Hàn Quốc: Tổng thống củng cố vị thế bằng nỗ lực kiềm chế Bình Nhưỡng

Thứ Ba, 11/07/2017, 10:06
Ngày 10-7, hãng thông tấn Yonhap cho biết, qua một cuộc thăm dò dư luận, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in tại nước này đã gia tăng trong tuần qua, nhờ vào những phản ứng khôn khéo trước vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên hôm 4-7 và các hoạt động ngoại giao nhằm kiềm chế Bình Nhưỡng.

Cuộc thăm dò được thực hiện bởi hãng Realmeter đã chỉ ra rằng, 78,6% tổng số người được hỏi ý kiến ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in, tăng 1,3% so với tuần trước đó. Tỷ lệ những người phản đối nhà lãnh đạo này và không đưa ra câu trả lời lần lượt là 16% và 7,4%.

Giới chuyên gia nhận định, sở dĩ tỷ lệ ủng hộ ông Moon Jae-in đang tăng lên theo hướng tích cực là vì ông Moon đã có những phản ứng mạnh mẽ trước vụ CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, cũng như các hoạt động ngoại giao tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Tìm kiếm đàm phán liên Triều

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Moon Jae-in, Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố, Seoul sẽ tìm kiếm các cuộc đàm phán liên Triều, sau khi đánh giá phản ứng của CHDCND Triều Tiên đối với sáng kiến mới của Tổng thống Moon Jae-in về việc kiến tạo hòa bình tại bán đảo Triều Tiên.

Sáng kiến này của Tổng thống Moon đưa ra chỉ hai ngày sau khi Bình Nhưỡng thông báo phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), gây quan ngại cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Ngay sau đó, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyun phát biểu với các nghị sỹ rằng, Seoul sẽ xem xét cách nối lại các kênh liên lạc liên Triều bị cắt đứt kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa vào năm 2016.

Thông cáo của bộ này có đoạn viết: “Khi có các điều kiện về đối thoại, chính phủ dự kiến sẽ thảo luận một cách toàn diện các vấn đề còn tồn tại liên quan đến việc phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng, lập lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện mối quan hệ liên Triều”.

Bà Lee Eugene, Phó phát ngôn viên của bộ này cũng nhấn mạnh, Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện chính sách về Bình Nhưỡng của Tổng thống Moon Jae-in dựa trên sự đồng thuận trong nước và sự trao đổi thông tin với các đảng. Trong trường hợp cần thiết, Hàn Quốc có thể cử một đặc phái viên tới giúp đỡ giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Hồi tuần trước, ông Moon Jae-in cũng đề nghị cả hai miền ngừng các hành động thù địch dọc theo tuyến biên giới, bao gồm cả việc dừng phát thanh tuyên truyền qua loa tại ranh giới quân sự liên Triều, bắt đầu từ ngày 24-7 tới, nhân kỷ niệm 64 năm ký kết Hiệp định đình chiến (27-7-1953).

Tổng thống Moon Jae-in đạt tỷ lệ ủng hộ cao trong nước.  Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, Tổng thống Moon Jae-in đã đề nghị tổ chức các cuộc đoàn tụ cho những gia đình bị chia cắt do chiến tranh vào ngày 4-10, nhân dịp lễ Trung thu - lễ hội thường niên lớn nhất Hàn Quốc và cũng là dịp kỷ niệm 10 năm ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa hai miền. Việc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh là một trong những vấn đề nhân đạo cấp bách nhất, bởi hơn một nửa trong số 138.000 người trong danh sách chờ được tham gia chương trình đoàn tụ đã qua đời.

Đợt đoàn tụ gần đây nhất giữa hai miền đã diễn ra vào tháng 10-2015, tại một khu nghỉ dưỡng trên núi Kumgang, vùng duyên hải miền Đông CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, đến nay phía Bình Nhưỡng vẫn chưa có hồi đáp chính thức về đề nghị này.

Nối lại viện trợ thông qua tổ chức quốc tế

Trong một cuộc họp báo mới đây, Người phát ngôn Lee Duk-haeng của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay, Chính phủ nước này đang xem xét việc nối lại viện trợ nhân đạo cho CHDCND Triều Tiên thông qua các tổ chức quốc tế trong bối cảnh Seoul đang nỗ lực tăng cường các hoạt động giao lưu liên Triều. Ông này cũng tiết lộ rằng, một số tổ chức quốc tế như Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã đề nghị Chính phủ Hàn Quốc thực hiện chương trình này.

Ông Lee nhấn mạnh: “Chúng tôi đã ngừng cung cấp viện trợ thông qua các tổ chức quốc tế kể từ khi Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử hạt nhân và tên lửa năm 2016. Tuy nhiên, Seoul đang xem xét việc nối lại các chương trình trên với điều kiện đảm bảo sự minh bạch và có giám sát chặt chẽ”.

Theo ông Lee, Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhận thấy việc cần thiết phải liên tục hỗ trợ về dinh dưỡng và vaccin cho trẻ sơ sinh, cũng như các bà mẹ mang thai của CHDCND Triều Tiên. Trước đó, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 8-7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố, viện trợ nhân đạo không nên gắn với tình hình chính trị và kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế dành cho người dân sống trong cảnh khó khăn tại CHDCND Triều Tiên.

Tháng 7 này, chuyến hàng viện trợ của Hàn Quốc thông qua một tổ chức phi chính phủ trong nước, bao gồm thuốc chữa bệnh lao và nguyên vật liệu để xây dựng các cơ sở bệnh viện ở CHDCND Triều Tiên sẽ cập bến thành phố cảng Nampo, miền Tây nước này, qua đường Trung Quốc. Kể từ khi ông Moon Jae-in lên nắm quyền cách đây hai tháng, Seoul đã cho phép nhiều nhóm dân sự cung cấp viện trợ cho Bình Nhưỡng.

Trong một diễn biến khác, Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) của Hàn Quốc thông báo, hải quân nước này ngày 10-7 đã tiếp nhận một chiếc tàu ngầm 1.800 tấn mới, nhằm tăng cường khả năng chiến đấu dưới nước.

Đây là chiếc tàu ngầm thứ 6 thuộc lớp Jang Bogo-II của Hàn Quốc, thuộc loại hàng đầu thế giới có khả năng xử lý cùng lúc hơn 300 mục tiêu và có thể chiến đấu ít nhất 10 ngày dưới nước mà không cần phải nổi lên. Dự kiến, chiếc tàu ngầm này sẽ được đưa vào hoạt động trong tháng 12 tới, sau khi thủy thủ đoàn được huấn luyện.

Linh Bùi
.
.
.