Vì sao EU quyết tâm “giữ chân” Anh?

Chủ Nhật, 21/02/2016, 08:50
Sau tiến trình đàm phán kéo dài, với “cơ hội cuối cùng” là Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 18 và 19-2 tại Brussels (Bỉ), tất cả 28 nhà lãnh đạo các nước thành viên EU đã thông qua thỏa thuận cải cách “ngôi nhà” châu Âu nhằm giữ chân Anh ở lại trong khối. Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, thỏa thuận mới đạt được là công bằng, qua đó cho phép người đồng cấp Anh David Cameron triển khai các biện pháp nhằm giữ nước này ở lại “mái nhà” chung châu Âu.


Chiến thắng của Thủ tướng Anh

Phát biểu sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Anh Cameron khẳng định thỏa thuận cải cách ngôi nhà châu Âu sẽ trao cho Anh quy chế đặc biệt trong EU và ông sẽ đưa văn kiện này ra cuộc họp Nội các trong ngày 20-2. Thủ tướng Cameron đồng thời cho biết, thỏa thuận vừa đạt được là một phần những điều mà ông cam kết với cử tri Anh khi ông vận động tranh cử nhiệm kỳ 2.

Thủ tướng Anh phát biểu trước báo giới tại Brussels, Bỉ hôm 19-2. Ảnh: Reuters.

Theo ông, gói cải cách tổng thể sẽ mang đến cho Anh những điều tốt đẹp nhất, đảm bảo cách tiếp cận công bằng thị trường chung và Anh cũng không bị ràng buộc bởi sứ mệnh liên minh chặt chẽ hơn. Ông Cameron cũng nói ông từ lâu vẫn ủng hộ tư cách thành viên EU chừng nào mà liên minh này cải cách, đồng thời khẳng định sẽ vận động với cả “trái tim và tinh thần” để Anh ở lại EU: “Trong một thế giới bất ổn, liệu có phải là lúc thêm nhiều rủi ro mới đối với đất nước cũng như an ninh kinh tế của chúng ta không? Tôi tin là điều đó không đúng đối với nước Anh. Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và tốt hơn bên trong một EU được cải cách. Và đó là lý do tôi sẽ vận động bằng hết tâm trí của mình nhằm thuyết phục người dân Anh tiếp tục ở lại mái nhà chung châu Âu”.

Thỏa thuận mà Thủ tướng xứ sở sương mù mới đạt được sau các cuộc thương lượng với các nhà lãnh đạo EU đề cập hầu hết các yêu cầu cải cách mà London đặt ra trước đó, bao gồm vấn đề nhập cư, bảo vệ khu Tài chính London cũng như “miễn trừ” cho Anh bổn phận thực hiện cam kết về “một liên minh luôn gắn kết hơn” (từng được nêu trong Hiệp ước Roma).

Về phía EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh, đây là thỏa thuận quan trọng và có lợi cho cả hai bên: “Tôi tin là nước Anh cần châu Âu và châu Âu cũng cần nước Anh. Phá vỡ mối liên kết này sẽ là đi ngược lại hoàn toàn với lợi ích của các bên. Chúng tôi đã làm tất cả để điều đó không xảy ra, nhưng quyết định cuối cùng nằm trong tay của người dân Anh”.

Trước đó, ngay khi tới Brussels, Thủ tướng Cameron đã tuyên bố sẽ “chiến đấu vì nước Anh. Nếu có một thỏa thuận tốt, tôi sẽ chấp nhận, và từ chối nếu thỏa thuận đó không đáp ứng được đòi hỏi của người dân Anh”. Tuyên bố này gói gọn tinh thần của các động thái dền dứ giữa Anh và EU trong suốt thời gian qua. Theo các chuyên gia phân tích, trên bề nổi, ông Cameron muốn khẳng định khả năng đàm phán một cách cứng rắn với các quan chức Brussels.

Sâu xa hơn, ông Cameron muốn tăng cường vị thế của Anh trong EU và chứng minh, EU cần Anh hơn là ngược lại. Mục tiêu cuối cùng là gửi thông điệp rằng ông đã có những biện pháp mạnh hơn với EU, song vẫn cố gắng thuyết phục các đảng phái cũng như người dân rằng, Anh nên ở lại EU bởi điều này đem lại lợi ích quốc gia. Phương cách của ông Cameron có thể phát huy tác dụng vào thời điểm này - thời điểm không thể tồi tệ hơn cho EU, khi liên minh này chưa hết tổn thương vì nguy cơ hiệp ước quy định đi lại tự do Schengen tan rã do cuộc khủng hoảng di cư, biểu tượng của sự đoàn kết và hợp tác khối.

Anh nên ra đi hay ở lại EU?

Theo nhà xã hội học nổi tiếng của nước Anh, Nam tước Anthony Giddens thuộc Công đảng Anh, nước Anh cần ở lại EU bởi, trước tiên, Anh là một nước châu Âu theo vị trí địa lý của nó. Hơn nữa, chỉ có một dự án tập thể mới có thể giúp chúng ta đối mặt được với giai đoạn hết sức khó lường này của lịch sử thế giới: sự hỗn loạn ở Trung Đông, sự suy giảm của nền kinh tế thế giới, việc ngừng tăng trưởng của nhóm nước BRICS…

Nam tướng Giddens khẳng định còn niềm tin vào EU, cho dù thể chế này đang phải đối mặt với các vấn đề mang tính cơ cấu nghiêm trọng nhất kể từ khi ra đời. EU là một nền kinh tế lớn nhất thế giới, nó đã mang lại một nền hòa bình lịch sử và nó còn có rất nhiều tiềm năng. Để bảo vệ những thành quả này, ông Giddens cho rằng cần phải có một sự phối hợp khá hơn. Để cứu Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cần phải hội nhập nhiều hơn trong lĩnh vực thuế, chia sẻ rủi ro giữa các thành viên EU và các cơ chế mang tính cơ cấu khác cần thiết cho sự vận hành của Eurozone.

Nhà xã hội học này cũng nhấn mạnh rằng, việc xảy ra kịch bản Brexit (khả năng Anh ra khỏi EU) sẽ là một tổn thất nghiêm trọng cho EU vào thời điểm mà liên minh này trải qua một loạt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng: khủng hoảng đồng euro, khủng hoảng người tị nạn, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy… Nếu Anh ra khỏi EU, một thời kỳ bất ổn chắc chắn sẽ mở ra và cần phải có thời gian để xác định lại mối quan hệ giữa Anh với các nước thành viên EU, và Anh sẽ là trường hợp đầu tiên ra khỏi EU.

Trong khi đó, nhà trí thức theo đường lối cực tả Tariq Ali lại tuyên bố sẽ bỏ phiếu phản đối việc Anh ở lại EU vì ông cho rằng, EU là một thể chế phi dân chủ - với một Nghị viện có những quyền hạn rất hạn chế, và tất cả các quyết định đều được đưa ra bởi hội đồng các bộ trưởng – và một bộ máy quan liêu theo thuyết tự do mới. Thể chế đó nuôi dưỡng cảm giác bất mãn của các công dân châu Âu đối với giới tinh hoa chính trị, thúc đẩy phong trào cực hữu ở châu Âu. EU cần một cú sốc để thay đổi. Và không gì hơn là kịch bản Brexit.

Ông Ali bày tỏ mong muốn cánh tả sẽ lao vào thực hiện một chiến dịch vì châu Âu, nhưng phản đối EU, để chỉ ra rằng, “chúng tôi chỉ trích EU vì những lý do không liên quan tới thuyết Sô vanh của cánh hữu, và cực hữu Anh có tư tưởng chống EU”. Nhà trí thức này cũng chỉ ra rằng, nếu Anh ra khỏi EU, Xứ sở sương mù sẽ áp dụng mô hình Norway trong quan hệ với EU.

Liên quan tới lĩnh vực thương mại, sẽ không có sự thay đổi nhiều: Anh sẽ tiếp tục hợp tác với EU, sẽ ký các thỏa thuận thương mại cụ thể với nhiều quy định phải tuân thủ của EU. Trung tâm tài chính London sẽ chiếm vị trí trung tâm trong nền tài chính châu Âu. Anh vẫn sẽ là thành viên NATO như Norway. Tuy nhiên, ông Ali không tin rằng việc ra khỏi EU sẽ làm cho Anh trở nên tốt hơn. Điều đó chỉ dẫn Anh tới việc được nhìn nhận theo đúng bản chất của nó: một hòn đảo ở Bắc Âu tham gia sân chơi của các nước lớn chỉ vì liên kết với Mỹ. Nhưng nếu Anh ở lại, sẽ không có gì thay đổi.

Khổng Hà
.
.
.