Tổng thống Putin tới Nhật Bản mang theo thông điệp gì?
Ngày 15-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản kéo dài hai ngày. Theo kế hoạch, Tổng thống Putin có 2 cuộc gặp riêng với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe tại khu nghỉ dưỡng Nagato, tỉnh Yamaguchi, miền Tây Nhật Bản vào chiều cùng ngày để bàn về vấn đề tranh chấp lãnh thổ và vào ngày 16-12 tại Tokyo để bàn về vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Giới quan sát đánh giá, mặc dù cùng nỗ lực nhưng khả năng đột phá bế tắc trong vấn đề lãnh thổ tại quần đảo Nam Kuril hay Vùng lãnh thổ phương Bắc (theo cách gọi của Nhật Bản) vẫn rất mong manh và mục tiêu của hai nước đặt ra với chuyến thăm này là hoàn toàn khác nhau.
Tổng thống Putin (phải) và Thủ tướng Abe trong một cuộc gặp. |
Đối với Nga đó là kinh tế, thương mại và đầu tư vào khu vực Viễn Đông trong khi với nước chủ nhà là vấn đề chủ quyền lãnh thổ, hay ít nhất là bước tiến đối với vấn đề này. Và chính hai bên cũng thừa nhận, đây không phải là việc dễ dàng.
Phát biểu trước thềm chuyến thăm, Tổng thống Putin khẳng định Moskva muốn bình thường hóa quan hệ với Tokyo và bày tỏ mong muốn giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản trong chuyến công du này.
Người đứng đầu Điện Kremlin đồng thời bày tỏ mong muốn chấm dứt những bất đồng khiến hai nước chưa thể ký kết Hiệp ước Hòa bình kể từ Thế chiến II tới nay nhưng làm thế nào để chấm dứt lại là một câu hỏi khó. Trong khi đó, Tokyo cũng kỳ vọng, chuyến thăm của ông Putin sẽ khai phá bước tiến mới trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Thủ tướng Abe khẳng định “quyết tâm chấm dứt các vấn đề này trong thế hệ của tôi”, nhưng thừa nhận rằng, một thỏa thuận về chủ quyền lãnh thổ với Nga hiện “vẫn xa tầm với”. Giới truyền thông cũng cho rằng chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Nga sẽ không đạt được kết quả như mong đợi.
Cụ thể, không có nhiều cơ hội để hóa giải mâu thuẫn giữa hai nước trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ vì những giải pháp hiện tại khó có thể tháo gỡ những vướng mắc lịch sử khi nó liên quan chặt chẽ đến lợi ích quốc gia và chủ quyền lãnh thổ.
Tuy nhiên, những nỗ lực của cả hai bên làm dấy lên tia hi vọng. Thủ tướng Abe nhấn mạnh: “Tôi muốn hai bên thảo luận một cách thẳng thắng và cởi mở trong bầu không khí điềm tĩnh và có thể đạt được bước tiến trong đàm phán về một Hiệp ước Hòa bình. Đây không phải là vấn đề có thể giải quyết chỉ trong một cuộc gặp, nhưng tôi muốn có những bước tiến không ngừng nghỉ dựa trên mối quan hệ đáng tin cậy mà tôi đã thiết lập với Tổng thống Putin”.
Cố vấn của ông Abe, cựu Thứ trưởng Tài chính – Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nhận định: “Các rào cản còn lại cần phải vượt qua vẫn còn rất nhiều” nhưng “họ là hai nhà lãnh đạo mạnh mẽ, vì vậy tôi hy vọng rằng một con đường rộng và định hướng lớn tiến về phía trước sẽ xuất hiện”.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng, một giải pháp dứt điểm cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ ngay trong cuộc gặp lần này không có nhiều khả thi, sẽ có nhiều con đường vòng có thể thoả mãn mục tiêu của cả hai phía.
Bên cạnh đó, mặc dù có thể bế tắc trong đàm phán lãnh thổ, nhưng kinh tế có thể sẽ là con đường vòng giúp hai bên thực hiện được mục tiêu của mình.
Nhiều khả năng hai bên sẽ công bố một kế hoạch thúc đẩy kinh tế chung trên quần đảo, mở rộng giao lưu nhân dân, cho phép những cư dân Nhật Bản cũ quay lại đảo kinh doanh trong những ngành nghề nhất định.
Về phía Nga, Moskva hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với các công ty Nhật Bản như một phần của chiến lược hướng về châu Á trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong đó có chính phủ Nhật về sự liên quan của Nga trong cuộc xung đột Ukraine.
Tổng thống Putin đã thẳng thắn rằng, mục tiêu đạt được một Hiệp ước Hòa bình sẽ khó khăn hơn nếu Nga vẫn bị Nhật Bản xử phạt. Nga và Nhật Bản đang có nhiều mối ràng buộc trong lĩnh vực năng lượng và phát triển kinh tế.
Moskva đang có kế hoạch tăng gấp đôi lượng khí đốt và dầu mỏ sang thị trường châu Á trong vòng 20 năm tới sau khi “quay mặt” với thị trường truyền thống châu Âu do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong khi đó, điều này lại được xem là sẽ mở rộng cánh cửa cơ hội đối với Nhật Bản, quốc gia đang gia tăng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch để giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghiệp năng lượng hạt nhân vốn đã bị suy yếu sau thảm họa động đất, sóng thần năm 2011.
Về phía Nhật Bản, trước lo ngại của Mỹ về cuộc gặp (giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe) tại Tokyo sẽ gửi thông điệp sai lầm rằng, Nhóm G7 thiếu sự đoàn kết trong các quyết sách với Nga sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea, Tokyo nhấn mạnh tuân thủ nguyên tắc là một thành viên của G7 nhưng cũng sẽ theo đuổi lợi ích quốc gia của riêng mình.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, Nhật Bản rất cần sự ủng hộ của Nga đối với nỗ lực để trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Vì thế, theo các nhà phân tích, rất có thể có bước “đột phá” sau chuyến thăm của Tổng thống Putin, khi quan hệ hai nước đang có xu hướng “ấm lên”.