“Vòng xoáy” mới trong quan hệ Nga – Mỹ

Thứ Sáu, 10/08/2018, 07:49
Hôm 8-8 (giờ địa phương), Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga sau khi đưa ra kết luận Moscow đã sử dụng một loại chất độc thần kinh nhằm ám sát hai cha con cựu điệp viên Sergei Skripal tại Salisbury, Anh hồi tháng 3-2018. Động thái này của Washington được cho là có thể sẽ dẫn đến những động thái trả đũa từ phía Moscow.

Trong tuyên bố ngày 9-8, Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã lên án các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow mà Mỹ mới công bố, nêu rõ rằng, đến nay Washington vẫn không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào về vai trò của Nga trong vụ đầu độc tại Salisbury, bởi những thông tin liên quan tới vụ việc đều bị giấu kín. Theo cơ quan này, Nga đã khẳng định với Bộ Ngoại giao Mỹ rằng, Moscow luôn ủng hộ một cuộc điều tra minh bạch và cởi mở về vụ việc, đồng thời chỉ trích biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga là quá “khắc nghiệt”.

Đại sứ quán Nga cũng cáo buộc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt vô căn cứ theo phản ứng “dây chuyền” và cho rằng, Washington đã từ chối đối thoại. Trong khi đó, ông Dmitry Polyankiy, Phó đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) cũng chỉ trích động thái của Mỹ.

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cũng bày tỏ: “Chúng tôi hi vọng phía Mỹ giải thích hợp lý về trường hợp vụ việc tại Salisbury. Chúng tôi hi vọng vụ việc sẽ không gây ra thêm những rắc rối chính trị giữa hai nước”.

Trước đó, trong tuyên bố ngày 8-8, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ, sau vụ việc chất độc thần kinh Novichok đã được sử dụng để ám sát cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái, vào ngày 6-8, Mỹ quyết định dựa theo đạo luật kiểm soát vũ khí hóa sinh và loại bỏ chiến tranh năm 1991 (CBW Act) để cáo buộc việc chính phủ Liên bang Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế thông qua hành vi sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học; hoặc đã sử dụng hóa chất hoặc vũ khí sinh học để chống lại các công dân nước mình. Dự kiến, những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga sẽ có hiệu lực từ ngày 22-8 tới.

Trong khi đó, hãng tin NBC dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết những biện pháp trừng phạt sẽ được thực thi thành 2 đợt, với tác động lớn nhất từ các lệnh trừng phạt ban đầu, trong đó có việc cấm cấp giấy phép xuất khẩu các hàng hóa an ninh quốc gia nhạy cảm sang Nga.

Trong quá khứ, những hoạt động xuất khẩu như vậy được cho là bao gồm cả những thiết bị và các bộ phận điện tử, cũng như các thiết bị thử nghiệm và kiểm định máy dành cho ngành hàng không. Những mặt hàng xuất khẩu nói trên trước đây vẫn được xuất khẩu sang Nga trên cơ sở phê duyệt từng trường hợp. Còn vòng trừng phạt thứ hai sẽ có thể được tiến hành trong vòng 90 ngày tới nếu Nga không “đưa ra được những bằng chứng đáng tin” rằng, Moscow sẽ không sử dụng các loại vũ khí hóa học trong tương lai và chịu sự giám sát của Liên hợp quốc (LHQ).

Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga tại cuộc gặp Thượng đỉnh hôm 16-7. Ảnh: Getty Images.

Cụ thể, Mỹ sẽ cho áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn như hạ thấp các mối quan hệ ngoại giao với Nga hoặc cấm các hãng hàng không của Nga thực hiện các chuyến bay tới Mỹ, cũng như cho đóng băng gần như toàn bộ hoạt động xuất, nhập khẩu giữa hai nước.

Tuy nhiên, một quan chức ngoại giao giấu tên của Mỹ cho biết, Washington bãi bỏ một số biện pháp trừng phạt liên quan đến các hoạt động bay vào vũ trụ bởi có những hoạt động bay liên quan đến Mỹ và Washington phải dựa vào các hoạt động đó trong một số trường hợp.

Giới chuyên gia cho rằng, nếu những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga liên quan đến vụ cựu điệp viên Skripal được triển khai thì rất có thể phía Nga sẽ có những động thái tương tự đáp trả. Điều này sẽ khiến cho quan hệ giữa Nga và Mỹ tiếp tục thêm sóng gió, đồng thời gây cản trở cho nỗ lực cải thiện quan hệ song phương của hai vị Tổng thống Nga – Mỹ cũng như đi ngược lại tinh thần của cuộc gặp Thượng đỉnh Nga – Mỹ hôm 16-7 tại Helsinki, Phần Lan vừa qua.

Cuộc gặp này lúc đầu được đánh giá là khó tạo ra đột phá. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh diễn biến khác với dự đoán. Có thể nói rằng cuộc gặp Thượng đỉnh vừa rồi không có đột phá nhưng đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ - Nga, từ đối kháng không đối thoại đến đối kháng - đối thoại. Do đó, khi Mỹ và Nga đã bớt căng thẳng, bắt đầu đối thoại sau cuộc gặp, điều này sẽ có tác động rất tích cực đối với thế giới.

Tuy nhiên, những gì mà chính quyền tại Washington đang làm có thể khiến mọi việc “xôi hỏng bỏng không”.

Khổng Hà
.
.
.