Tình hình dịch COVID-19 tại một số nước có chuyển biến tích cực
- Ổ dịch Hạ Lôi có 10 ca bệnh, thế giới đã có hơn 11 vạn người tử vong vì COVID-19
- Ổ dịch lớn nhất nước Mỹ vượt qua con số 10 vạn ca nhiễm COVID-19
Ngày 12-4, Thái Lan xác nhận thêm 33 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên 2.551 người, trong đó có 38 trường hợp tử vong. Như vậy, đây là ngày thứ tư liên tiếp, số ca nhiễm mới được ghi nhận hằng ngày ở Thái Lan dừng ở mức hai con số và đi theo chiều hướng giảm dần.
Theo thông báo của Bộ Y tế Thái Lan, tất cả các bệnh nhân COVID-19 sẽ được điều trị miễn phí tại tất cả các bệnh viện ở nước này kể từ ngày 5-3, với các chi phí được 3 quỹ y tế chi trả. Trong khi đó, đối với khách du lịch nước ngoài, Chính phủ Thái Lan đã quy định người nước ngoài nhập cảnh trong thời điểm hiện nay phải có bảo hiểm y tế với hạn mức điều trị ít nhất là 100.000 USD.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tehran, Iran. |
Cùng ngày, Hàn Quốc cũng ghi nhận số ca nhiễm mới liên tiếp duy trì ở ngưỡng trên dưới 30 người, tỷ lệ khỏi bệnh đạt trên 70%. Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy, tính tới 10h (giờ địa phương - 8h giờ Hà Nội) ngày 12-4, với 32 ca mới được phát hiện, số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc đã lên 10.512 người. Số ca tử vong là 214 (tăng 3 ca). Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn là 125, nâng tổng số lên 7.368 người, chiếm 70,1%. Hiện vẫn còn hơn 20 trường hợp trong tình trạng nguy kịch.
Tính đến ngày 12-4 Hàn Quốc đã ghi nhận có 886 ca nhiễm bệnh đến từ nước ngoài. Để góp phần nâng cao hiệu quả biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thời gian thực hiện “giãn cách xã hội” đã được Chính phủ Hàn Quốc kéo dài tới hết ngày 19-4 tới. Theo đó mọi người dân vẫn được khuyến cáo nên ở nhà nếu không có việc cấp bách, luôn đeo khẩu trang và rửa tay, đồng thời giữ khoảng cách tối thiểu 2m ở nơi đông người. Các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao đông người vẫn tiếp tục bị cấm.
Ngoài ra chính quyền địa phương các cấp cũng được yêu cầu tăng cường công tác theo dõi, giám sát đối với các trường hợp thuộc diện cách ly tại nơi cư trú sau khi xảy ra một số trường hợp cố tình vi phạm. Người nước ngoài nếu vi phạm sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất hoặc phạt tù nếu để xảy ra lây nhiễm sang nhiều người. Những trường hợp cố tình vi phạm lệnh tự cách ly sẽ phải đeo vòng tay điện tử.
Trong khi đó, ở khu vực Trung Đông, Iran hôm 11-4 đã bắt đầu cho phép mở cửa trở lại các trụ sở cơ quan chính quyền sau khi một thời gian ngắn áp đặt lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc để ngặn chặn đại dịch COVID-19. Cụ thể, nhà chức trách Iran đã ra lệnh mở cửa trở lại hầu hết các cơ quan chính phủ với 2/3 số nhân viên đi làm, dù các trụ sở công ty và doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu vẫn tiếp tục phong tỏa thêm 1 tuần nữa, tới sau Lễ Nowruz.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani kêu gọi người dân nước này tuân thủ các quy định y tế về phòng chống dịch COVID-19 để tự bảo vệ mình khi mà các hoạt động kinh tế “có nguy cơ lây nhiễm thấp” được nối lại. Theo số liệu mới nhất, trong ngày 11-4, quốc gia Hồi giáo này đã ghi nhận thêm 125 ca tử vong do COVID-19 và 1.837 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 4.357 và tổng số ca mắc COVID-19 là 70.029 ca.
Tại châu Âu, Vương quốc Anh ngày 12-4 cam kết hỗ trợ 200 triệu bảng (248 triệu USD) cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức nhân đạo để làm chậm lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại những nước dễ bị tổn thương, và qua đó giúp ngăn chặn một đợt bùng phát mới tại Vương quốc Anh. Chính phủ Anh cho biết 130 triệu bảng sẽ được gửi tới các cơ quan của Liên hợp quốc, trong đó 65 triệu bảng gửi cho WHO, 50 triệu bảng sẽ gửi tới Tổ chức Chữ thập đỏ để giúp các khu vực đang xảy ra chiến sự hoặc vùng sâu vùng xa, và 20 triệu bảng sẽ gửi tới các tổ chức từ thiện và nhân đạo khác.
Tuyên bố cho biết số tiền trên sẽ giúp các khu vực có hệ thống y tế yếu kém như Yemen đang trong xung đột - nơi cũng vừa ghi nhận ca nhiễm đầu tiên ngày 10-4, và Bangladesh - nơi đang có 850.000 người Rohingya tị nạn tại các khu trại đông đúc.
Nhận định về lòng hảo tâm của Anh, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Sự đóng góp hào phóng của Anh là minh chứng mạnh mẽ cho thấy mối đe dọa toàn cầu cần cách ứng phó toàn cầu”. Ông khẳng định: “Chúng ta đều ở (trên Trái đất này) cùng nhau, đồng nghĩa với việc bảo vệ sức khỏe toàn thế giới sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của người dân Anh”.
Cũng tại “Lục địa già”, các con số thống kê về dịch COVID-19 đang cho thấy chuyển biến tích cực tại Tây Ban Nha. Trong ngày 11-4, Tây Ban Nha ghi nhận 510 ca tử vong, con số thấp nhất từ ngày 23-3. Nhằm chuẩn bị cho các lao động sẽ quay trở lại làm việc từ ngày 13-4, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết đã chuẩn bị 10 triệu khẩu trang và giao cho lực lượng cảnh sát phát cho các lao động tại các bến tàu.