Quốc tế quan ngại sâu sắc về chính biến tại Myanmar

Thứ Hai, 01/02/2021, 18:05

Trước những diễn tiến khó lường trong cuộc chính biến xảy ra rạng sáng 1-2 tại Myanmar, nhiều quốc gia, tổ chức đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình hình tại đây, đồng thời kêu gọi quân đội nước này tôn trọng các quy định của luật pháp.

Reuters dẫn lời ông Myo Nyunt, Người phát ngôn đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) cho biết, trong một cuộc đột kích xảy ra vào rạng sáng ngày 1-2, Tổng thống Myanmar U Win Myint, Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Aung San Suu Kyi, cùng nhiều quan chức cấp cao khác của đảng NLD cầm quyền đã bị quân đội Myanmar bắt giữ. 

Vào thời điểm xảy ra cuộc đột kích, các đường dây liên lạc đến thủ đô Naypyitaw của Myanmar đã bị gián đoạn, đài truyền hình quốc gia MRTV ra thông báo trên facebook rằng không thể phát sóng do các vấn đề kỹ thuật. Các nhân chứng thì khẳng định, nhiều binh sĩ đã được triển khai bên ngoài tòa thị chính tại thành phố Yangoon. 

Bà Suu Kyi vẫn chưa xuất hiện kể từ khi bị bắt giữ. Trong khi đó, Tướng Min Aung Hlaing tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực, sau khi tổ chức một cuộc tổng tuyển cử tự do và công bằng cũng như tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm kết thúc. Ảnh: Reuters. 

Sự việc trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngày một gia tăng giữa chính quyền dân sự và lực lượng quân đội tại Myanmar thời gian qua. Theo phía quân đội, chính biến mới nhất này là hệ quả của một chính phủ thất bại trong việc xử lý các cáo buộc gian lận bầu cử và không trì hoãn bầu cử giữa lúc đại dịch COVID-19 hoành hành. Quân đội Myanmar tuyên bố nắm quyền kiểm soát nước này một năm, đồng thời trao quyền lãnh đạo cho Tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. 

Hiện tại, Người phát ngôn Myo Nyunt đã kêu gọi người dân không nên phản ứng nóng vội: "Chúng tôi coi đó là cuộc đảo chính do quân đội tiến hành. Tuy nhiên, tôi muốn nói với người dân rằng đừng phản ứng nóng vội, tôi muốn họ hành động theo luật pháp”.

Trước sự những diễn biến khó lường tại Myanmar thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia như Mỹ, Australia, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Indonesia, đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về tình hình tại đây và kêu gọi quân đội nước này tôn trọng các quy định luật pháp. 

Ngoại trưởng Mỹ cảnh cáo rằng, quân đội Myanmar cần đảo ngược hành động ngay lập tức. Ảnh: CNN. 

Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Chúng tôi kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các quan chức chính phủ, tôn trọng nguyện vọng của người dân đã được thể hiện trong cuộc bầu cử ngày 8-11-2020. Mỹ sẽ sát cánh cùng người dân Myanmar trong khát vọng của họ về dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển. Quân đội Myanmar cần phải đảo ngược những hành động này ngay lập tức”. 

Đồng quan điểm với phía Washington, phía Canada cho biết, không có lý lẽ nào biện minh cho việc quân đội bắt giữ bà San Suu Kyi và kêu gọi Mỹ áp đặt trừng phạt kinh tế trực tiếp và nghiêm khắc với Myanmar. Ngoại trưởng Australia Marise Payne thì cho hay: “Chúng tôi kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng pháp luật, giải quyết các mâu thuẫn thông qua các cơ chế hợp pháp, trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự và những người bị giam giữ trái luật pháp”. Bà Payne nhấn mạnh sự ủng hộ của Australia đối với việc triệu tập Quốc hội Myanmar trong ôn hòa, phù hợp với kết quả cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11-2020. 

Cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng lên án động thái của quân đội Myanmar. Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Stephane Dujarric thông tin: "Tổng thư ký lên án mạnh mẽ việc giam giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các nhà lãnh đạo chính trị khác trước phiên khai mạc của Quốc hội mới của Myanmar". Theo ông Stephane Dujarric, những động thái nói trên là “đòn giáng nghiêm trọng đối với tiến trình cải cách dân chủ ở Myanmar".

Xe quân sự xuất hiện bên trong tòa thị chính Yangon sáng 1-2. Ảnh: Reuters.

Được biết, Quốc hội Myanmar dự định nhóm họp lần đầu tiên vào sáng 1-2, sau khi đảng NDL chiến thắng vang dội 83% trong cuộc bầu cử được xem như trưng cầu ý dân đối với chính phủ dân chủ của Myanmar hồi tháng 11-2010. Nhưng sự kiện chưa kịp diễn ra thì chính biến xảy đến. 

Theo Reuters, kể từ sau bầu cử, quân đội Myanmar liên tục đặt ra hoài nghi về kết quả bầu cử. Họ nói rằng có bằng chứng cho thấy khoảng 8,6 triệu yếu tố bất thường trong danh sách cử tri, như trùng tên trong danh sách bỏ phiếu ở nhiều quận và không hài lòng với phản ứng của ủy ban bầu cử đối với các khiếu nại. Tuy nhiên, quân đội không nói rằng liệu những bất thường này có đủ lớn để thay đổi kết quả bầu cử hay không. 

Reuters dẫn một số nguồn tin thạo tin cho biết, các chỉ huy quân đội và quan chức chính phủ Myanmar đã tổ chức một cuộc đàm phán hôm 31-1 song không đạt được kết quả, do chính phủ khước từ yêu cầu của quân đội về việc hoãn phiên họp đầu tiên của quốc hội tới khi giải quyết xong cáo buộc gian lận bầu cử. Đây được xem là nguyên nhân khiến quân đội Myanmar đột kích bắt các quan chức chính phủ. Hiện tại, Tướng Min Aung Hlaing tuyên bố rằng, quyền lực sẽ được chuyển giao sau khi tổ chức một cuộc tổng tuyển cử tự do và công bằng cũng như tình trạng khẩn cấp kết thúc.

Cho đến nay, bà Suu Kyi vẫn chưa xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị bắt vào rạng sáng ngày 1-2 cùng nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền dân sự. Tuy nhiên, facebook của đảng cầm quyền NLD Myanmar đã đăng tải một tuyên bố thay mặt nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, theo đó kêu gọi người dân hãy biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội nước này. Đáng chú ý, tuyên bố được đưa ra trước cuộc đột kích bắt giữ bà Suu Kyi và nhiều quan chức cấp cao Myanmar.

Linh Đan
.
.
.