Điều gì sẽ xảy ra sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran?

Thứ Ba, 15/05/2018, 08:34
Ngày 8-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện một trong những cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử và rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).

Theo giới phân tích chính trị, có ba vấn đề chính liên quan cần theo dõi sau quyết định này, gồm: Việc thực thi các biện pháp trừng phạt, chương trình hạt nhân của Iran và nhân tố khu vực.

Với quyết định rút khỏi JCPOA, Tổng thống Donald Trump đã phá vỡ cam kết của Washington thực thi thỏa thuận này, làm xói mòn uy tín của Mỹ trong lĩnh vực ngoại giao. Kết quả cuối cùng sẽ là một cơ chế trừng phạt yếu kém, một Iran với khả năng tái khởi động chương trình hạt nhân và một Trung Đông trở nên thậm chí còn bất ổn hơn mức độ vốn có.

Tổng thống Donald Trump xác nhận đã ký Bản ghi nhớ về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận JCPOA tại Nhà Trắng ở Washington DC., ngày 8-5.

Ở khía cạnh thứ nhất, mặc dù nhiều người trong nhóm ủng hộ Tổng thống Mỹ tin rằng, Washington có thể áp đặt ý chí của mình đối với phần còn lại của hành tinh này thông qua sức ép từ các biện pháp trừng phạt. Nhưng Mỹ sẽ thấy rất khó có thể lặp lại thành công của các chiến dịch trừng phạt từ năm 2006 đến năm 2013 mà đã buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán nếu phần lớn cộng đồng quốc tế phản đối nó.

Chiến dịch trừng phạt của kỷ nguyên đó được dựa trên 3 khái niệm có liên quan đến nhau: sức ép từ các biện pháp trừng phạt có thể làm thay đổi tính toán chiến lược của Iran, áp lực từ các biện pháp trừng phạt đa phương sẽ hiệu quả hơn là sức ép từ các biện pháp trừng phạt đơn phương, và sức ép có thiện ý, mang tính hợp tác và đa phương thậm chí còn tốt hơn.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, rõ ràng các khái niệm kia đã không tồn tại và không có sự biện minh công khai nào cho việc áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt, ngoài mong muốn công khai của Tổng thống Donald Trump là đạt được một “thỏa thuận tốt hơn”.

Nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump lại cung cấp rất ít chi tiết về các thành phần cấu thành một thỏa thuận như vậy, ngoài việc không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến chu trình nguyên liệu hạt nhân ở Iran. Việc đạt được một “thỏa thuận tốt hơn” sẽ đòi hỏi phải có sự nhất trí quốc tế trong việc gây thêm sức ép. Nhưng các đối tác quốc tế chủ chốt ở châu Âu và châu Á đều phản đối việc từ bỏ JCPOA. Việc mất đi sự ủng hộ quốc tế sẽ làm chậm lại tiến trình gây áp lực đối với Iran.

Một cơ chế trừng phạt yếu kém và rạn nứt như vậy sẽ đủ để đẩy Iran ra khỏi thỏa thuận hạt nhân, mà không phải gây sức ép làm tê liệt theo kiểu có thể dẫn đến những sự thỏa hiệp có ý nghĩa. Khi các công ty rời khỏi Iran và thương mại giảm đi đáng kể, những người ủng hộ thỏa thuận hạt nhân sẽ phải đối mặt với sức ép ngày một gia tăng từ phía những người theo đường lối cứng rắn và có khả năng theo thời gian sẽ bắt đầu vi phạm thỏa thuận. Châu Âu đã cam kết thực hiện phần việc của mình để tránh kết quả này.

Như lường trước được quyết định của Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhấn mạnh ý định trung thành với thỏa thuận này. Đã có sự luận bàn về việc trên thực tế duy trì JCPOA mà không có Mỹ. Nhưng châu Âu sẽ không thể mang lại cho Iran những lợi ích kinh tế theo kiểu mà Mỹ đã mang lại theo thỏa thuận này, và trong trường hợp có thể xảy ra là nỗ lực này bắt đầu thất bại, câu hỏi sẽ là: Còn bao lâu nữa cho đến khi Iran tái khởi động chương trình hạt nhân của nước này?

Việc tái khởi động chương trình này hoặc sẽ bắt đầu ngay lập tức hoặc sau khi EU và các nước khác đang làm ăn với Iran chứng tỏ rằng, họ không thể ngăn các công ty của họ rời bỏ Iran. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Iran sẽ lựa chọn hành động như thế nào. Dựa vào hành vi của nước này trong quá khứ chúng ta có thể tin rằng, Tehran sẽ không ngồi yên.

Ít nhất, Iran có thể tái khởi động một số hoạt động riêng rẽ mà không thúc đẩy chương trình hạt nhân của họ ở mức độ có ý nghĩa (như việc sản xuất thêm nước nặng hoặc hoạt động nghiên cứu và phát triển tập trung vào máy ly tâm phân tách urani). Họ có thể tiến thêm một bước nữa và tái khởi động một hoặc hai hoạt động (như lắp đặt hàng trăm máy ly tâm phân tách urani thế hệ cũ hơn hay làm giàu hơn 660 pound urani) hoặc phần nào giảm bớt sự hợp tác của họ với IAEA...

Việc Mỹ rút khỏi JCPOA sẽ khiến tình hình tại khu vực Trung Đông chẳng khá hơn. Mặc dù các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Israel hay Saudi Arabia đã tung hô quyết định của Washington, nhưng họ sẽ sớm tự thấy thất vọng sâu sắc.

Tổng thống Donald Trump đã lớn tiếng về việc chống lại hành vi của Iran trong khu vực, nhưng khi đi đến hành động thì rõ ràng là ông hầu như chẳng có lòng dạ nào tham gia một cuộc đối đầu khu vực lớn với Tehran hoặc bất kỳ chiến lược cố kết nào đối với việc làm thế nào để đẩy lùi những hành động xâm nhập của Iran trong khu vực. Syria là một trường hợp điển hình.

Người Israel ngày càng lo lắng về việc Iran thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài ở nước này và đã bắt đầu tự giải quyết vấn đề bằng các cuộc không kích ngày càng táo bạo tiêu diệt các máy bay chiến đấu của Iran.

Ngay lúc này, cả hai bên đang thử thách những giới hạn của nhau ở Syria. Nhưng, thay vì sử dụng chiến trường Syria làm cơ hội để đẩy lùi Iran, Tổng thống Donald Trump đã làm điều ngược lại hoàn toàn khi cắt đứt mọi sự ủng hộ dành cho một chương trình có từ kỷ nguyên người tiền nhiệm Barack Obama, vốn hỗ trợ các chiến binh đối lập người Syria gần biên giới Israel và giữ Iran bên ngoài khu vực Tây Nam, như đình chỉ khoản viện trợ trị giá 200 triệu USD, hay bắt đầu nói về việc rút khoảng 2.000 lính Mỹ khỏi Đông Bắc Syria, điều đã giúp các đồng minh người Kurd của Mỹ làm suy yếu đáng kể cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Chừng nào các lực lượng của Mỹ vẫn còn ở vùng lãnh thổ đó, họ sẽ gây khó khăn đáng kể cho khả năng Iran di chuyển các lực lượng dân quân Shiite giữa Iraq, Syria và Liban. Nhưng nếu Mỹ rời đi, sân chơi sẽ rộng mở đối với Iran.

Tại Iraq, việc rút khỏi JCPOA không thể đến vào thời điểm tồi tệ hơn. Hôm 12-5, Iraq tổ chức cuộc bầu cử quốc gia. Một thời kì đàm phán liên minh kéo dài, có xu hướng kéo dài nhiều tháng khi các đảng phái chính trị khác nhau vật lộn để hình thành một chính phủ mới, có khả năng sẽ diễn ra.

Trong 2 cuộc bầu cử trước đây vào năm 2010 và năm 2014, một liên minh chỉ có thể được hình thành khi hai bên tham gia bên ngoài có tầm ảnh hưởng lớn nhất, Mỹ và Iran, ngầm mặc nhận một thỏa thuận, và điều này sẽ cần phải diễn ra một lần nữa. Nhưng sau khi JCPOA sụp đổ thì một thỏa thuận như vậy liệu có khả thi hay không?

Đặng Hà (tổng hợp)
.
.
.