JCPOA sẽ “không chết” dù không có Mỹ

Thứ Sáu, 11/05/2018, 10:03
Đó là lời khẳng định của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ không tiếp tục tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran và Nhóm P5+1 ký kết năm 2015, và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.

Ngoài Pháp, các đồng minh châu Âu khác của Mỹ và Iran cũng cam kết duy trì JCPOA, dù không có Washington.

Phát biểu ngày 10-5 trên truyền hình quốc gia ARD và Deutsche Welle của Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, quyết định rút khỏi JCPOA của Mỹ là sai lầm và đó là lý do khiến châu Âu quyết định vẫn theo đuổi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các cường quốc châu Âu trong việc tái khẳng định cam kết của họ với JCPOA.

Theo nhà lãnh đạo Pháp, quyết định này của châu Âu giúp ngăn chặn Iran tái khởi động ngay lập tức các hoạt động hạt nhân, đồng thời tránh gây căng thẳng leo thang trong khu vực. Ông nhấn mạnh điều quan trọng nhất là duy trì sự ổn định và hòa bình ở khu vực Trung Đông và Trung Cận Đông. 

Một người dân tại Thủ đô Tehran theo dõi Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi JCPOA. Ảnh: Reuters.

Trước đó, Tổng thống Emmanuel đã thực hiện cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí theo đuổi nỗ lực chung với tất cả các quốc gia liên quan với mục tiêu tiếp tục thực thi JCPOA và duy trì ổn định khu vực.

Tổng thống Pháp đã hối thúc người đồng cấp Iran tôn trọng sự toàn vẹn của thỏa thuận JCPOA, bất chấp việc Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận này.

Ngoài ra, ông Macron cũng khẳng định với Tổng thống Rouhani về mong muốn của Paris duy trì sự tồn tại của JCPOA và hối thúc Tehran thực hiện điều tương tự. 

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh Berlin cam kết tiếp tục duy trì thỏa thuận và sẽ nỗ lực hết sức để Iran vẫn tuân thủ trách nhiệm theo những cam kết đã ký.

Theo Thủ tướng Merkel, Đức, Pháp và Anh rất “quan ngại” và “lấy làm tiếc” về quyết định của Mỹ đối với một thỏa thuận đạt được sau tiến trình đàm phán tốn rất nhiều công sức. 

Nhà lãnh đạo Đức cũng cảnh báo JCPOA là “một trụ cột quan trọng không thể nghi ngờ”, rằng quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho thấy châu Âu cần phải tự đảm trách nhiều trách nhiệm hơn về chính sách an ninh và đối ngoại trong tương lai.

Theo đánh giá của các nhà ngoại giao và chính khách châu Âu thuộc Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu, quyết định rút khỏi JCPOA của Mỹ đồng nghĩa với việc “tự bắn vào chân mình”.

Dựa trên tình hình thực tế, quyết định trên đã, đang và sẽ tạo thêm khoảng cách giữa Washington và các đồng minh tại châu Âu. Các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức đã đồng loạt khẳng định sẽ trung thành với JCPOA bất chấp quyết định của ông Donald Trump.

Trong tuyên bố hôm 9-5, Tổng thống Mỹ thể hiện chủ ý muốn mở thời kỳ ngoại giao mới với Iran. Thế nhưng, nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn về việc liệu ông Donald Trump có đạt được thành quả tốt hơn người tiền nhiệm Barack Obama hay không.

Chuyên gia Nicholas Miller tại Đại học Dartmouth (Mỹ) nhận định phải mất 30 năm sử dụng ngoại giao và nhiều nhân tố khác để Iran “gật đầu” với JCPOA và hạn chế chương trình hạt nhân. Nếu cố gắng để đạt được thỏa thuận tốt hơn mà thiếu những điều kiện thuận lợi thì sẽ chỉ là kết quả viển vông. 

Chưa hết, quyết định của Mỹ còn khiến nền kinh tế nước này chịu tác động không hề nhỏ. Sản lượng khai thác dầu của Iran nhiều khả năng giảm dẫn đến giá “vàng đen” tăng.

Trong khi đó, sản lượng dầu thô trên toàn thế giới trong thời gian qua vốn đã giảm do bất ổn tại Venezuela, tình hình mất cân bằng địa chính trị ở Trung Đông và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chủ trương cắt giảm sản lượng khai thác.

Các công ty năng lượng của Mỹ có khả năng “gồng mình” để bù đắp cho thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức riêng như thiếu nhân sự, cơ sở hạ tầng… 

Từ đó, người tiêu dùng Mỹ sẽ dễ dàng nhận ra tác động với ví tiền của họ. Đây đồng thời cũng là một thách thức địa chính trị và kinh tế mới đối với Tổng thống Donald Trump.

Nhiều nhà quan sát nhận định thông qua quyết định này, Mỹ muốn gửi thông điệp cứng rắn tới CHDCND Triều Tiên trước thềm Thượng đỉnh Mỹ-Triều, rằng Washington sẽ không chấp nhận một thỏa thuận hạt nhân không phù hợp với mục tiêu của nước này. Tuy nhiên, khi JCPOA đổ vỡ, thì cũng chả có hi vọng đạt được một giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Bình Nhưỡng sẽ xem thất bại trong thỏa thuận hạt nhân này là bằng chứng cho thấy Mỹ là người không đáng tin, ngay cả khi họ đặt tên mình lên một thỏa thuận quốc tế. Nhìn từ Bình Nhưỡng, cách duy nhất để răn đe Mỹ luôn là xây dựng năng lực hạt nhân có thể tấn công hoặc đáp trả mạnh mẽ.

Giờ đây, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cảm thấy sự không khoan nhượng của mình đã được chứng minh và càng tin chương trình hạt nhân của mình sẽ là chìa khóa quyết định sự sống còn của chế độ.

Những bài học được rút ra từ số phận của nhiều nhà lãnh đạo Trung Đông như Tổng thống Iraq Saddam Hussein hay nhà lãnh đạo Libya Muammer Gaddafi – những người cũng từng có tham vọng theo đuổi hạt nhân, có lẽ đã giúp Nhà lãnh đạo Triều Tiên tin rằng, vũ khí hạt nhân sẽ giúp ông tránh được số phận tương tự.

Bên cạnh đó, việc người đứng đầu Nhà Trắng phủ nhận JCPOA, vô hình trung ông đang củng cố niềm tin của nhà lãnh đạo Triều Tiên rằng, rất đáng để đặt cược vào vũ khí hạt nhân.

Nhiều quan chức quân sự về hưu của Mỹ cảnh báo quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng không chỉ gây ra một cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông, mà còn làm leo thang hơn nữa căng thẳng hạt nhân với Triều Tiên và làm phức tạp thêm chiến dịch quân sự kéo dài nhiều năm qua của Mỹ tại Afghanistan. Các quan chức này nhấn mạnh, đây không phải là diễn biến tích cực đối với nước Mỹ hay thế giới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.