Tương lai nào cho vòng xoáy căng thẳng Mỹ - Iran?

Thứ Năm, 27/09/2018, 07:47
Những kỳ vọng về một cuộc gặp có thể tạo nên bước đột phá giữa Mỹ và Iran đã tan thành bọt biển, sau khi hai nhà lãnh đạo có màn tranh cãi không khoan nhượng tại kỳ họp cấp cao thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) diễn ra vào ngày 25-9 (giờ địa phương).

Tiếp tục đối đầu gay gắt

Cùng có mặt tại Đại hội đồng LHQ hôm 25-9, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani từ chối gặp mặt nhau. Thậm chí, thông qua bài phát biểu của mình, cả hai nhà lãnh đạo đã có những chỉ trích nặng nề nhằm đến người còn lại. Tổng thống Mỹ cho rằng chính Iran đã “gieo rắc sự hỗn loạn khắp khu vực. "Những nước láng giềng của Iran đã chịu ảnh hưởng nặng nề về chính sách mở rộng thô bạo của quốc gia này". Từ đó, Tổng thống Trump kêu gọi các quốc gia "phải cô lập chính quyền Iran".

Cần lưu ý rằng, kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế mà Iran và Nhóm P5+1 đã ký kết, được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA vào tháng 5 vừa qua, quan hệ giữa Mỹ và Iran lại rơi vào một vòng xoáy khủng hoảng mới, nhất là khi Washington hồi tháng 8 tuyên bố tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Mỹ cũng khẳng định Iran sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn về kinh tế khi vòng trừng phạt thứ 2 của Mỹ nhằm vào ngành năng lượng của Tehran có hiệu lực ngày 5-11 tới.

Đáp lại, Tổng thống Iran Hassan Rouhani chỉ trích quyết định áp thêm các lệnh trừng phạt lên Iran của Tổng thống Trump là một hình thức của "khủng bố kinh tế", đồng thời cáo buộc chính quyền Mỹ đang nỗ lực lật đổ chính phủ của ông. Dù không trực tiếp chỉ đích danh Tổng thống Trump, nhưng Tổng thống Iran đã tuyên bố rằng, một số nhà lãnh đạo thế giới đang hủy hoại an ninh thế giới bằng "sự thiếu thận trọng và không tuân thủ các giá trị và thể chế quốc tế". Tìm kiếm giải pháp ứng phó.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang trở nên gay gắt, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách đối ngoại Federica Mogherini cùng ngày thông báo các nước thành viên của khối sẽ thiết lập một cơ chế thanh toán để cho phép các công ty dầu lửa tiếp tục làm ăn với Iran và tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ, CNBC đưa tin. Tuyên bố giữa EU và Iran, được đưa ra bên lề khóa họp của Đại hội đồng LHQ, khẳng định cơ chế thanh toán mới sẽ tạo điều kiện dễ dàng trong các hoạt động xuất, nhập khẩu dầu của Iran, đồng thời hỗ trợ và đảm bảo các công ty được tiếp tục làm ăn hợp pháp với Iran.

Những diễn biến căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo tại kỳ họp của Đại hội đồng LHQ dấy lên lo ngại về tương lai mối quan hệ giữa 2 quốc gia. Ảnh: Iran Observer.

Thông báo của bà Mogherini được công bố chỉ một ngày sau khi các bên còn lại tham gia thỏa thuận JCPOA (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga) đạt nhất trí tiếp tục nỗ lực thành lập một cơ chế đặc biệt để duy trì thương mại với Iran. Theo đó, EU cùng Nga, Trung Quốc và Iran nhấn mạnh quyết tâm "bảo vệ quyền tự do của các công ty của mình trong việc theo đuổi hoạt động kinh doanh hợp pháp với Iran".

Thế nhưng thực tế là, bất chấp các nỗ lực của EU nhằm bảo vệ các công ty làm ăn với Iran, một số tập đoàn lớn như tập đoàn năng lượng Total, hãng xe Peugeot của Pháp, Công ty Siemens, Daimler của Đức đã dừng hoạt động ở Iran do lo ngại phải hứng chịu đòn trừng phạt của Mỹ. Trong bối cảnh đó, Sputnik đưa tin, ngày 25-9, Đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Iran, ông Brian Hook cho biết Washington đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác châu Âu trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.

Phát biểu với báo giới, ông Hook nhấn mạnh: "Chúng tôi đang hợp tác rất chặt chẽ với các đối tác châu Âu", đồng thời khẳng định Washington không quan tâm đến việc theo đuổi một cơ chế nào khác.

Có hay không cơ hội đàm phán?

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 25-9 tuyên bố, bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai với Mỹ nên dựa vào khuôn khổ của thỏa thuận hạt nhân quốc tế JCPOA và Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ, Truyền thông nhà nước Iran đưa tin. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định ông sẽ không gặp đại diện tới từ Iran cho đến khi Tehran thay đổi giọng điệu của mình.

Theo các nhà phân tích, sự đối đầu trực diện đầy gay gắt ngay tại một diễn đàn quốc tế giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran  đang làm rõ nét hơn lập trường cứng rắn và những bất đồng khó có thể đàm phán giữa hai bên, ít nhất là trong tương lai gần. Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng, việc đối thoại nếu được thực hiện sẽ giải tỏa bớt bầu không khí căng thẳng và kiềm chế bất đồng leo thang giữa hai quốc gia, đồng thời hạn chế ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng dầu toàn cầu cũng như nền kinh tế thế giới.

An Nhiên
.
.
.