Các nước yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp trên Biển Đông

Thứ Sáu, 22/04/2016, 06:06
Sáng 21-4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã có bài diễn văn về chính sách của Mỹ đối với Việt Nam và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ trích việc Trung Quốc đang có những hành động đơn phương cải tạo đảo trái phép trên Biển Đông.


Trước đó, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách Đông Á Hugo Swire cũng tuyên bố rằng, phán quyết của tòa án quốc tế về đơn kiện nhằm vào Trung Quốc của Philippines liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ Biển Đông cần phải được tuân thủ.

Có thể thấy rằng, chính quyền Bắc Kinh đang đối mặt với áp lực ngoại giao ngày càng lớn khi có thêm nhiều nước lên tiếng ủng hộ vụ kiện của Manila và chỉ trích mạnh mẽ các hành động xây đảo đơn phương của Trung Quốc. 

Ngay cả Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken trong bài diễn thuyết sáng 21-4 trước sinh viên và giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn về tương lai quan hệ Việt-Mỹ cũng như chính sách xoay trục của Mỹ ở châu Á- Thái Bình Dương cũng đề cập đến vấn đề Biển Đông. 

Ảnh chụp về các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Ông Antony Blinken nói: “Trung Quốc đang có những hành động đơn phương xây dựng và bồi đắp đảo trái phép trên Biển Đông, tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới. Việc này đã đặt ra nhiều câu hỏi về ý đồ của nước này. Luật pháp quốc tế luôn thúc đẩy quyền tự do hàng hải trên thế giới, dù bất kể sức mạnh của họ đến đâu, chúng tôi muốn Trung Quốc trỗi dậy một cách hòa bình, tuân thủ trật tự quốc tế và dựa trên quy tắc của luật pháp quốc tế". 

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho rằng, Mỹ - Trung đang hợp tác trong nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng hai nước còn nhiều điểm khác biệt. Trong hội nghị thượng đỉnh hạt nhân tại Washington D.C, Tổng thống Barack Obama từng kêu gọi các nước trên thế giới tuân thủ, tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không. 

Ông Antony Blinken  nói: "Chúng tôi rất quan tâm đến cách thức các bên tranh chấp trên Biển Đông thực hiện các yêu sách của họ thế nào”. Về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói, Washington mong muốn các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, trên cơ sở ngoại giao, không phải đơn phương. Đồng thời, ông Antony Blinken cũng khẳng định, Mỹ bảo vệ lợi ích của mình cũng như đồng minh, đối tác trong khu vực và sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải, hàng không ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. 

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Tầm nhìn của chúng tôi với khu vực rất rõ ràng, rằng những tranh chấp phải được giải quyết công khai minh bạch, dựa trên luật pháp quốc tế".

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken trong buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn sáng 21-4. Ảnh: Nam Hằng

Trước đó, hôm 19-4, phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) tại thủ đô Washington, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực Đông Nam Á Hugo Swire đã kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài thường trực tại The Hague (Hà Lan). 

Ông này nói rằng nước Anh nhận thấy phán quyết là cơ hội cho cả Trung Quốc và Philippines xem xét lại những đối thoại của 2 bên về vấn đề Biển Đông. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh khẳng định: “Mặc dù quan hệ Anh-Trung Quốc trở nên ấm áp hơn và London muốn thu hút thêm đầu tư từ Trung Quốc, nhưng điều này không có nghĩa Anh phớt lờ vấn đề nhân quyền hoặc nỗ lực bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông. 

Chúng tôi muốn nói rõ với phía Trung Quốc rằng chúng tôi chỉ có thể ký kết những thỏa thuận một cách minh bạch theo hệ thống dựa trên luật pháp quốc tế. Đương nhiên là những bình luận này của Hugo Swire đã khiến Trung Quốc có phản ứng lại. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói: "Những lời bình luận của ông Swire đã bỏ qua những sự thật, rất phân biệt đối xử, một chiều và đi ngược lại một cách nghiêm trọng lời hứa của nước Anh không đứng về phe nào trong vụ tranh chấp"…

Nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng lên tiếng về vấn đề này. Chẳng hạn, Phó Thủ tướng Malaysia Zahid Hamidi trong khi phát biểu tại phiên bế mạc “Diễn đàn Putraya 2016” hôm 19-4 nhấn mạnh rằng quan điểm của nước này là luôn ủng hộ và đề cao tầm quan trọng của việc giải quyết đa phương và hợp tác khu vực, đặc biệt là trong các nước ASEAN, cũng như các mối quan hệ ngoại giao toàn cầu để giải quyết tập thể các thách thức an ninh đang nổi lên. Cần phải có sự phối hợp hành động của tất cả các nước ASEAN trong việc giải quyết các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống và việc phối hợp này sẽ tăng cường khả năng xác định và giải quyết các mối đe dọa đó. 

Ông Zahid Hamidi cho rằng, để duy trì hòa bình và ổn định khu vực, ngoài việc xác định ASEAN là nhân tố chính, cũng cần phải tiếp tục có sự can dự có tính xây dựng của các cường quốc khu vực và ngoài khu vực. Hiện tại khu vực Đông Nam Á đang tồn tại những vấn đề an ninh thách thức hòa bình và ổn định, trong đó có vấn đề liên quan đến các tuyến đường biển chiến lược, như eo biển Malacca và Biển Đông. 

Các vấn đề này đòi hỏi chính phủ các nước liên quan cần phải nỗ lực ngoại giao nhiều hơn nữa và ASEAN cần phải tiếp tục đóng vai trò tiên phong như là động lực chính và duy trì vai trò trung tâm trong cơ chế quốc phòng và an ninh khu vực.

Huyền Chi
.
.
.