Công an Đồng Tháp truy quét tội phạm "tín dụng đen"

Thứ Hai, 17/12/2018, 07:04
Công an tỉnh Đồng Tháp là địa phương đầu tiên ở Tây Nam bộ chủ động mở đợt cao điểm, đồng loạt ra quân đấu tranh trấn áp tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". 


Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đồng Tháp biểu dương, đánh giá cao Công an Đồng Tháp đã chủ động xoá loại tội phạm nguy hiểm này. "Từ khi tổng kết đợt cao điểm đến nay, hoạt động cho vay lãi nặng theo kiểu tín dụng đen trên địa bàn được đẩy lùi. Các đối tượng không còn hoạt động công khai, không dám thu lãi nặng mà co cụm lại, chủ yếu thu hồi nợ gốc và rời khỏi địa bàn", Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Năm 2018, hoạt động cho vay lãi nặng tại các tỉnh, thành Tây Nam bộ nở rộ. Nhiều nhóm đối tượng từ các tỉnh, thành phía Bắc, miền Trung tìm đến miền Tây cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ mang tính chất "xã hội đen". 

Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo xử lý hoạt động liên quan đến "tín dụng đen".

Hoạt động của các băng nhóm cho vay khá tinh vi, đưa ra những lời quảng cáo như: thủ tục nhanh gọn, có tiền ngay trong vài giờ, không cần thế chấp tài sản… Chúng còn chi "hoa hồng" cho người giới thiệu, từ đó không ít người nghèo, người gặp khó khăn về tài chính "sập bẫy". 

Tại Đồng Tháp, các nhóm cho vay nặng lãi "tín dụng đen" đã gây ra 15 vụ đòi nợ mang tính chất bạo lực như: tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà người vay nợ, đánh nhau gây thương tích. Tháng 5-2018, Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn chỉ đạo mở cao điểm đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". 

Công an Đồng Tháp đưa vào diện quản lý 59 nhóm với 366 đối tượng có biểu hiện liên quan đến các hoạt động "tín dụng đen", đòi nợ thuê, bảo kê. Trong đó có 32 nhóm với 215 đối tượng đến từ các tỉnh, thành phía Bắc, hoạt động cho vay và 10 công ty các chi nhánh có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen". Công an Đồng Tháp đã kiểm tra đối với 156 cơ sở cho thuê lưu trú, 59 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ…

Công an Đồng Tháp đã, tuyên truyền đến từng hộ gia đình về phương thức, thủ đoạn, hoạt động, hậu quả và tác hại của "tín dụng đen". Có 450 lượt tổ chức tuyên truyền, với gần 30.000 người tham gia và 12 đợt tuyên truyền bằng loa di động ở khu vực chợ, khu dân cư. 

Chuyên mục Vì An ninh Tổ quốc thường xuyên phát phóng sự, tin bài phản ánh hệ luỵ của "tín dụng đen", xây dựng chương trình đồng hành cùng người dân "Cảnh giác với quảng cáo cho vay không lãi suất", phát trên Truyền hình Đồng Tháp. 

Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Đài Truyền hình Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và kênh ANTV xây dựng, phát sóng gần 10 phóng sự tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.

"Qua công tác tuyên truyền, cơ quan Công an nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao từ người dân. Các cơ sở cho thuê lưu trú, kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ cũng cam kết không cho các nhóm đối tượng có dấu hiệu hoạt động cho vay nặng lãi thuê. Có hộ đang cho thuê, phát hiệu nhóm người này có dấu hiệu hoạt động cho vay lãi nặng đã chủ động chấm dứt hợp đồng, lấy lại nhà trước thời hạn", 

Đại tá Dương Anh Kiệt, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho biết. Nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao và tích cực phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động này.

Kết quả trong hai tháng cao điểm, Công an tỉnh Đồng Tháp đã triệt xoá 80 vụ, bắt 166 đối tượng liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Trong đó, có 21 vụ, 48 đối tượng hoạt động cho vay, đòi nợ thuê và 44 vụ, 84 đối tượng phát tờ rơi. Còn lại các hành vi, gây rối trật tự, xâm hại sức khoẻ người khác, cưỡng đoạt tài sản, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép, bắt giữ người trái pháp luật.

Cơ quan Công an thu giữ hơn 25.000 tờ rơi, quảng cáo, 698 hợp đồng cho vay, khởi tố 4 đối tượng có hành vi cố ý gây thương tích, xảy ra tại huyện Lai Vung. Xử phạt hành chính 59 vụ, 99 đối tượng và đang củng cố hồ sơ, xử lý 19 vụ, liên quan đến 50 đối tượng. 

Sau đợt cao điểm, các nhóm hoạt động cho vay đã co cụm, chủ yếu đi thu lại tiền gốc đã cho vay. Có 3 nhóm cho vay đã rời khỏi Đồng Tháp, 11 nhóm tạm ngưng hoạt động…

Công an tỉnh Đồng Tháp thu hồi nhiều sổ sách, hợp đồng cho vay. Đa phần, các hợp đồng vay là góp ngày, với lãi suất 20%/tháng trở lên và hợp đồng chỉ thực hiện tối đa một tháng. Điều đó cho thấy, tuy số tiền các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" không lớn, nhưng lãi suất thu lợi của các nhóm cho vay là rất cao. Điển hình, nhóm cho vay bị bắt giữ khi thuê nhà lưu trú tại TP Sa Đéc. 

Qua điều tra, nhóm này cho vay 725 lần, với số tiền gần 2,9 tỷ đồng tại các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre… Với phương thức góp ngày, lãi suất 20%/tháng thì tổng lãi nhẩm tính là gần nửa tỷ đồng/tháng. 

"Nếu không ngăn chặn từ đầu các hành vi này, rất dễ phát sinh hình thành, tội phạm băng nhóm, gây phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Đặc biệt, các đối tượng có tiền sự, tiền án hoặc nghiện ma tuý tham gia vào các nhóm cho vay, đòi nợ, siết nợ… Vì vậy, trong đợt cao điểm, Công an Đồng Tháp lên danh sách, gọi hỏi, răn đe các đối tượng tham gia băng nhóm cho vay, kiềm chế hoạt động và kiên quyết xử lý đối tượng nghiện ma tuý trong các nhóm cho vay, đưa vào cơ sở cai nghiện", Đại tá Dương Anh Kiệt cho biết.

Danh thiếp quảng cáo cho vay tiền.

Đơn vị đầu tiên tại Đồng Tháp đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này là Công an TP Sa Đéc. Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Trang, Phó đội trưởng Đội tổng hợp Công an TP Sa Đéc cho biết, toàn thành phố có 375 camera lắp đặt trên các tuyến phố trung tâm, nơi công động, khu dân cư, khu công nghiệp, các địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự. 

Qua hệ thống camera đã phát hiện 13 vụ, xử lý 28 đối tượng có hành vi treo, dán quảng cáo trên cột điện và phát tờ rơi cho vay tiền, tịch thu 1.340 tờ quảng cáo. Điển hình, khoảng 7h sáng 4/4/2018, qua tin báo và hệ thống camera an ninh, Công an TP Sa Đéc phối hợp với Công an xã Tân Quy Tây bắt quả tang 3 đối tượng đang phát tờ rơi quảng cáo trái phép với nội dung cho vay tiền góp. Lực lượng chức năng thu giữ trên 500 tờ rơi với nội dung quảng cáo cho vay tiền. 

Công an TP Sa Đéc ra quân, đồng loạt tẩy xóa, tháo gỡ các mẫu băng rôn quảng cáo, tờ rơi trên tất cả các tuyến đường, điểm công cộng, khu dân cư với nội dung cho vay tiền góp. Hơn 3.000 tờ quảng cáo dạng này trên địa bàn TP Sa Đéc được tháo gỡ và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực từ người dân.

Qua tổng kết đợt cao điểm, việc kịp thời xử lý các đối tượng phát tờ rơi, quảng cáo cho vay nặng lãi được đánh giá là một trong những biện pháp hành chính khá hiệu quả, chặn đứng nguồn khách hàng của các nhóm cho vay nặng lãi. Điều này thể hiện sự quyết tâm cao của Công an Đồng Tháp đã kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này không để chúng bành trướng, "vươn vòi" ra nhiều nơi. 

Sau hiệu quả của Công an TP Sa Đéc, Công an TP Cao Lãnh, thị xã Hồng Ngự, huyện Châu Thành, Cao Lãnh, Lấp Vò… cũng đồng loạt xử lý hàng chục trường hợp phát tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền. Hình thức xử lý hành chính các đối tượng phát tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền lan rộng ra các tỉnh, thành Tây Nam bộ. 

"Quan điểm của Công an Đồng Tháp là kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" từ thấp đến cao. Đẩy đuổi, xử lý hành chính, hình sự, không để chúng có điều kiện hoạt động trên địa bàn và vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật hành chính, hình sự vào đấu tranh, triệt xóa, góp phần tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế và đời sống người dân", Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn nhấn mạnh.

Camera an ninh hỗ trợ tích cực, phát hiện xử lý đối tượng phát tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền ở Đồng Tháp.

Trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, Công an Đồng Tháp vẫn sẽ tập trung giải quyết vấn nạn "tín dụng đen", tiếp tục kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, thực hiện tốt công tác quản lý cư trú, tạm trú để nắm chặt hoạt động của số đối tượng có biểu hiện cho vay, kịp thời phát hiện và xử lý số đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". 

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến "tín dụng đen", phối hợp với Viện KSND và TAND trong điều tra, truy tố và đưa xét xử lưu động đối với những đối tượng phạm tội liên quan đến "tín dụng đen" để răn đe, phòng ngừa chung. 

Công an Đồng Tháp cũng kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Quản lý chặt việc cấp phép cho các công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh liên quan đến tài chính, tín dụng để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

Văn Vĩnh
.
.
.