Chiến lược chống khủng bố mới của Mỹ nhằm thẳng Iran

Thứ Sáu, 05/10/2018, 08:47

Chiến lược chống khủng bố mới được công bố của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dành nhiều ưu tiên hơn cho Iran cũng như các nhóm cực đoan mà nước này hậu thuẫn, một động thái của Washington nhằm tăng thêm áp lực lên Tehran.

Cố vấn ANQG Mỹ John Bolton. Ảnh Reuters

Chiến lược chống khủng bố mới của Mỹ được Cố vấn ANQG John Bolton công bố ngày 4-10, cũng là chiến lược mới nhất được công bố kể từ năm 2011 khi chính quyền Tổng thống đương thời Obama đưa ra quan điểm chống khủng bố nhằm vào những mối đe dọa từ al Qaeda sau khi thủ lĩnh của tổ chức khủng bố này bị tiêu diệt.

Việc đưa Iran vào “trọng tâm” lần này phản ánh nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc kiềm chế sự ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông, tiến tới cắt giảm chương trình tên lửa đạn đạo của nước này cũng như buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán bằng cách áp đặt thêm nhiều lệnh trừng phạt.

Theo Reuters, Iran chỉ được trích dẫn duy nhất một lần, trên trang áp chót của chiến lược chống khủng bố năm 2011 với tư cách là một nước tài trợ “tích cực” của “khủng bố”.

Tuy vậy, chiến lược mới này cho thấy chính quyền Trump đã đặt Iran vào trọng tâm của Mỹ, bên cạnh các nhóm, tổ chức khác ở Trung Đông như phiến quân Hồi giáo Sunni ở Syria và Iraq.

“Ngoài ra, Mỹ phải đối mặt với các mối đe dọa khủng bố từ Iran, quốc gia vẫn được coi là một nước tài trợ cho khủng bố, thực sự là một ngân hàng trung ương của chủ nghĩa khủng bố quốc tế từ năm 1979,” Cố vấn ANQG Mỹ nhấn mạnh.

“Các nhóm khủng bố được Iran tài trợ như Hezbollah tại Lebanon, Hamas và Jihad tại Palestine tiếp tục gây ra mối đe dọa đối với nước Mỹ và lợi ích của chúng ta,” ông Bolton cho biết.

Cố vấn ANQG Mỹ cho rằng “các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan” là mối đe dọa xuyên quốc gia đối với Mỹ và lợi ích của nước Mỹ ở nước ngoài.

Ông cũng thừa nhận rằng “các thử thách vẫn còn tồn tại” mặc dù các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn đã chiếm giữ hầu hết các khu vực ở Syria và Iraq vốn bị chiếm đóng bởi IS một vài năm trước đây.

Vốn ở thế đối địch từ cuộc Cách mạng Iran năm 1979, Washington và Tehran ngày càng có nhiều đối lập kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 hồi tháng 5 vừa qua và bắt đầu tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran.

Không dừng lại ở đó, Mỹ có kế hoạch áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới nhằm vào ngành dầu mỏ của Iran, dự kiến có hiệu lực vào ngày 4-11 tới đây. Ông Bolton nhấn mạnh rằng chính quyền Trump đã vạch ra mục đích nhằm buộc tất cả những nhà nhập khẩu dầu thô từ Iran cắt giảm lượng dầu mua của họ xuống 0, hay nói cách khác là dần phải ngừng mua dầu thô từ Iran.

“Mục tiêu của chúng tôi là sẽ không có bất kỳ một sự miễn trừ nào trong các lệnh trừng phạt và khiến ngành xuất khẩu dầu, khí đốt và sản phẩm hóa dầu khác của Iran trở về con số 0,” ông Bolton cho biết.

Cố vấn ANQG Mỹ John Bolton vốn là một người có quan điểm rất khắt khe đối với Iran và tin tưởng rằng việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt đang gây áp lực đối với lãnh đạo Iran.

Ông Bolton còn cho biết, đòn công kích của chiến lược này bao gồm cả việc truy lùng những phần tử cực đoan “đến tận nguồn gốc” của chúng và ngăn cách những phần tử cực đoan “khỏi nguồn hỗ trợ của chúng”. Ngoài ra, chiến lược này cũng nhằm vào những nguồn hỗ trợ của Iran cho các nhóm như Hezhollah và Houthis ở Yemen.

Các tài liệu về chiến lược chống khủng bố lần này đã vạch ra kế hoạch chi tiết của chính quyền Mỹ nhằm giải quyết các mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan, từ các biện pháp quân sự đến hoạt động tình báo cũng như hợp tác với các đối tác và đồng minh và áp đặt các biện pháp trừng phạt và các công cụ tài chính khác.

Trong khi cựu Tổng thống Mỹ Obama năm 2011 có chiến lược nhấn mạnh đến các nguyên tắc trong đó có việc tôn trọng quyền con người, thúc đẩy quản lý tốt và luật pháp thì chiến lược dưới thời ông Trump lại dành ít sự quan tâm đến những vấn đề kể trên.

Duy Tiến

.
.