Sa thải Bộ trưởng Quốc phòng: Nước cờ đầu tiên của ông Trump?

Thứ Ba, 10/11/2020, 14:21
Sau Bộ trưởng Esper, hàng loạt quan chức cấp cao khác có thể bị Trump sa thải trước khi chuyển giao quyền lực, đẩy nước Mỹ vào thế hỗn loạn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper. Ảnh AP. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/11 đăng tải trên Twitter thông báo quyết định sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, “có hiệu lực ngay lập tức”. Đồng thời, ông Trump cũng cho biết Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Christopher Miller sẽ trở thành quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Tổng thống Mỹ cũng không quên cảm ơn tướng lĩnh quốc phòng vì những đóng góp của ông trong quãng thời gian tại vị.

Quyết định này không phải điều gì quá ngạc nhiên. Chỉ trong hai năm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có tới 4 lần thay máu, đồng thời, chính ông Esper đã trở thành cái gai trong mắt ông Trump nhiều tháng qua kể từ khi ông phản đối triển khai quân đội để trấn áp các cuộc biểu tình bạo lực tại các thành phố lớn của Mỹ sau cái chết của George Floyd hồi tháng 5. Thậm chí, có thông tin rằng trước khi cuộc bầu cử tại Mỹ diễn ra vài tuần, ông Esper đã soạn sẵn bức thư xin từ chức.

Việc sa thải ông Esper sẽ không quá gây chú ý nhưng động thái này lại diễn ra vào thời điểm đặc biệt. Nó đánh dấu động thái đầu tiên của ông Trump trong 72 ngày có thể là hỗn loạn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ thời hiện đại.

Lý do là: Ông Trump tới nay vẫn chưa nhận thua trước đối thủ Joe Biden, người được truyền thông Mỹ kêu tên là Tổng thống đắc cử sau khi giành đa số phiếu đại cử tri. Các quan chức chiến dịch hàng đầu của ông hôm 9/11 tổ chức họp toàn thể, cho rằng ông vẫn còn cơ hội trong cuộc đua. Tổng thống Trump cũng đã tuyên bố sẽ theo đuổi kiện tụng tới cùng.

Việc thua cuộc sẽ khiến ông Trump giận dữ và có thể không tuân thủ theo những quy định truyền thống trong quá trình chuyển giao quyền lực của chính trị Mỹ. Điều đó có nghĩa việc sa thải Bộ trưởng Quốc phòng có thể là nước đi đầu tiên trong vô số những hành động sắp tới của ông Trump từ nay tới ngày Tổng thống đắc cử chính thức nhậm chức 20/1/2021.

Trước bầu cử, ông Trump liên tục công kích Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray không thể điều tra được cáo buộc tham nhũng trong nội bộ. Tờ Washington Post hồi tháng 10 đưa tin ông Trump cân nhắc sa thải ông Wray sau bầu cử, động thái cũng làm gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Bộ trưởng Tư pháp William Barr, một người trung thành với Tổng thống Trump nhưng đã trì hoãn điều tra sai sót trong công tác phản gián của FBI trong cuộc bầu cử năm 2016. Trang Axios thời điểm đó cũng đưa tin ông Trump có thể sa thải Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Gina Haspel.

Việc sa thải những tướng lĩnh Bộ Quốc phòng, CIA và FBI, thậm chí có khả năng là Bộ Tư pháp, có thể chỉ là bước khởi đầu trong cuộc “thanh trừng” nội các những người được cho là không đủ trung thành với ông Trump.

Duy Tiến (Theo CNN)
.
.
.