Mỹ đang “xuống thang” trong căng thẳng với Iran?

Thứ Bảy, 13/07/2019, 08:20
Đề nghị bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ với Iran, không đưa Ngoại trưởng Iran vào danh sách trừng phạt được đánh giá là những dấu hiệu cho thấy Mỹ đang “xuống thang” trong căng thẳng với Tehran.

Mỹ để ngỏ biện pháp ngoại giao

Hôm 11-7, hãng tin Reuters dẫn các nguồn thạo tin nhận định, “những cái đầu lạnh đang chiếm ưu thế”, theo đó giới chức Mỹ cho rằng việc áp đặt trừng phạt đối với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thời điểm này không chắc có tác dụng. 

Nguồn tin này cho biết thêm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phản đối áp đặt trừng phạt người đồng cấp Iran trong thời điểm hiện nay. Hôm 24-6 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif sẽ bị đưa vào danh sách đen của Mỹ ngay trong tuần đó. 

Bộ Tài chính Mỹ còn cho lưu hành nội bộ một dự thảo thông cáo báo chí về các biện pháp trừng phạt Ngoại trưởng Iran. Tuy nhiên, việc đưa ông Zarif, nhà đàm phán chính của Iran vào danh sách đen sẽ là một động thái bất thường vì có thể ngăn chặn bất cứ nỗ lực nào của Mỹ trong việc sử dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết những bất đồng với Tehran liên quan chương trình hạt nhân và các thử nghiệm tên lửa của Iran cũng như các hoạt động của nước này trong khu vực.

Trước đó, ngày 10-7, Đài Sputnik (Nga) dẫn một thông cáo báo chí của Đại sứ Mỹ tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Jackie Wolcott cho biết Washington đã chính thức đề nghị Tehran bình thường hóa hoàn toàn các mối quan hệ. Đổi lại, Iran cần cam kết đảo ngược các bước đi gần đây trong chương trình hạt nhân và dừng mọi kế hoạch đẩy mạnh hoạt động làm giàu urani. 

Thông cáo trên có đoạn: “Mỹ đã thể hiện rõ lập trường rằng chúng tôi để ngỏ khả năng đàm phán mà không áp đặt điều kiện tiên quyết nào. Chúng tôi đề nghị Iran khả năng bình thường hóa hoàn toàn quan hệ”. 

Đề cập về vấn đề này, Người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi một lần nữa chỉ trích Washington rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), tên chính thức của thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đạt được với Nhóm P5+1 năm 2015. 

Quan chức Iran nhấn mạnh: “Rút khỏi JCPOA là sai lầm lớn của Mỹ. Quyết định đó đã châm ngòi cho mọi rắc rối. Châu Âu (các đối tác châu Âu tham gia JCPOA) có đủ thời gian để cứu vãn thỏa thuận”. 

Trong khi đó, kênh truyền hình Press TV dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 10-7 cho hay, Tehran vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao và đàm phán hạt nhân. 

Ông Mousavi nhấn mạnh Iran vẫn kiên định về JCPOA, song cùng với đó là bảo vệ các quyền của nước này. Tehran không tìm kiếm căng thẳng liên quan vấn đề hạt nhân, đồng thời cho rằng các nước châu Âu nên giải quyết “nguyên nhân sâu xa của những căng thẳng này” nếu họ thực sự muốn xoa dịu tình hình.

Những động thái trên là tín hiệu cho thấy Mỹ có thể để ngỏ biện pháp ngoại giao trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Tehran và Washington.

Căng thẳng Mỹ - Iran liệu có hạ nhiệt sau những động thái “xuống thang” của Washington? Ảnh minh họa.

Chiến lược tiềm ẩn nguy cơ gây xung đột

Theo nhận định của giới chuyên gia, chính sách rời rạc của Washington trong vấn đề hạt nhân Iran không chỉ khiến quan hệ Mỹ-Iran căng thẳng và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát xung đột quân sự, mà còn gieo rắc oán giận khắp Trung Đông. 

Minh chứng rõ nhất cho thấy sự bất nhất, không rõ ràng trong chiến lược Iran của Nhà Trắng được thể hiện qua một thông cáo báo chí công bố tuần trước: “Ngay cả trước khi có thỏa thuận hạt nhân, hầu như chắc chắn rằng Iran sẽ vi phạm các điều khoản”. 

Sau khi công bố thông cáo báo chí, Nhà Trắng không giải thích tại sao một quốc gia lại có thể vi phạm điều khoản một thỏa thuận khi mà thỏa thuận đó còn chưa hình thành. Đây không phải là ví dụ duy nhất cho thấy điểm bất hợp lý trong chiến lược Iran. Khi Tổng thống Donald Trump tháng trước thông báo hủy quyết định tấn công quân sự Iran vào phút chót, ông nói đó là vì ông biết rằng ước tính có 150 người dân Iran có thể sẽ thiệt mạng trong các vụ tấn công này. Thay vì tấn công, người đứng đầu Nhà Trắng đã tăng cường trừng phạt kinh tế chống Tehran. 

Theo ông Jeffrey Sachs, nhà kinh tế nghiên cứu ảnh hưởng các biện pháp trừng phạt, các biện pháp trừng phạt Mỹ áp dụng đang gây ảnh hưởng to lớn và bóp nghẹt Iran. Cần lưu ý rằng những người có thể thiệt mạng trong các cuộc tấn công quân sự phần lớn sẽ là binh lính Iran. Còn những người sẽ chết vì Iran bị trừng phạt lại là những em bé mới sinh, những bà mẹ, những cụ già, những người ốm yếu. Chính quyền Mỹ đã tạo ra khủng hoảng nhân đạo ở Iran và khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông mà không có chiến lược giải quyết.

Hành động của Mỹ với Iran cũng gây rạn nứt trong đồng minh phương Tây. Châu Âu từng ủng hộ mạnh mẽ chính sách Iran của Mỹ và sức ép chung mà châu Âu cùng Mỹ tạo ra đã có tác dụng tốt trong đưa Iran vào bàn đàm phán. Giờ đây, các nước châu Âu phản đối chính sách đơn phương của Tổng thống Donald Trump với Iran và thậm chí còn nỗ lực thiết lập cơ chế thanh toán thay thế cho đồng đô la khi giao dịch với Iran. 

Các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông cảm nhận được điểm yếu của Iran và đang lợi dụng. Khi áp lực ngày càng siết chặt, Iran đã và sẽ tiếp tục phản ứng bằng những hành động tất yếu. Những hành động này lại sẽ khiến Saudi Arabia hay Mỹ đáp trả. Nói cách khác, Chính quyền Mỹ đã khiến căng thẳng khu vực leo thang mạnh mà không có kế hoạch hiệu quả để giải quyết.

Mỹ hy vọng Iran sẽ khuất phục và sẽ trở lại bàn đàm phán, chấp nhận một thỏa thuận chặt chẽ hơn thỏa thuận đã ký năm 2015. Điều đó có thể xảy ra nhưng khả năng dễ xảy ra hơn nhiều là cuộc chiến tranh lạnh trong khu vực Trung Đông sẽ căng thẳng hơn và rủi ro tính toán sai lầm hoặc rủi ro chiến tranh sẽ gia tăng. Ngay cả khi Iran tạm thời nhượng bộ do bị dồn vào chân tường thì họ cũng sẽ không chịu như vậy lâu và sẽ tìm cách trả thù. 

Theo nhận định của Washington Post, con đường tới ổn định ở Trung Đông không thể đi theo hướng bóp nghẹt Iran. Cách đó sẽ chỉ gieo rắc thù hận, bất mãn, tạo ra một khu vực bất ổn hơn và tại đó, Mỹ sẽ sa lầy trong hàng chục năm. Đáng buồn là đó lại chính là con đường Chính phủ Mỹ đang theo đuổi.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.