Di cư bất hợp pháp: Bài toán hóc búa không chỉ của nước Anh
- Truy tìm hai anh em liên quan đến vụ 39 thi thể trong container
- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao điện đàm với Quốc Vụ khanh Anh về vụ 39 thi thể
- Bộ trưởng Tô Lâm trả lời về vụ 39 thi thể trong container ở Anh
Mạng lưới buôn người toàn cầu đứng đằng sau?
Trong phiên toà đầu tiên xét xử tài xế chiếc xe container Maurice Robinson - người duy nhất cho tới nay bị buộc tội có liên quan đến cái chết của 39 người nhập cư trên, diễn ra hôm 28-10 (giờ địa phương) tại tòa thẩm phán Chelmford (Anh), nữ Công tố viên Ogheneruona Iguyovwe khẳng định rằng: “Tài xế này là một mắt xích trong đường dây buôn người toàn cầu, tiếp tay cho lượng lớn người nhập cư trái phép vào Anh”.
Bà trích dẫn “bản chất và mức độ nghiêm trọng” các tội danh của tài xế 25 tuổi và yêu cầu Maurice phải bị tạm giam. Theo đó, Maurice tiếp tục bị giam giữ và sẽ xuất hiện tại tòa hình sự Old Bailey, London, Anh vào cuối tháng 11.
Mỗi ngày, vẫn có hàng trăm người luôn tìm cách vượt biên theo nhiều cách khác nhau để tới được “miền đất hứa” châu Âu. Ảnh: Metro.co.uk |
Ngay sau phiên tòa trên, truyền thông địa phương đã đồng loạt đăng tải thông tin tài xế Maurice là thành viên của một băng nhóm buôn người toàn cầu và băng nhóm này tạo điều kiện cho việc di chuyển số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp vào Vương quốc Anh trong rất nhiều năm qua nhưng chưa bị phát hiện.
Truyền thông Anh dẫn lời Cơ quan kiểm soát tội phạm quốc gia Anh (NCA) nhấn mạnh, mạng lưới buôn người này có “chân rết” tại nhiều quốc gia và hoạt động xuyên biên giới, khiến các lực lượng chức năng khó kiểm soát.
Theo tờ Telegraph của Anh, mạng lưới buôn người trên nằm ở Cộng hòa Ireland và đã bị các lực lượng chức năng nước sở tại điều tra hơn 1 năm nay. Cụ thể, từ hơn một năm trước, Cục Tài sản Tội phạm (CAB) của Cộng hòa Ireland, đơn vị chịu trách nhiệm điều tra tài sản thu được từ các vụ án, đã bắt tay điều tra liệu các thành viên của mạng lưới này có hành vi buôn lậu thuốc lá và rượu vào Anh hay không. Mạng lưới tội phạm này hoạt động ở hạt Armagh thuộc Bắc Ireland và ở hạt Monaghan thuộc Cộng hòa Ireland.
Có thông tin rằng, sau nhiều năm buôn lậu rượu và thuốc lá vào Anh và Cộng hòa Ireland, gần đây, chúng bắt đầu phân nhánh sang có các hoạt động buôn người, thông qua liên lạc với các băng nhóm tội phạm quốc tế khác.
Thông tin trên làm dấy lên câu hỏi làm sao đường dây này vẫn tiếp tục hoạt động dù đã nằm trong tầm ngắm điều tra, và liệu phía Cộng hòa Ireland đã chia sẻ thông tin tình báo gì với nhà chức trách Anh. Người phát ngôn của CAB từ chối nói về quy mô cuộc điều tra, liệu cơ quan đã có những hành động gì, hay đã chia sẻ thông tin tình báo gì với bất kỳ cơ quan nào ở Cộng hòa Ireland hoặc ở Anh.
Ông Steve Harvey – cựu quan chức cấp cao cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) và là một chuyên gia nghiên cứu về buôn người – cho rằng, trong trường hợp có sự di chuyển qua biên giới thì khả năng lớn là “thông tin tình báo cơ bản” như danh tính hay các chi tiết nhỏ của các nghi can sẽ được các nước chia sẻ với nhau.
Nếu nhà chức trách Cộng hòa Ireland đã nghĩ rằng, mạng lưới tội phạm này có liên quan đến hoạt động buôn người, câu hỏi đặt ra là tại sao mạng lưới này vẫn được tiếp tục hoạt động và dẫn đến hậu quả này. Xuất phát từ nhận định trên, Bộ trưởng Nội địa Đức Horst Seehofer cảnh báo rằng, châu Âu có thể mất kiểm soát đối với vấn đề nhập cư nếu không có sự phối hợp về thông tin.
“Nếu chúng ta tách rời tất cả các nước ra khỏi đường biên giới của EU, chúng ta sẽ không bao giờ có một chính sách tị nạn chung của khối. Nếu không có chính sách tị nạn chung của EU, thì điều nguy hiểm là chúng ta sẽ mất kiểm soát đối với dòng người tị nạn thêm một lần nữa. Chúng ta muốn hạn chế nhập cư và muốn nó được tiến hành có trật tự”, ông Seehofer nói.
Cần phải xem lại chính sách nhập cư
Ở “Lục địa già”, sử dụng người nhập cư là một cách để mở rộng thị trường lao động, với chi phí thấp hơn so với thuê lực lượng lao động bản địa. Mặt khác, tỷ lệ sinh ở châu Âu cũng đang ở mức thấp. Các quốc gia này cần người nhập cư nhiều năng lượng, sức trẻ và kỹ năng để làm những việc mà dân bản địa không thể hoặc không muốn làm. Do vậy, ngày càng nhiều người nhập cư đã tìm cách vượt biên vào châu Âu cùng giấc mơ đổi đời.
Theo thống kê, mỗi ngày, vẫn có hàng trăm người luôn tìm cách vượt biên theo nhiều cách khác nhau, từ trèo qua hàng rào ở Morocco để tới lãnh thổ Tây Ban Nha, chen chân trong xe tải từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc lên tàu di chuyển sang các nước có “chính sách mềm” với người nhập cư tại châu Âu. Dù vậy, tất cả đều hiểu viễn cảnh tồi tệ nhất là bị bắt giữ, đưa vào trại tị nạn, bị phạt tiền rất nặng, hay nặng nhất là bị bỏ tù, rồi trục xuất.
Thế nhưng, song song với những “chính sách mềm” đó, thì hệ thống chính sách nhập cư vào châu Âu lại là mang tính khắt khe nhất toàn cầu. Con đường nhập cư chính thức vào các nước châu Âu thường phải mất nhiều năm đi kèm với những rào cản phức tạp về pháp lý, do đó, người di cư buộc phải chọn cách bất hợp pháp.
Truyền thông Anh đặt ra một câu hỏi rằng: Liệu những chính sách nhập cư khắt khe, những hành động tiếp nhận di dân dè dặt và cả những biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ của EU có phải là một phần lý do khiến hàng triệu người chấp nhận dấn thân vào những hành trình dài và nguy hiểm hơn, để tự tìm cơ hội đến nơi mà họ coi là “vùng đất hứa”?
Giám đốc của Tổ chức ủng hộ quyền lợi nhập cư Pro Asyl của Đức, ông Günter Burkhardt nhận định rằng: “Nếu các chính sách ủng hộ việc đóng cửa đường tới EU với người tị nạn thì đó cũng là một 'đồng phạm' trong việc đẩy người nhập cư và người tị nạn vào tay những kẻ buôn người”. Và khi đó, thảm kịch tại Essex có thể sẽ không phải là cuối cùng.
Cái chết của 39 người nhập cư trong xe container ở Anh đã một lần nữa cho thấy những rủi ro khủng khiếp mà những người nhập cư lậu phải đối mặt khi đi qua các cảng để đến Anh. Những chiếc xe tải đông lạnh giống như chiếc xe trong vụ việc xảy ra ở Essex có thể được sử dụng để qua mặt hệ thống camera tầm nhiệt nhằm che giấu những người nhập cư bất hợp pháp bên trong.