G7 quan ngại hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ Bảy, 09/04/2016, 09:51
Hãng tin Reuters cho biết, Hội nghị Ngoại trưởng G7 sẽ diễn ra trong 2 ngày 10 và 11 tháng 4. Mục tiêu chính của hội nghị là đưa ra chương trình nghị sự cũng như làm rõ triển vọng của Hội nghị Thượng đỉnh G7 dự kiến tổ chức vào tháng 5 tại bán đảo Shima, tỉnh Mie của Nhật Bản.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tọa Hội nghị Thượng đỉnh G7 đã không dưới một lần nêu rõ quan điểm rằng, các cường quốc kinh tế thế giới gồm Anh, Đức, Pháp, Italia, Mỹ, Canada và Nhật Bản phải đoàn kết trong các vấn đề liên quan đến châu Á.

Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm ngoái tại Đức cũng cực lực phản đối những hành động đơn phương ở Biển Đông. Ảnh: Journal-neo.org.

Quan điểm của ông Shinzo Abe là sẽ đưa vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông và các hoạt động gia tăng phát triển vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vào thông cáo chung của Hội nghị Thượng đỉnh.

Trong nhiều cuộc họp cũng như các cuộc gặp gỡ song phương với lãnh đạo các quốc gia khác, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh rằng, chính quyền Tokyo kiên trì khẳng định lập trường của mình trong vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông.

Vì vậy, tuyên bố chung của G7 sẽ phản ánh được nỗi lo ngại quốc tế về căng thẳng ở hai vùng biển nói trên cũng như với việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa tại nhiều khu vực có tranh chấp chủ quyền. Hành động đơn phương bồi đắp đảo nhân tạo của chính quyền Bắc Kinh cũng bị Nhật Bản lên án và cho rằng ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải và đe dọa đến hòa bình, ổn định trong khu vực.

Giới quan sát thì nhận định, việc đưa vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung của G7 không phải là mới. Trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2015 tại Đức, tuyên bố chung của G7 cũng đã “cực lực phản đối” việc đe dọa dùng vũ lực, sử dụng vũ lực hoặc các hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông. Tuy nhiên, chủ thể của việc phản đối này lại không bị nêu đích danh.

 Còn lần này, như phân tích của hãng Kyodo, Nhật Bản không có cớ gì mà không chỉ rõ tên Trung Quốc là quốc gia đang cố tình xây đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm hiện thực hóa yêu sách phi lý về đường lưỡi bò ở vùng biển này. 

Trong lúc này, các quốc gia trong khu vực châu Á và cộng đồng quốc tế vẫn liên tục bày tỏ những lo ngại về tình hình ở Biển Đông. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tại cuộc họp Quốc hội hôm 7-4 đã kêu gọi các nước ở Biển Đông tìm kiếm các giải pháp phi quân sự để giải quyết tranh chấp thay vì quân sự hóa.

Ngoại trưởng Singapore nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ mất tất cả nếu để căng thẳng leo thang. Vấn đề quan trọng là duy trì đối thoại về những vấn đề mà các bên cùng quan tâm và tránh để những tranh cãi đó làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc”.

Đồng thời, ông Vivian Balakrishnan cũng cam kết rằng Singapore sẽ cố gắng thúc đẩy ASEAN và Trung Quốc tiếp tục làm việc với nhau để sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Riêng Indonesia thì tỏ thái đội dứt khoát hơn khi triển khai 4 đơn vị đặc nhiệm trên bộ lên đảo Pulau Natuna Besar, đảo lớn nhất thuộc vùng quần đảo Natuna ở Biển Đông.

Thậm chí, Indonesia còn dự định triển khai hệ thống phòng không Oerlikon Skyshield, một giàn cao xạ tự động đa năng 35 ly, có thể bắn 1.000 phát mỗi phút, và sử dụng loại đạn được dẫn đường chính xác để sẵn sàng đối phó với Trung Quốc…

Các quan chức ngoại giao của Liên minh Châu Âu (EU) cũng bày tỏ quan ngại về an ninh kinh tế của khối này ở Biển Đông. Phát biểu tại một diễn đàn được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ông Gunnar Wiegand, Giám đốc phụ trách vùng châu Á và Thái Bình Dương của Cơ quan Đối ngoại EU (EEAS) cho biết, những biến động gần đây ở Biển Đông thật sự đáng quan ngại, vì đây là nơi mà một nửa giao thương của thế giới phải đi qua mỗi năm.

Và dù không đứng về phía nào, châu Âu vẫn cam kết thực hiện đúng trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Sông Thương
.
.
.