Chưa nhậm chức, Tổng thống đắc cử Brazil đã gặp khó trong chính sách
Tổng thống đương nhiệm Brazil Michel Temer và Tổng thống đắc cử Jair Bolsonaro. Ảnh Reuters |
Tổng thống đắc cử Brazil, ông Jair Bolsonaro, đang phải đối mặt với trở ngại đầu tiên trong kế hoạch nhằm giảm thâm hụt ngân sách khổng lồ của đất nước vào ngày 7-11, khi Thượng viện nước này chấp nhận mức tăng lương 16%, một phán quyết đi ngược lại với mong muốn của ông.
Ông Jair Bolsonaro giành được chiến thắng trong cuộc tranh cử tổng thống Brazil hồi tháng trước trong bối cảnh đất nước Nam Mỹ này đang đối mặt với tình trạng tham nhũng và khủng hoảng kinh tế, vấn đề mà cả ông và những cử tri ủng hộ ông đều đổ lỗi cho việc nắm quyền quá lâu của đảng Lao động cánh tả, theo Reuters.
Ông Bolsonaro sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 1-1-2019, đã bắt đầu nêu ra những đề cử cho những vị trí quan trọng trong nội các, đưa ra tầm nhìn của mình cho chính phủ, nhưng cũng giống như các lãnh đạo tiền nhiệm, ông nhận ra rằng tạo ra sự thay đổi lớn tại Brazil là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông đã nói với các phóng viên rằng đây “không phải thời điểm” để đồng ý phê duyệt việc tăng lương. Tuy nhiên Thượng viện nước này vẫn tiếp tục và đã thông qua một dự luật tăng lương cho thẩm phán, và điều này đã được coi như là một tiêu chuẩn về lương cho các khu vực công khác. Với quyết định này đồng nghĩa với việc Brazil phải đối mặt với mức thâm hụt khoảng 4 tỷ reais (tương đương 1 tỷ USD) vào năm tài khóa 2019.
Chiến dịch của ông Bolsonaro nhằm sáp nhập các bộ nông nghiệp và môi trường của Brazil cũng không như ý muốn.
Ông Bolsonaro trước đó đã đề cử đại biểu Quốc hội Tereza Cristina, lãnh đạo của liên hiệp trang trại Brazil, làm bộ trưởng Nông nghiệp sau khi ông chính thức nhậm chức. Ông cũng bỏ kế hoạch ban đầu của mình nhằm sáp nhập hai bộ này lại.
Quyết định sáp nhập này đã hứng chịu sự phản đối kịch liệt từ các nhà môi trường, những người cho rằng kế hoạch có thế dẫn đến sự bùng nổ của phá rừng, trong khi một số người trong ngành nông nghiệp cho rằng nó có thể làm căng thẳng các mối quan hệ về thương mại.
Ông Bolsonaro thì khẳng định muốn giảm số lượng các bộ và đã lên kế hoạch sáp nhập bộ Lao động với một bộ khác, nhưng không cung cấp chi tiết.
Trong ngày thứ hai trở lại thủ đô Brasilia với tư cách là Tổng thống đắc cử, ông Bolsonaro đã gặp Tổng thống đương nhiệm Michel Temer để thảo luận về triển vọng cho những gì mà nhiều người cho là cần thiết cho cải cách kinh tế.
Ông Bolsonaro đầu tuần này cho biết ông sẽ thảo luận với ông Temer về sự cần thiết phải xem xét lại chính sách tăng lương hưu vào năm nay để kiểm soát tốt hơn thâm hụt ngân sách.
Trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp, ông Temer cho biết ông đã mời ông Bolsonaro cùng tham dự hội nghị G20 cùng với ông từ ngày 30-11 đến 1-12 năm nay tại Buenos Aires, Argentina như một phần của sự chuyển giao quyền lực.
Ông Bolsonaro ngày 7-11 cũng cho biết ông sẽ giành ưu tiên cho giải pháp giải quyết vấn đề an ninh công cộng, một nền tảng trung tâm trong chương trình chính trị của vị cựu sĩ quan quân đội Brazil, nhấn mạnh vào luật pháp và trật tự.
Ông Augusto Heleno, người đứng đầu một nhóm các tướng lĩnh quân đội về hưu ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Bolsonaro, sẽ đảm nhận vị trí cao nhấ của cơ quan an ninh quốc gia trong nội các mới. Ông Heleno trước đó được cho là sẽ nắm chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Brazil.
Ông Bolsonaro cho phóng viên được biết giám đốc điều hành của công ty dầu khí nhà nước Petroleo Brasileiro SA của Brazil, Ivan Monteiro, sẽ không có mặt trong chính quyền mới.
Giành thắng lợi tại vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Brazil hôm 28/10, ông Bolsonaro đã tuyên bố sẽ thực hiện một chương trình cải tổ mạnh mẽ với ba trụ cột ưu tiên là cuộc chiến chống tham nhũng, cải cách hệ thống lương hưu và giảm thâm hụt ngân sách.