại".

Nhưng, phản ứng mau lẹ của Mỹ rõ ràng cho thấy họ đã sẵn sàng để tận dụng cơ hội chỉ vừa vụt hiện này.

Hiệp ước TIAR của Tổ chức châu Mỹ (OAS) với sự tham gia của Mỹ và 10 nước khác, gồm Argentina, Brazil, Chile, Colombia, El Salvador, Guatemala, Haiti, Honduras, Paraguay và Cộng hòa Dominica là biện pháp phòng vệ tập thể được Mỹ thiết lập nhằm chống lại những mối đe dọa an ninh trong khu vực sân sau của mình. Hiệp ước cam kết các nước Tây bán cầu sẽ đáp trả hành động tấn công quân sự đối với bất kỳ một quốc gia thành viên nào trong nhóm.

Tổng thống tự phong Venezuela Juan Guaido đã yêu cầu OAS kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung này từ lâu nhưng Mỹ cũng phải đợi cơ hội này mới lên tiếng. Bởi, với quyết định kích hoạt TIAR, có thể nói Mỹ đã đặt khu vực biên giới Colombia và Venezuela vào tình trạng chiến tranh.

Nhưng cũng như Venezuela, khả năng Mỹ và đồng minh tấn công phủ đầu cũng không cao. Dù sao, Venezuela vẫn là một nhà nước có chủ quyền. Nếu ngang nhiên tấn công trước, sự ủng hộ dành cho Mỹ sẽ suy giảm. Hơn thế, sau lưng Maduro vẫn có sự hậu thuẫn của Nga và Trung Quốc, những thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Thêm vào đó, tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến mới khó lường. Những vấn đề ở Biển Đông, việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt là lò lửa Trung Đông mới bùng trở lại sẽ khiến Mỹ rất khó đưa ra một quyết định liều lĩnh. Hành động kích hoạt TIAR có thể đẩy tình hình trong khu vực thêm căng thẳng nhưng nó không có nghĩa là chiến tranh.

Đó là một hành động mang tính biểu tượng, một lằn ranh đỏ của Mỹ vạch ra để “nhắc nhở” Maduro về những vấn đề trong mối quan hệ với Colombia. Một lằn ranh mà chính nước Mỹ cũng sẽ phải rất cân nhắc nếu muốn bước qua.

Tử Uyên
.
.
.