Những cái bắt tay của Tổng thống Trump với người đồng cấp Emmanuel Macron

Thứ Bảy, 15/07/2017, 07:59
Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã tạo nên “cơn mưa thân thiện” với nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron khi cùng phu nhân tới thăm thủ đô Paris hoa lệ đúng vào dịp kỷ niệm Quốc khánh Pháp 14-7.


Chuyến thăm Pháp kéo dài 2 ngày của Tổng thống Donald Trump và phu nhân đã đánh dấu lần thứ 3 hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp gặp nhau. 

Lần gặp đầu tiên của họ diễn ra bên thềm Hội nghị thượng đỉnh tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hồi cuối tháng 5 tại Bỉ. Tại đây, ông Emmanuel Macron, người mới đắc cử Tổng thống Pháp được vài ngày đã bắt tay ông chủ Nhà Trắng Donald Trump với đôi môi nghiến chặt và ánh mắt lóe lên sự cương quyết. Truyền thông quốc tế khi đó đã xôn xao về màn bắt tay như đấu võ giữa hai nhà lãnh đạo. 

Tiếp đó, hai nhà lãnh đạo này còn gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức hồi tuần trước nhưng xem ra không có gì đặc biệt ngoại trừ lời mời Tổng thống Donald Trump và phu nhân tới thăm chính thức Pháp của Tổng thống Emmanuel Macron. 

Cái bắt tay lần này giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ thân thiện hơn. Ảnh: Getty.

Và lần gặp thứ 3 này quả thực là thân thiện hơn rất nhiều bởi sự xuất hiện của ông Donald Trump đúng vào thời khắc kỷ niệm Quốc khánh Pháp và 100 năm ngày quân đội Mỹ tham gia Thế chiến thứ 1. 

Tờ The Guardian của Anh cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân đã đón tiếp vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Điện Invalides, một quần thể kiến trúc nằm ở quận 7, thủ đô Paris và là nơi đặt lăng mộ nhà quân sự và chính trị kiệt xuất Napoleon Bonaparte. Sau đó, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm tại Điện Elysee và cùng ăn tối tại một nhà hàng sang trọng tọa lạc trên tháp Eiffel.

Một tờ báo của Pháp đã viết: Dường như sự thân thiện ngày càng được thể hiện rõ hơn. Tổng thống Mỹ Donald Trump khá thoải mái và ông vỗ nhẹ vào vai Tổng thống Emmanuel Macron vài lần và bắt tay liên tục. Khi chào đệ nhất phu nhân Brigitte Macron, ông Donald Trump cũng đã dành lời khen tặng bà. Trong suốt chuyến thăm, ông chủ Nhà Trắng cũng không tiếc lời nhận xét về “lịch sử vĩ đại” của nước Pháp. Hai đệ nhất phu nhân Pháp-Mỹ cũng đã có khoảng thời gian thú vị khi cùng nhau tham quan nhà thờ Notre Dame, đi thuyền trên sông Seine và thăm bệnh viện trẻ em Necker… 

Trưa 14-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân đã cùng tham dự lễ diễu binh mừng kỷ niệm Quốc khánh Pháp diễn ra tại đại lộ Champs-Elysee, Paris. Cuộc duyệt binh năm nay có sự tham gia của gần 4.000 binh sĩ Pháp cùng nhiều máy bay, xe tăng và thiết bị quân sự hiện đại. Đặc biệt, Mỹ cũng cử 145 binh sĩ đại diện cho các đơn vị đóng quân ở châu Âu để tham gia lễ duyệt binh này.

Giới quan sát nhận định, việc Tổng thống Mỹ được mời và đã nhận lời mời đến dự lễ diễu binh ngày Quốc khánh Pháp là một hiện tượng lạ vì trong bối cảnh chung hiện nay, nhất là sau Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức, ông Donald Trump đang là “đối tượng” không mấy thiện cảm với Liên minh châu Âu (EU) nói chung và với nước Pháp nói riêng. Nhưng nếu xét tổng thể từ cả hai phía thì chuyến thăm này đã giúp “đôi bên cùng có lợi”. Về phía nước chủ nhà, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang dần dần tạo lập được vị thế của mình mặc dù ông được coi là “người mới” trên chính trường quốc tế. 

Hãng CNN của Mỹ còn lý giải rằng, Pháp muốn duy trì sự can dự của Mỹ vì chính quyền Paris mong muốn thể hiện vai trò của mình là một đối tác quốc phòng chính ở châu Âu với Washington trong cuộc chiến chống tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Iraq cũng như bên trong lòng châu Âu. 

Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump thì muốn giảm bớt áp lực bị cô lập của mình và chuyến đi Pháp là sự lựa chọn lý tưởng nhất. Có lẽ vì thế mà khi xuất hiện bên cạnh Tổng thống Emmanuel Macron dưới những ngọn đèn chùm vàng của Điện Elysee sau hai tiếng đàm phán về Syria, Iraq và chống khủng bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rất thẳng thắn thừa nhận rằng Pháp và Mỹ có "những bất đồng đôi khi" nhưng sẽ không làm gián đoạn một tình bạn bắt đầu từ “Cách mạng Mỹ”.

 Ông Emmanuel Macron cũng nói về  sự khác biệt rõ rệt với ông Donald Trump trong vấn đề chống biến đổi khí hậu song nhấn mạnh rằng ông và Tổng thống Mỹ có thể thảo luận cách tốt nhất để chống lại "một mối đe dọa toàn cầu với những kẻ thù đang cố gây bất ổn cho chúng ta", với trọng tâm là chống khủng bố…

 Một Giáo sư về lịch sử Pháp tại Đại học Houston (Mỹ) khẳng định: “Đây thực sự là tình thế thắng cả đôi đường. Nếu ông Emmanuel Macron không thành công trong việc thuyết phục ông Donald Trump nghĩ lại về thỏa thuận khí hậu Paris thì cũng vẫn đạt được mục đích về chính sách chung chống khủng bố. Và quan trọng nhất là Tổng thống Pháp đã đưa được một Tổng thống Mỹ tới Pháp vào khoảnh khắc có ý nghĩa biểu tượng quan trọng nhất trong năm để nêu cao 3 giá trị: tự do, bình đẳng và bác ái”.

Huyền Chi
.
.
.