"Lò lửa" Trung Đông tiếp tục bị đổ thêm dầu

Thứ Tư, 06/01/2016, 08:27
“Lò lửa” Trung Đông một lần nữa lại đối mặt với nguy cơ chia rẽ và căng thẳng sau khi Arab Saudi và Iran có những đụng độ liên quan đến việc chính quyền Ryiardh ban hành lệnh tử hình giáo sĩ Hồi giáo Nimr al-Nimr. Đỉnh điểm của vụ việc là hàng loạt các quốc gia Arab cùng đưa ra tuyên bố cắt đứt hoặc hạ thấp mức độ quan hệ ngoại giao với Tehran.

Tại cuộc họp hôm 4-1, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các cơ sở ngoại giao của Arab Saudi ở Thủ đô Tehran của Iran bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất. Đồng thời, Hội đồng Bảo an LHQ cũng kêu gọi nhà chức trách Iran hành động nhằm đảm bảo sự tôn trọng đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế của mình trong việc bảo vệ các cơ quan ngoại giao.

Các cuộc biểu tình phản đối việc Arab Saudi xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr vẫn tiếp diễn trên đường phố Thủ đô Tehran của Iran. Ảnh: EPA.

Phát biểu trước báo giới, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng bày tỏ quan ngại và cho rằng việc Arab Saudi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran là một điều đáng lo ngại. Theo quan điểm của Tổng Thư ký LHQ, Ngoại trưởng hai nước cần tránh bất cứ hành động nào có thể làm thổi phồng tình hình giữa Iran và Arab Saudi cũng như trong khu vực. Liên minh châu Âu (EU) thì kêu gọi các bên liên quan hành động một cách có trách nhiệm và khẳng định, EU sẽ tiếp tục giám sát tình hình giữa Iran và Arab Saudi.

Trong khi đó, Nhà Trắng kêu gọi Arab Saudi tránh làm gia tăng căng thẳng. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest còn tiết lộ thêm rằng, Ngoại trưởng John Kerry đang liên hệ chặt chẽ với Riyadh và Tehran để chuyển đi thông điệp của Mỹ. Một số quốc gia khác như Pháp, Đức, Australia… còn cảnh báo bất đồng gia tăng giữa Arab Saudi và Iran sẽ làm cản trở nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho xung đột ở Syria.

Nga thì tuyên bố sẵn sàng đóng vai trò trung gian giải quyết mâu thuẫn Arab Saudi – Iran. Riêng Liên đoàn Arab (AL) thì cho biết, theo đề nghị của Arab Saudi, AL đã tổ chức cuộc họp để thảo luận về các cuộc tấn công nhằm vào Đại sứ quán và Lãnh sứ quán của nước này ở Iran. Nhưng trong cuộc hop này, nhiều quốc gia đã tỏ thái độ ủng hộ, bênh vực Arab Saudi và chỉ trích “sự can dự của Iran vào công việc của các nước Arab”.

Việc Arab Saudi, quốc gia có đa số dân theo dòng Hồi giáo Sunni xử tử giáo sĩ Nimr al- Nimr đã làm dấy lên những hoạt động biểu tình lan rộng ở các quốc gia có đa số dân theo dòng Hồi giáo Shiite trong khu vực, điển hình là Iran. Cho đến tận chiều 5-1, các cuộc biểu tình phản đối Arab Saudi vẫn tiếp diễn trên đường phố Thủ đô Tehran của Iran và một số thành phố lớn khác.

Trước đó, vào hôm 3-1, trong một cuộc biểu tình quá khích, những người biểu tình đã tấn công Đại sứ quán Arab Saudi tại Tehran để thể hiện sự phản đối việc xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr. Chính quyền Riyadh từng biện luận rằng việc xử tử được thực hiện do giáo sĩ Nimr al-Nirm bị buộc tội đóng vai trò chủ chốt trong làn sóng biểu tình bùng phát ở miền Đông nước này hồi năm 2011.

Chưa hết, Arab Saudi cũng khẳng định các hành động của người biểu tình là nguyên nhân khiến quan hệ ngoại giao hai nước bị cắt đứt và yêu cầu toàn bộ nhân viên ngoại giao Iran phải rời khỏi nước này trong vòng 48 tiếng đồng hồ. 

Đáp lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaber Ansar tuyên bố nước này không theo đuổi chính sách làm gia tăng căng thẳng với Arab Saudi nhưng nhấn mạnh rằng, việc Riyadh cắt đứt quan hệ với Tehran sẽ không làm lãng quên “sai lầm lớn” là xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr.

Cộng đồng quốc tế những tưởng sóng gió giữa hai nước này rồi sẽ lắng dịu theo thời gian thì đến ngày 5-1, căng thẳng lại gia tăng, thậm chí biến thành một cuộc khẩu chiến trừng phạt. Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir khi trả lời Hãng Reuters cho biết, nước này sẽ tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Iran; cắt các hoạt động thương mại với quốc gia này và sẽ sớm ra lệnh cấm du lịch tới Iran đối với công dân Arab Saudi.

Tuy nhiên, các tín đồ Hồi giáo người Iran vẫn được chào đón khi hành hương tới vùng thánh địa Mecca và Medina. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif thì cho rằng, Arab Saudi đang cố tình tạo ra căng thẳng và gây áp lực tới các quốc gia khác trong khu vực. Một số quan chức khác trong chính quyền Tehran còn cáo buộc Riyadh xúi giục các quốc gia khác trong khu vực tẩy chay Iran.

Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, hiện Trung Đông đang trở thành “lò lửa” trong một cuộc chiến giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiites. Nếu như tại Pakistan, Afghanistan, các cuộc biểu tình hòa bình để phản đối vụ hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr vẫn tiếp diễn thì ở Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Sudan… chính phủ các nước này đã có tuyên bố hạ cấp hoặc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran.

Phan Hiển
.
.
.