Vì sao Bình Nhưỡng lại “bơ” đề nghị đàm phán của Seoul

Thứ Hai, 24/07/2017, 22:51

Trong bối cảnh đề nghị của phía Hàn Quốc về việc nối lại đàm phán liên Triều bị CHDCND Triều Tiên phớt lờ, giới chuyên gia chính trị thế giới đã đưa ra những phân tích về nguyên nhân sâu xa của động thái này. 


Hôm 17-7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề nghị đối thoại với chính quyền CHDCND Triều Tiên tại làng đình chiến Panmunjom nằm ở biên giới giữa 2 nước vào ngày 21-7.

Dù chính phủ Bình Nhưỡng đến nay vẫn không hề đưa ra bất cứ một phản hồi chính thức nào, nhưng 4 ngày sau khi Hàn Quốc đưa ra đề nghị, hôm 20-7, tờ Rodong Sinmun – cơ quan ngôn luận của đảng Lao động CHDCND Triều Tiên nêu rõ, nếu Hàn Quốc không chịu từ bỏ chính sách đối đầu và thù địch, thì việc nối lại đàm phán sẽ chỉ là mong muốn “viển vông”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA. 

Phớt lờ đề nghị phía Hàn Quốc

Tiến sĩ Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện nghiên cứu Lowy, cho rằng lý do Bình Nhưỡng “bơ” đề nghị của Seoul là vì hiện nay nền kinh tế của CHDCND Triều Tiên đã vững vàng hơn trước và họ không phải dựa quá nhiều vào viện trợ nhân đạo từ Seoul như dưới thời của cố lãnh đạo Kim Jong-il.

Ông cũng nhấn mạnh, Chính quyền Bình Nhưỡng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un sẽ không ngồi vào bàn đàm phán cho tới khi chương trình hạt nhân của quốc gia này được hoàn thiện.

Ngoài ra, chuyên gia phân tích chính trị châu Á tại Mỹ Sean King cho hay, với tiềm lực hạt nhân như hiện tại, Bình Nhưỡng chỉ muốn đối thoại trực tiếp với Washington.

Thứ nhất là vì Washington là đồng minh bảo vệ Seoul. Thứ hai là do Hàn Quốc không tham gia vào việc ký kết Hiệp định Đình chiến năm 1953. 

Người trực tiếp ký vào Hiệp định Đình chiến là ông William Harrison, một vị Tướng người Mỹ, Tư lệnh của Bộ Chỉ huy quân đội Liên Hợp quốc lúc bấy giờ.

Hàn Quốc sốt sắng muốn nối lại đàm phán

Trước đó, giới chuyên gia cũng đã giải thích một số lý do vì sao Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in lại sốt sắng muốn đàm phán với CHDCND Triều Tiên.

Có thể nói, Bình Nhưỡng đã “quen” với việc ứng phó với các biện pháp trừng phạt, gây sức ép về kinh tế trong nhiều năm qua. Không những không từ bỏ, mà nước này vẫn tiếp tục phát triển, thử liên tiếp tên lửa đạn đạo và đạt được những bước tiến lớn.

Hơn nữa, nếu thực sự xảy ra xung đột trong bối cảnh căng thẳng leo thang và Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa liên lục địa, thì hậu quả kéo theo sẽ vô cùng thảm khốc về cả người và tài sản.

Một nghiên cứu năm 2012 chỉ ra rằng, một cuộc xung đột quân sự với pháo binh CHDCND Triều Tiên có thể khiến 64.000 thiệt mạng trong ngày đầu tiên.

Như Uyên (tổng hợp)
.
.
.