Sửa hiến pháp: Sự chuẩn bị của Putin sau 20 năm lãnh đạo nước Nga

Thứ Năm, 16/01/2020, 08:20
Ở thời điểm đánh dấu 20 năm lãnh đạo nước Nga, Tổng thống Putin kêu gọi sửa một loạt điều khoản liên quan đến thế cân bằng quyền lực giữa Tổng thống, Thủ tướng và Quốc hội trong hiến pháp Nga

Trước 1.300 quan khách cùng 900 phóng viên trong, ngoài nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15-1 đọc Thông điệp Liên bang năm 2020, trong đó không còn nhắc quá nhiều tới sức mạnh quân sự và đối ngoại mà tập trung vào các vấn đề nội bộ của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang. Ảnh: Sputnik

Đáng chú ý, nhân dịp 20 năm lãnh đạo nước Nga, ông Putin đã kêu gọi sửa Hiến pháp Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý, trong đó kêu gọi Quốc hội chịu trách nhiệm chọn ra nội các còn Tổng thống có quyền bãi miễn những chức vụ này. Putin cũng đề nghị cải tổ Hội đồng Nhà nước, cơ quan tham vấn của Tổng thống.

Sau động thái của Putin, Thủ tướng Dmitri Medvedev đã đệ đơn từ chức của ông và toàn bộ Chính phủ Nga. Medvedev cho hay, những đề xuất sửa hiến pháp của Putin, khi được thực thi, sẽ thay đổi cơ bản cán cân quyền lực ở Nga từ các nhánh lập pháp, hành pháp và cả tư pháp.

“Chúng ta cần tạo điều kiện cần thiết để Tổng thống thực hiện những cải cách đó”, Thủ tướng Nga nói. Ông Medvedev sau đó được Tổng thống Putin bổ nhiệm vào vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước – một chức vụ mới được ông Putin thiết kế riêng cho Medvedev.

Ngay trong ngày 15-1, Tổng thống Putin đề cử lãnh đạo Cơ quan Thuế Liên bang Nga Mikhail Mishustin làm tân Thủ tướng. Đề cử đã được chuyển cho Hạ viện Nga để bỏ phiếu thông qua trong ngày hôm nay (16-1), vốn gần như chắc chắn sẽ được thông qua.

Putin cùng ông Mishustin - người được đề cử vào ghế Thủ tướng thay ông Medvedev. Ảnh: TASS

Hiện những thông tin cụ thể về các điều khoản hiến pháp Nga sẽ được sửa đổi chưa được cung cấp. Một số người cho rằng Putin muốn trao trách nhiệm nhiều hơn cho Quốc hội, song nhiều chuyên gia lại nhận định việc sửa hiến pháp mang lại nhiều quyền lực cho Tổng thống.

Nikolai Petrov, nghiên cứu viên cao cấp của Chương trình Nga và Á-Âu tại Chatham House bình luận bước đi của Putin có thể là sự chuẩn bị cho tương lai của chính ông khi nhiệm kỳ tổng thống thứ tư kết thúc vào năm 2024.

Ông Putin không sửa hiến pháp để làm thêm một nhiệm kỳ Tổng thống nữa, song ông có thể giữ vai trò quan trọng trong bộ máy chính quyền bằng vị trí ở Hội đồng Nhà nước. "Putin mô tả các cải cách hiến pháp không cụ thể lắm. Chúng ta cần đợi cho đến khi có thông tin rõ ràng hơn", Petrov nói thêm.

Trong khi đó, tiến sĩ Tatiana Stanovaya, người sáng lập công ty tư vấn chính trị R. Politik nhìn nhận động thái của Tổng thống Nga là một “sự chuyển tiếp chính trị trước thời hạn”. Bà này cho rằng ông Putin đã mất lòng tin vào Thủ tướng Medvedev, người không còn nhận sự ủng hộ cao từ cả giới tinh hoa lẫn người dân.

Tổng thống Putin và ông Medvedev đứng trong phòng họp của Điện Kremlin. Ảnh: TASS

"Putin tìm kiếm một người có thể giúp thực hiện cải cách hiến pháp của mình và thông qua đó, ông sẽ gây ảnh hưởng với người kế nhiệm tương lai. Có vẻ như Medvedev không phải là người đó", nhà bình luận này nói thêm.

Trong khi đó, trên RT, chuyên gia Bryan MacDonald lại khẳng định động thái của Putin giống như là bước chuẩn bị cho sự ra đi của chính ông. Putin rất có thể từ chức trước năm 2024, giống như người tiền nhiệm Boris Yeltsin đã làm để đưa ông Putin vào vị trí Tổng thống Nga cách đây hơn 20 năm.

Giống như Putin, lãnh đạo Cơ quan Thuế Liên bang Nga Mikhail Mishustin là một người ít được biết đến khi được lựa chọn vào ghế Thủ tướng. Tuy nhiên, hai người đều được nhìn nhận là những người làm mọi cách để công việc được hoàn tất.

Bryan MacDonald nhìn nhận mục tiêu của Putin là bảo lưu hệ thống mà ông được thừa hưởng từ Yeltsin, song với nhiều điều chỉnh. Chính hệ thống chính trị đó, với Putin, đã mang lại sự thịnh vượng cho nước Nga sau những năm kiệt quệ từ thời điểm Liên Xô sụp đổ.

“Putin có lẽ muốn được lịch sử ghi lại bằng những điều tốt đẹp. Thứ mà không phải nhà lãnh đạo Nga nào cũng có được”, Bryan MacDonald nói thêm và so sánh vai trò của Putin giống như cố Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt, người cũng từng giữ vai trò lãnh đạo bốn nhiệm kỳ và khôi phục đất nước sau thảm họa về tài chính và xã hội.

Thiện Minh
.
.
.