Nga- Thổ Nhĩ Kỳ: Tái diễn kịch bản tranh cãi vi phạm không phận

Chủ Nhật, 31/01/2016, 23:04
Tròn nửa tháng sau những tranh cãi về việc hợp tác điều tra vụ tấn công khủng bố ở thành phố Istanbul, Moscow và Ankara lại rơi vào một cuộc “khẩu chiến" mới với nguyên nhân bắt nguồn từ cáo buộc máy bay Su-34 của Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.


Trong một tuyên bố đưa ra cuối ngày 30-1, Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ thông tin của Ankara về việc một chiếc máy bay chiến đấu Su-34 của nước này xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov khẳng định, không có chiếc Su-34 nào vi phạm chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ và rằng những cáo buộc của Ankara chỉ là sự bịa đặt vô căn cứ và là một “chiêu bài tuyên truyền nhằm khiêu khích”. Nhiều quốc gia khác thì kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nên kiềm chế căng thẳng để không xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Riêng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ thái độ cứng rắn. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án vụ việc và gọi đây là “lối ứng xử vô trách nhiệm”, cảnh báo rằng Nga phải “chịu toàn bộ trách nhiệm đối với bất kỳ hậu quả không mong muốn nào có thể xảy ra”. Thậm chí, Bộ Ngoại giao Thổ  Nhĩ Kỳ còn triệu cả Đại sứ Nga ở Ankara Andrey Karlov lên phản đối.

Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng nói muốn gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Tayyi Erdogan còn cho biết đã chỉ thị cho Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Moscow thông báo với Nga về mong muốn sắp xếp một cuộc gặp cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo. 

Tuy nhiên, đến chiều 31-1, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa nhận được câu trả lời từ Điện Kremlin. Đe dọa rằng Nga phải chịu trách nhiệm về các hậu quả, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn nhấn mạnh rằng, xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ tức là xâm phạm không phận của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thì khuyến cáo Nga phải “tôn trọng” không phận của các thành viên trong liên minh này. Ông Jens Stoltenberg nói: “Nga phải thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng những vi phạm đó không xảy ra lần nữa. NATO đoàn kết cùng Thổ Nhĩ Kỳ và hỗ trợ cho sự toàn vẹn lãnh thổ của đồng minh, Thổ Nhĩ Kỳ”.

Hãng AP dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho hay chiếc máy bay Su-34 của Nga đã xâm nhập không phận Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ sáu (29-1), bỏ ngoài tai những cảnh báo bằng tiếng Anh và tiếng Nga từ các đơn vị giám sát của Ankara. Nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ lại không nêu được chính xác địa điểm diễn ra vụ “xâm nhập không phận” này.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay ném bom Su-24 của Nga ở gần biên giới với Syria làm 1 phi công thiệt mạng. Ảnh: EPA

Một điểm đáng chú ý nữa là đây là lần thứ 2 trong vòng 2 tháng qua, Ankara cáo buộc Moscow xâm phạm không phận. Hồi tháng 11 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga ở gần biên giới với Syria làm 1 phi công thiệt mạng. 

Khi đó, Ankara biện luận rằng máy bay ném bom của Nga đã vi phạm không phận, là mối đe dọa lớn về an ninh khiến máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ phải dùng đến biện pháp cuối cùng để ngăn chặn. Vụ việc đã tạo nên hố sâu ngăn cách chính trị quá lớn giữa Ankra-Moscow.

Đến nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn từ chối xin lỗi, còn Nga thì khẳng định chỉ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chừng nào nhận được lời nhận lỗi sâu sắc của Ankara. Và để chứng tỏ quan điểm của mình, Nga đã ban hành một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế bao gồm cấm giáo dịch nông sản, thắt chặt chế độ thị thực và đình chỉ các dự án kinh tế song phương (trong đó có dự án đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ).

Các nhà phân tích nhận định, căng thẳng trong quan hệ giữa Moscow và Ankara sau vụ Su-24 vẫn ngày càng gia tăng. Thêm vào đó là mâu thuẫn về hợp tác điều tra vụ tấn công khủng bố ở Istanbul và đụng độ trên biển. Sự đối đầu về chính trị giữa hai quốc gia này đã dẫn đến những tác động xấu khác về mặt kinh tế.

Như ở Thổ Nhĩ Kỳ, từ sau ngày lệnh trừng phạt về nông sản được thực thi (1-1), nhiều công ty bán buôn trái cây và rau quả của nước này bắt đầu bị phá sản. Ngành du lịch cũng thất thu và thiệt hại nặng nề. Đó là chưa kể đến sự khốn đốn mà các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang làm ăn ở Nga cũng vấp phải. Chẳng hạn như khách sạn lớn nhất của người Thổ Nhĩ Kỳ là Swissotel Krasnye Holmy, một trong những tòa nhà cao nhất ở Thủ đô Moscow buộc phải ngừng hoạt động.

Nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Cetin Osman Budak cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại hãy còn chưa chịu tác động đầy đủ của cuộc khủng hoảng, nhưng trong tương lai, theo hiệu ứng domino, cuộc khủng hoảng sẽ nhấn chìm chuỗi sản xuất, cung ứng và xuất khẩu nông sản nước này.

Ngược lại, đối với Nga, theo nhận định của GS Stanislav Tkachenko thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia St.Petersburg thì Nga cũng đang tự “bắn vào chân mình” khi tham gia vào cuộc chiến kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc chiến này sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nga. 

Ngoài ra các biện pháp trừng phạt kinh tế không có mục đích rõ ràng sẽ gây hệ lụy xấu đến nền kinh tế và việc duy trì uy tín của Nga bởi xét về cơ cấu thương mại song phương thì rõ ràng Nga có lợi hơn Thổ Nhĩ Kỳ.

Gia Nam
.
.
.