Lo ngại bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
- Trung Quốc lớn tiếng với Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại
- Mỹ - Trung đạt thỏa thuận tránh nguy cơ chiến tranh thương mại
- Nga sẽ là "ngư ông đắc lợi" khi Mỹ-Trung chiến tranh thương mại?
Điều này không chỉ tác động đến hai nền kinh tế hàng đầu thế giới mà còn ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế 25% đối với các mặt hàng của Trung Quốc có tổng trị giá 50 tỷ USD, với cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, Trung Quốc đã có động thái đáp trả với việc công bố quyết định áp thuế bổ sung các mặt hàng của Mỹ với tổng giá trị cũng lên tới 50 tỉ USD.
Được Quốc vụ viện (Chính phủ) phê chuẩn, Ủy ban thuế quan Trung Quốc đã quyết định áp thuế bổ sung 25% đối với 659 mặt hàng của Mỹ tổng trị giá 50 tỷ USD. Theo tuyên bố của Ủy ban trên, mức thuế bổ sung đối với 545 mặt hàng tổng trị giá khoảng 34 tỷ USD, bao gồm nông sản và xe hơi, sẽ có hiệu lực từ ngày 6-7 tới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Thời gian áp thuế bổ sung đối với 114 mặt hàng còn lại sẽ được thông báo sau. Tuyên bố của ủy ban trên khẳng định quyết định này phù hợp với các quy định liên quan của Luật Ngoại thương Trung Quốc và quy định của Trung Quốc về thuế xuất nhập khẩu cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Thời gian áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng còn lại sẽ thông báo sau.
Ủy ban thuế quan Trung Quốc cũng cho biết, quyết định trên được đưa ra là căn cứ theo “Luật thương mại đối ngoại Trung Quốc” và “Quy định thuế quan Xuất nhập khẩu Trung Quốc” cũng như quy định cơ bản của luật pháp quốc tế.
Trước đó, hôm 15-6, với lý do “không thể tiếp tục bỏ qua tình trạng đánh cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ thông qua các quy định kinh tế không công bằng”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế 25% đối với các mặt hàng của Trung Quốc tổng trị giá 50 tỷ USD, đồng thời cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung nếu Trung Quốc dùng các biện pháp trả đũa. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ khẳng định “sẽ không xảy ra chiến tranh thương mại”.
Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) thông báo mức thuế mới 25% đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ được thực hiện theo hai đợt, trong đó đợt đầu tiên có hiệu lực từ ngày 6-7 tới đối với 818 danh mục sản phẩm trị giá 34 tỷ USD, sau đó sẽ tiếp tục có hiệu lực đối với 284 danh mục sản phẩm khác.
Gần như ngay lập tức, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc đã ra thông báo lấy làm tiếc trước động thái từ phía Mỹ, cho rằng Mỹ đã có động thái không “giữ lời” sau khi hai bên sau nhiều vòng đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại Trung - Mỹ đã đạt được những nhận thức chung quan trọng.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã chỉ trích Mỹ và cho rằng, động thái này không chỉ gây tổn hại các lợi ích song phương mà còn làm suy yếu trật tự thương mại quốc tế.
Ông Lục Khảng còn cảnh báo Trung Quốc sẽ có những hành động “đáp trả” tương xứng để bảo vệ lợi ích của nước này.
Sự trả đũa thương mại lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đã ngay lập tức khiến thị trường phố Wall giảm điểm ngày 15-6. Những diễn biến mới này trong quan hệ Washington và Bắc Kinh cũng đã làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại, có thể gây ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Tại Mỹ, nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin Brady, đứng đầu một trong những ủy ban có ảnh hưởng nhất tại Quốc hội Mỹ đã bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của những biện pháp này đối với các ngành công nghiệp, nông nghiệp, người lao động và người tiêu dùng Mỹ.
Trong khi đó, ông Thomas Donahue, Chủ tịch Tổ chức giới chủ thuộc Phòng thương mại Mỹ cũng cảnh báo những thiệt hại có thể đối với hàng triệu việc làm.
Theo giới quan sát, Chính phủ Mỹ đang theo đổi những mục tiêu khá mâu thuẫn nhau khi vừa tìm kiếm một thỏa thuận về CHDCND Triều Tiên với mong muốn nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc lại vừa muốn những nhượng bộ kinh tế từ phía Bắc Kinh để giảm thâm hụt thương mại.
Chính vì thế, ngay trong quyết định mới này, chính quyền Mỹ vẫn để ngỏ khả năng cho đối thoại khi giảm gần một nửa số mặt hàng chịu mức thuế mới so với đề xuất đưa ra hồi tháng 4 vừa qua của Tổng thống Donald Trump và không đưa vào danh mục những hàng hóa mà người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng như tivi, điện thoại đi động...
Trong vài tháng qua, những cảnh báo qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc áp đặt mức thuế mới lên hàng hóa xuất khẩu của đối phương đã khiến nhiều người quan ngại về viễn cảnh một cuộc chiến tranh thương mại bắt nguồn từ chủ trương bảo hộ và không “mặn mà” với toàn cầu hóa. Tuy nhiên, có nhận định rằng, nỗi lo sợ thế giới đang ở bên bờ một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trên thực tế đã bị phóng đại.
Bày tỏ nghi ngờ về năng lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với các vấn đề về thương mại, Giáo sư Richard Baldwin tại Viện Graduate ở Geneva (Thụy Sĩ) cho rằng, không phải người đứng đầu Nhà Trắng mà nông dân và các ngành công nghiệp lớn của Mỹ mới đóng vai trò trong chính sách thương mại quốc gia này.
Giáo sư Baldwin phân tích: “Tổng thống Donald Trump đe dọa Trung Quốc. Trung Quốc lại đe dọa nông sản xuất khẩu Mỹ. Người nông dân đề nghị Tổng thống Mỹ ngừng lại và ông ấy đã thực hiện như vậy”.
Theo quan điểm của vị giáo sư này, làn sóng toàn cầu hóa đầu tiên gây lo ngại về việc vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới, trong khi làn sóng thứ hai liên quan tới chuyên môn và làn sóng toàn cầu hóa thứ 3 sẽ lan tràn rộng rãi hơn.
Giáo sư Baldwin còn đặc biệt đánh giá cao các máy móc dịch thuật có thể giúp phá rào cản ngôn ngữ. Tuy nhiên, ông Baldwin cũng cảnh báo làn sóng toàn cầu hóa thứ 3 có khả năng dẫn tới khoảng cách giàu nghèo gia tăng.
Giáo sư Baldwin bên cạnh đó cũng tin rằng, chính quyền trong tương lai của Mỹ có thể sẽ tái gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).