Sau vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên: ‘Cơn mưa’ trừng phạt và những nghi vấn

Thứ Sáu, 08/01/2016, 08:20
Ngày 7-1, tức một ngày sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom hydrogen (hay còn gọi là bom H, bom nhiệt hạch), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đã họp khẩn, đưa ra những nhận định mới về tình hình ở bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Hàn Quốc lại phối hợp với các nước láng giềng và quốc gia đồng minh để tìm kiếm các giải pháp trừng phạt mới nhằm vào Bình Nhưỡng.


Theo tin từ hãng AP, rạng sáng 7-1 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an LHQ đã tiến hành một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận các biện pháp đối phó với tình huống nghiêm trọng nảy sinh từ việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố tiến hành thử bom H. Kịch liệt lên án vụ thử này và khẳng định đây là hành động vi phạm trắng trợn các nghị quyết 1718 (năm 2006), 1874 (2009), 2087 và 2094 (năm 2013) của Hội đồng Bảo an LHQ cũng như cơ chế không phổ biến hạt nhân, các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí coi đây là mối đe dọa rõ ràng đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Mặc dù chưa đưa ra các biện pháp trừng phạt, song Hội đồng Bảo an LHQ cũng khẳng định sẽ sớm thực thi “những biện pháp mạnh mẽ” như cảnh cáo hoặc áp dụng thêm lệnh trừng phạt mới nếu Bình Nhưỡng vẫn còn tiếp tục những hành động kiểu này.

Sau vụ thử bom H của CHDCND Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc đã triển khai thêm binh sĩ và khí tài tới sát khu vực biên giới. Ảnh: Getty.

Cùng quan điểm này với LHQ, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano nêu rõ: “Vụ thử này, nếu được xác nhận là đã xảy ra, rõ ràng là hành vi vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Tôi kêu gọi CHDCND Triều Tiên thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ”… Tin từ hãng Reuters cho hay, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Bulgaria, Đức, Pháp cũng đều bày tỏ mối lo ngại về vụ việc này.

Trong khi đó, là quốc gia nằm sát cạnh CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc cũng đã có những động thái mà giới quan sát nhận định là như “chuẩn bị cho một cuộc chiến có nguy cơ xảy ra”. Hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, ngay trong chiều 6-1, quân đội Hàn Quốc đã di chuyển nhiều khí tài và triển khai thêm bộ binh tới khu vực biên giới với Hàn Quốc.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc ra quyết định hạn chế sự di chuyển vào khu công nghiệp liên Triều đối với các công dân Hàn Quốc phần lớn là các doanh nhân đầu tư trong khu công nghiệp chung Keasong từ ngày 7-1. Tình trạng báo động cao được ban bố khắp Hàn Quốc. Giới chức Hàn Quốc thì thực hiện ngay lập tức các hoạt động ngoại giao như con thoi đối với nước láng giềng Trung Quốc, Nhật Bản và các nước đồng minh trong đó có Mỹ.

Đầu tiên, Đặc phái viên của Hàn Quốc về hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên Hwang Joon-kook đã có cuộc tham vấn với những người đồng cấp ở Mỹ và Nhật Bản. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo cũng điện đàm nói chuyện trực tiếp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhờ trợ giúp.

Cụ thể, ông Han Min-kook đã đàm phán với Washington để triển khai vũ khí chiến lược của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên và thực hiện ngay biện pháp trả đũa đầu tiên bằng việc khôi phục lại hệ thống loa phát thanh được lắp đặt dọc biên giới liên Triều. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đưa ra cam kết vững chắc là bảo vệ Seoul bằng mọi phương tiện răn đe trước những mối đe dọa hạt nhân từ phía CHDCND Triều Tiên.

Và cùng với việc thảo luận và xem xét phương cách để ngăn cản nguy cơ thử hạt nhân mới của Bình Nhưỡng, các quốc gia cũng đã cử nhiều nhân viên tình báo tinh nhuệ để tìm hiểu sự thực về những lời tuyên bố thử thành công bom H của CHDCND Triều Tiên. Mỹ là quốc gia đầu tiên đưa ra nghi ngờ này bằng tuyên bố của phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest.

Ông Josh Earnest cho rằng, các phân tích ban đầu không phù hợp với tuyên bố mà Bình Nhưỡng đưa ra. Ủy ban tình báo Hàn Quốc thì nhận định, thiết bị mà CHDCND Triều Tiên thử có sức công phá khoảng 6 kilo tấn, tương đương 6.000-7.000 tấn thuốc nổ TNT. Bộ Quốc phòng Nhật Bản thì điều ngay 3 máy bay thu thập các mẫu bụi có thể chứa phóng xạ trong không khí rồi gửi các mẫu bụi này tới Trung tâm phân tích hóa chất Nhật Bản.

Còn các chuyên gia về vũ khí hạt nhân thì cho rằng, cần phải xem xét kỹ các dấu hiệu về khả năng xảy ra một vụ thử bom H thật như Bình Nhưỡng tuyên bố. Đó là dấu hiệu về cơn địa chấn 5,1 độ richter mà cơ quan khảo sát địa chất Mỹ đã ghi lại được hôm 6-1; những thay đổi về sóng địa chất; bụi phóng xạ và cả thực chất về sự phát triển hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Được biết, bom H là một quả bom kép, tức là phải cho nổ bom nguyên tử để tạo điều kiện cho phản ứng nhiệt hạch. Năng lượng giải phóng từ vụ nổ này có thể phá hủy mọi thứ trong vòng bán kính vài km. Nhiệt lượng cực lớn có thể gây ra các cơn bão lửa; ánh sáng trắng cường độ cao từ vụ nổ có thể gây mù lòa. Bụi phóng xạ và các sản phẩm phụ của phản ứng như cesium-137 và strontium-90 có thể đầu độc các sinh vật sống, ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước trong hàng trăm năm.

Gia Nam
.
.
.